Thầy cô thi nhau khoe tài trang trí bảng đẹp như tranh vẽ, ai nhìn cũng phải tấm tắc
Chỉ với vài mẩu phấn và tấm bảng dạy học, các thầy cô có thể tạo ra nhiều tác phẩm đẹp như tranh vẽ, khiến ai ai cũng phải trầm trồ.
Bảng đen là công cụ truyền tải bài học của giáo viên cho học sinh. Đối với nhiều thầy cô, chiếc bảng này thậm chí còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Ở trên chiếc bảng đen này, các thầy các cô tha hồ thể hiện tài viết chữ đẹp như rồng bay phượng múa, một số khác thì chọn cách trang trí bảng đẹp như vẽ tranh nhằm tạo sự hấp dẫn cho bài giảng, thu hút thêm sự chú ý của học trò.
Những dòng chữ được viết nắn nót chuẩn in đậm, in hoa kết hợp với các hình ảnh hoa lá, cỏ cây… liên quan đến bài học khiến ai nhìn cũng phải tấm tắc khen. Bởi lẽ, loạt tác phẩm này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, gu thẩm mỹ mà còn cả tâm huyết của người giáo viên. Thời gian gần đây, dân tình cũng được dịp xuýt xoa trước hàng loạt thầy cô với tài năng "họa" bảng như vậy.
Cô giáo tiểu học "gây bão" nhờ loạt tranh vẽ bảng mừng Tết Trung thu
Cách đây một thời gian, một cô giáo tên là Nguyễn Phương Anh (sinh năm 1995) bỗng nhận về nhiều chú ý khi khoe loạt ảnh tranh vẽ trên bảng tuyệt đẹp về ngày Trung thu. Loạt tranh vẽ này được đầu tư kỳ công, khiến ai nấy đi qua cũng thích thú.
Theo cô Phương Anh, việc vẽ tranh lên bảng giúp cô rèn luyện tính sáng tạo, cẩn thận và kiên nhẫn, đồng thời để lại ấn tượng tốt cho học sinh về cô giáo. Thông qua những bức tranh đầy màu sắc, cô muốn mọi người thấy được cái tâm, sự chỉn chu, nhiệt huyết của một người nhà giáo. Trên hết, mục đích cuối cùng của cô Phương Anh là lưu những khoảnh khắc kỷ niệm cho các con, tạo ấn tượng đẹp nhất cho các bạn trong năm học đầu tiên của cấp Tiểu học.
Về dự định tương lai, cô Phương Anh cho biết sẽ tiếp tục cố gắng trau dồi bản thân với mong muốn theo đuổi lâu dài với ngành Sư phạm. "Mình luôn duy trì quan niệm là cống hiến, yêu nghề mến trẻ, tất cả xuất phát từ cái tâm và niềm đam mê nghề của bản thân", cô giáo trẻ tâm sự.
Cô giáo lớp 1 trang trí bảng đẹp như "rồng bay phượng múa"
Không chỉ cô Phương Anh mà loạt hình ảnh trang trí bảng trong buổi họp phụ huynh đầu năm của cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (giáo viên kiêm Khối trưởng chuyên môn phụ trách khối 1 của trường Tiểu học Bình trị 1, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng khiến cư dân mạng tấm tắc khen ngợi.
Mặc dù, đã là giáo viên có thâm niên gần chục năm giảng dạy và chữ viết đã đẹp đến mức "hoàn hảo", nhưng giờ lên lớp hay ở nhà, khi nào có thời gian rảnh và cảm thấy hứng thú, cô Mai lại mang bút vở ra luyện chữ. Bởi, cô xem việc rèn chữ là một triết lý sống.
Ngoài ra, cô Tuyết Mai còn viết chữ vô cùng đẹp. Theo chia sẻ, bản thân cô từ cấp 1 đến cấp 3, chữ đều rất xấu và ẩu. Nhưng khi bước vào môi trường sư phạm, được học qua phương pháp tiếng Việt, cô mới bắt đầu luyện chữ.
- Ăn gì uống gì tại Trà Đá Đi?
