loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi gặp Lê Chí Kiên tháng 4/2012 trong lễ ra mắt bộ phim truyện nhựa Mùi cỏ cháy. Kiên vào vai Đại đội trưởng Phong rất thành công, ấn tượng lại có chút hài hài, diễn tự nhiên mà cứ ngỡ thật ngoài đời. Nhưng hóa ra, điện ảnh chỉ là một "cuộc dạo chơi nhỏ", còn sân khấu mới là nơi anh ấp ủ và thực hiện những ước mơ lớn.
Từng là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, NSƯT Lê Chức tâm huyết hướng dẫn sinh viên cách hành động tâm lý bằng lời kịch, tiếng nói sân khấu trong vai diễn; phương pháp điều khiển giọng nói theo nhân vật; kỹ thuật diễn xuất và tự tin trước ống kính cũng như trên sân khấu… Đặc biệt, thầy nhấn mạnh cho sinh viên 3 yếu tố cơ bản làm nên thành công một vở kịch là: Kịch bản hay, đạo diễn giỏi và diễn viên tốt.
Bố mẹ Lê Chí Kiên là giáo viên. Chiều lòng các cụ, anh đã thi đỗ vào Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Sau 2 tháng học ở Hương Canh (Vĩnh Phúc), chàng trai mê nghệ thuật cảm nhận được mình không thuộc về nơi này. Nếu cứ cố chiều lòng cha mẹ thì không biết sẽ đi đến đâu. Thế là anh bỏ ngang...
Quyết đến với sân khấu
Sau 3 năm học Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), Kiên đầu quân cho Nhà hát Múa rối Thăng Long. Đây là nhà hát đã xác lập kỷ lục là nhà hát duy nhất ở châu Á sáng đèn cả 365 ngày/năm.
Là một nghệ sĩ, một đạo diễn của Nhà hát, Lê Chí Kiên đã quan tâm đến việc dàn dựng các tiết mục phục vụ đối tượng công chúng nhỏ tuổi. Nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và mùa Hè 2013, Chí Kiên dàn dựng vở rối nước Khúc ca ao làng (kịch bản: Nguyễn Đăng Tiến) trong thời lượng hơn 30 phút.
Bước chân vào con đường nghệ thuật rối, chàng trai Hà Nội đã bị thôi miên với cảnh sắc làng quê Việt Nam, với cây đa, bến nước, sân đình, ao làng… Cảm xúc văn hóa làng quê đã cho anh niềm đam mê kỳ diệu. Kiên dàn dựng Khúc ca ao làng trong không gian chiếc ao làng quen thuộc của làng quê Việt Nam, mà ở đó những con vật ngộ nghĩnh như: Vịt, ếch, cá, cào cào… cùng thi tài văn nghệ. Cuộc thi hứng thú và có sự “cạnh tranh” quyết liệt. Để vở rối gần gũi hơn với thiếu nhi và phụ huynh, đạo diễn đã chọn những ca khúc quen thuộc của thiếu nhi: Chú ếch con, Một con vịt, con cào cào… Vở rối Khúc ca ao làng được công chúng nhỏ tuổi hào hứng, thích thú đón nhận.
Năm 2015, Lê Chí Kiên và NSƯT Phương Nhi đồng đạo diễn vở rối cạn Hào quang từ quá khứ. Trên đà đó, được lãnh đạo Nhà hát ủng hộ, năm 2017, Lê Chí Kiên bàn bạc, phối hợp với NSƯT Lê Thu Huyền dàn dựng một số tiết mục phục vụ các em nhỏ, như: Cô bé quàng khăn đỏ, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Hoa ban đỏ, Vườn thú đáng yêu, Đại dương xanh… Trong số các vở diễn trên, Nàng công chúa ngủ trong rừng là vở diễn được tạo hình bằng bóng bay, xây dựng nhiều tình tiết ly kỳ, giàu kịch tính, hấp dẫn các em nhỏ nhất.
9 năm ấp ủ
Năm 2007, khi bước chân vào học đạo diễn sân khấu ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, anh đã ấp ủ ý tưởng đưa Hồn Trương Ba, da hàng thịt của cố tác giả Lưu Quang Vũ lên sân khấu rối. Trước một kịch bản quá hay, giàu cảm hứng cho nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, Kiên muốn có một Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản mới bằng ngôn ngữ của nghệ thuật rối, mang đặc trưng của rối từ thiết kế mỹ thuật, sân khấu, bối cảnh, ánh sáng, con rối, diễn xuất, âm nhạc...
Làm mới sân khấu múa rối từ một vở kịch có tuổi đời gần 40 năm, một đỉnh cao của kịch nói nước nhà cho đến thời điểm này, là một thách thức. Biết tin này, không ít bạn bè, đồng nghiệp và cả gia đình lo lắng cho Kiên. Có người nói đưa kịch kinh điển của Lưu Quang Vũ vào nghệ thuật rối là không khả thi, quá mạo hiểm, bởi sẽ không thể lột tả được nội dung sâu sắc, những ẩn ý cần giãi bày, những thông điệp cần mang tới cho khán giả từ kịch bản gốc.
“Ngay Lưu Minh Vũ - con trai cố tác giả kịch bản Lưu Quang Vũ cũng không khỏi e ngại khi em đến xin gửi tiền bản quyền tác giả. Em hiểu tâm trạng đó là có cơ sở. Để gia đình yên tâm, em quả quyết sẽ cố gắng đến mức cao nhất thể nghiệm thành công, làm mới một tác phẩm kinh điển thành một vở rối mới lạ, hấp dẫn. Em nói sẽ tránh theo lối mòn của cách dựng sân khấu quen thuộc mà những nghệ sĩ tài danh trước đã đi và thành công” - Kiên kể - “Em biết sức mình khó lòng vượt qua nổi các bậc tiền nhân. Vì thế, em quyết tâm phải làm một Hồn Trương Ba da hàng thịt không giống ai, một ngôn ngữ mới cho nghệ thuật rối. Và em rất mừng gia đình cố tác giả Lưu Quang Vũ đã tin tưởng, tạo điều kiện cho phép sử dụng kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt. PGS-TS Lưu Khánh Thơ - em gái cố tác giả và Lưu Minh Vũ còn gợi ý cho em thực hiện”.
Toàn bộ ê kíp sáng tạo vở rối Hồn Trương Ba da hàng thịt, gồm: NSND Đăng Tiến chuyển thể từ 90 trang kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ sang 30 trang kịch bản múa rối với thời lượng 70 phút; hai cố vấn, chỉ đạo nghệ thuật là NSND Hoàng Tuấn và NSƯT Chu Lượng; thực hiện tạo hình con rối do NS Ngô Thắng đảm nhận; âm nhạc do 2 nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và Nguyễn Tuấn phụ trách; đài trưởng do NSƯT Lê Thu Huyền đảm nhận cùng những diễn viên “gạo cội” của Nhà hát được đạo diễn chọn rất cẩn thận để đảm nhận tốt vai rối…
Như vậy, nung nấu suốt 9 năm, vở diễn được dàn dựng trong vài tháng, trong đó khoảng 2 tháng Kiên cùng ê kíp sáng tạo trăn trở, bàn bạc, nghĩ suy.
Trước hết, về ý tưởng sân khấu, Lê Chí Kiên ngồi với họa sĩ Doãn Bằng cả đôi tháng mới ra được ý tưởng bàn cờ âm dương; thiên đình và hạ giới; người trần và tiên cảnh. Theo đó, thiết kế sân khấu cho vở rối Hồn Trương Ba da hàng thịt trên một mặt phẳng thẳng đứng cao 4,5m, sân khấu 3 tầng giao thoa được thiết kế đặc biệt gắn kết thành một khối thống nhất, hài hòa, gồm: Tầng sân khấu sàn diễn, tầng sân khấu của rối và tầng sân khấu thiên đình. Cùng với sân khấu, hệ thống ánh sáng chia thành 3 tầng độc lập cho từng tầng sân khấu.
Âm nhạc trong rối có vai trò quan trọng phù trợ chắp cánh cho con rối biểu cảm nội tâm, tình huống sân khấu. Đạo diễn nảy ra ý tưởng mới về âm nhạc, khác với âm nhạc rối vẫn thường sử dụng lấy chất liệu từ chèo, dân ca... Điểm khác lạ, mới mẻ trong phần nhạc người ở đây là sự kết hợp ca cải lương, hát tuồng, hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn, hát nhạc mới… Đạo diễn đã bàn với NSND Ngọc Bích đưa âm thanh của cuộc sống đương đại thành một bản nhạc trên bối cảnh phiên chợ, chứ không muốn dùng một bản nhạc có sẵn.