- Nghề thêu truyền thống 150 tuổi của hòn đảo đẹp nhất châu Âu, vang danh khắp chốn
- XSMB 16/10 - Xổ số miền Bắc hôm nay - XSMB - Xổ số miền Bắc 16/10/2022
Tài "vẽ" bảng của cô giáo dạy tiếng Anh
Mọi người thường nghĩ, chỉ có những thầy cô dạy tiếng Việt mới hay trang trí bảng, viết chữ nắn nót điệu đà, nhưng cô Hồng Huy (31 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) lại chứng minh cho điều ngược lại khi khả năng vẽ bảng của cô không thua kém một ai.
Được biết, lý do để cô Huy học vẽ bảng là bởi cô thấy thương các bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa, nên bản thân muốn làm chút gì đó tươi mới cho các em. Ban đầu, cô Huy tự vẽ theo cảm xúc, rồi tìm hiểu qua mạng và xem tranh của các thầy cô khác xong vẽ lại. Tuy nhiên, do không biết bắt đầu từ đâu và chưa biết cách dùng phấn phù hợp, cô chỉ vẽ được những hình đơn giản và chưa đủ đặc sắc.
Cô giáo tiếng Anh sau đó chủ động đăng ký học thêm một khóa hướng dẫn vẽ bảng online. Từ đây, cô hiểu rõ hơn về kỹ thuật và vẽ được nhiều tranh hơn. Dù mới học, chưa vẽ được bức phức tạp song cô cũng khiến học sinh trầm trồ.
Việc vẽ tranh không chỉ làm chiếc bảng đẹp hơn mà còn tạo bầu không khí của lớp cô Huy trở nên tươi vui, hứng thú hơn. Trong một số tiết học tiếng Anh, cô Huy dùng phấn phác họa nhanh vài hình vẽ để dạy từ vựng. Cô cũng hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ tư duy đơn giản để nâng cao hiệu quả học tập cho các em.
Cô giáo Mỹ thuật trổ tài vẽ đẹp
Cô giáo Trương Thị Trang (36 tuổi, giáo viên dạy Mỹ thuật tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chính là chủ nhân của hàng loạt bức vẽ bảng từng làm nức lòng người xem.
Theo cô Trang, dù vẽ bảng chỉ được phút chốc rồi xóa nhưng nó để lại ấn tượng và sự thích thú trong mỗi học sinh, đặc biệt là các em mới vào lớp 1. Vẽ tranh bảng còn giúp học sinh hình thành thói quen quan sát, cảm nhận về thẩm mĩ, về cái đẹp. Khi cảm nhận được, học sinh sẽ yêu thích và có thể ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, tăng năng lượng tích cực.
Ngoài ra, việc dùng phấn vẽ tranh bảng đối với cô khó hơn nhiều khi vẽ màu trên các chất liệu khác. Vì không phối được nhiều màu, chỉ dùng phấn có sẵn nên đôi lúc không thể hiện được chiều sâu như tranh vẽ. Nếu bảng trơn không ăn phấn thì vẽ không được đẹp. Nếu bảng ăn phấn, kết hợp phấn nổi thì bức vẽ sẽ sinh động hơn.
Thầy giáo 9X vẽ hoa phượng giống y như thật
Thật không sai khi nói, thầy giáo Nguyễn Huy Du (sinh năm 1996, giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chính là nhân chứng sống cho câu nói "viết đẹp, vẽ đẹp không chỉ là đặc quyền của riêng phụ nữ". Sau khi đăng tải mấy tấm hình trang trí bảng đẹp "mê ly" lên MXH, thầy Du đã nhận được "cơn mưa" lời khen, sự nể phục của mọi người.
Được biết, thầy giáo 9X này hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 4 dạy tất cả các môn văn hóa. Tuy nhiên, do có niềm đam mê với hội họa từ nhỏ nên thầy Du đã tập tành học vẽ và thể hiện được năng khiếu ở lĩnh vực này.
Thầy không tham gia bất kỳ lớp vẽ hay luyện chữ chuyên nghiệp nào, chỉ học hỏi từ một người thầy có chung niềm đam mê vẽ trang trí bảng mà thôi. Hằng ngày, thầy vẫn đều đặn lên lớp với các môn văn hoá, tối đến tranh thủ tham gia hướng dẫn một số đồng nghiệp cùng đam mê luyện viết chữ và trang trí bảng.
Tổng hợp
Huỳnh Đức - Design: Hoàng Sơn