Vở rối mở ra một không gian cảnh xưa, tích cũ được bắt đầu trên sân khấu: Nơi hát xẩm, chỗ ăn mày, chỗ uống rượu, cảnh người mua kẻ bán tấp nập… nhưng mang hơi thở thời đại. Vì thế, tất cả những âm thanh ồn ã, lộn xộn, xô bồ ở ngoài chợ, tiếng guốc, cãi nhau, hát xẩm, thậm chí tiếng của những người đàn ông say rượu gầm ghè, cà khịa đánh nhau… đã hòa trộn tạo thành một bản nhạc sôi động, độc đáo. Những tiếng gõ guốc vui nhộn là điều tác giả muốn gửi gắm niềm mong mỏi có một xã hội tốt đẹp, có tôn ti trật tự, có trên có dưới. Khi mọi người gõ guốc đều đều là khi xã hội đã bắt đầu có tôn ti trật tự, mọi người đã hiểu nhau. Âm thanh đã góp phần hỗ trợ cho sân khấu rối tạo nên sự độc đáo.
Tháng 11/2016, Nhà hát Múa rối Thăng Long mang vở rối cạn Hồn Trương Ba da hàng thịt đến Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 - 2016. Kết quả trên cả mong đợi khi vở rối đã đoạt được giải Tiết mục thử nghiệm rối xuất sắc nhất; nhiều giải thưởng cho cá nhân: 2HCV cho các cặp nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long - Trần Hải Anh (vai Đế Thích), Ngô Thị Hiên - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương (vai vợ anh hàng thịt); hai HCB cho các cặp nghệ sĩ Hà Bình Minh - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương (vai Trương Ba) và NSƯT Võ Thùy Dương - Nguyễn Bảo Trâm (vai vợ Trương Ba). Trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 - 2017) và Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 Âm lịch), vở rối đã được Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng giải B.
Với những cố gắng bền bỉ, táo bạo thử nghiệm, dấn thân, năm 2019, đạo diễn Lê Chí Kiên đã được phong danh hiệu NSƯT. Tôi tin vào năng lực, tâm huyết của những đạo diễn trẻ có nhiều cơ hội thử sức, dấn thân, tạo dựng lòng tin trong lòng công chúng như Kiên. Và, tôi tin trên hành trình sáng tạo không ngừng của anh để có nhiều tác phẩm rối thể nghiệm hay, độc đáo như Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
Kết hợp rối và kịch
Lê Chí Kiên chia sẻ: “Vốn là diễn viên sân khấu kịch nói, em muốn thể nghiệm sự kết hợp giữa rối và kịch để người nghệ sĩ bớt đi sự “thiệt thòi”, nghĩa là có cơ hội lộ diện khi biểu diễn. Vì thế, em mới nảy ra ý tưởng kết hợp giữa con rối và nghệ sĩ biểu diễn. Những con rối dân gian, như rối dẹt, rối tay... cùng diễn viên biểu diễn trên sân khấu. Điểm thú vị và là điểm nhấn mang tính chất thử nghiệm là sự kết hợp giữa con rối với các diễn viên. Đây cũng là lần đầu các diễn viên của Nhà hát Múa rối hiện diện trên sân khấu với diễn xuất trực tiếp của mình, chứ không chỉ thông qua con rối như trước nữa.
Từ năm 2008, cùng NSND Anh Tú, em đã mạnh dạn đưa kịch - rối vào thử nghiệm vở Trấn cổ Loa Thành và sau đó cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau: Người khen, kẻ chê, thậm chí có nhà nghiên cứu còn lớn tiếng nói sự kết hợp này là “phá múa rối”. Việc đón nhận cái mới có vẻ như khá dè dặt. Cũng phải thôi. Không phải sự tìm kiếm, khám phá nào cũng dễ được chấp nhận. Em nghĩ rất lạc quan: Khen hay chê với em không còn quá quan trọng mà điều cơ bản mình phải tìm hướng đi.Nghĩ thế, em không chùn bước, hay nản lòng trước nhiều ý kiến khác nhau và vẫn kiên định con đường đã chọn”.
|
PSG-TS Lê Thị Bích Hồng
loading...