Tết xưa - Tết nay (kỳ cuối): Kiêng cữ ngày Xuân
(Thethaovanhoa.vn) - Miền Tây quê tôi ngày Tết có rất nhiều chuyện kiêng cữ mà hồi đó tôi cứ mắc cười, thậm chí gân cổ lên cãi với má, cho đó là dị đoan. Giờ lớn rồi mới thấy, trong đó có một số lại mang nét văn hóa tiềm ẩn, mà đôi khi ông bà mình khéo léo lồng vào để lớp trẻ ứng xử phải đạo hơn.
1. Kiêng cữ đầu tiên là chọn người xông đất đầu năm. Tính từ lúc cúng Giao thừa là bắt đầu năm mới, người nào bước vào nhà mình đầu tiên coi như đó là “người xông đất”.
Nhiều gia chủ đã chọn lựa trước trong số bà con, xóm giềng những ai có phúc đức, hoặc có cái tên “hên” như Giàu, Sang, Phú, Quý, Phát, Tài, Vàng, Ngọc, Tiền, Ngân, Lượng, Phước, Thịnh…gì đó, sẽ mời họ đến xông đất với hy vọng cả năm gia đình khấm khá. Ai nghèo khổ hoặc có cái tên không được đẹp thì làm ơn tránh mặt suốt mùng 1, chứ vào nhà người ta rủi năm đó người ta làm ăn thất bát sẽ đổ thừa cho mình.
Tôi nhớ có một năm, vừa cúng Giao thừa xong chừng 15 phút, thằng Thau trong xóm đi đâu mà lủi vào nhà tôi, khiến má tôi kêu trời: “Năm nay chắc làm ăn như đồ con nít!”. Nhưng rồi năm đó má tôi buôn bán vẫn đắt hàng, tôi bèn “nhắc” má, nhưng năm sau má vẫn cương quyết phải chọn người xông đất ngon lành mới chịu.
Riêng bọn trẻ chúng tôi thì má dặn rất kỹ, không được ghé nhà ai hết, phải mùng 2 trở đi mới được ghé. Vì vậy thường thì mùng 1 chúng tôi đi chùa, đi khắp các ngôi chùa trong xã, ăn cơm chay rất thích. Mùng 1 má cũng kiêng ăn mặn, nhất quyết không cho sát sanh, cả nhà phải ăn chay trọn vẹn. Các em tôi nhỏ xíu má cũng bắt ăn chay trọn ngày, vậy mà quen bụng, không hề thèm thịt cá gì hết, vì má nấu đồ chay rất ngon.
Ăn chay ở nhà, lại ăn chay ở chùa, thật sự là một ngày Tết thú vị. Tôi yêu những ngôi chùa làng, tuy nghèo nhưng cơm chay lúc nào cũng sẵn sàng mời khách. Những bầu bí giản đơn đem kho với nước tương mà sao ăn ngon quá chừng. Ăn trong cái không khí tưng bừng nhộn nhịp của người đi lễ chùa, ăn trong khói hương thanh tịnh, trong sắc hoa vạn thọ chen đầy, cảm xúc lâng lâng.
Gia đình tôi giữ nếp kiêng thịt cá vào ngày đầu Xuân mãi cho đến khi má già, rồi má mất, coi như 60 năm không thay đổi. Dân quê tôi cũng vậy, ăn chay vào mùng 1 đã là chuyện rất bình thường.
2. Ngày Tết, má tôi còn kiêng cữ đủ thứ theo phong tục ở quê. Nào là không được cãi nhau, sợ cả năm gia đình lục đục. Không được giặt đồ, sợ cả năm “nhà sinh giặc”, nghĩa là bất hòa. Không được quét nhà, vì như vậy là “quét tiền” ra hết. Tôi phản ứng vụ giặt đồ bởi tôi chỉ có 2 bộ đồ mới, không giặt lấy gì hôm sau mặc đi chơi, má ừ ừ làm lơ, nhưng chỉ cho giặt đồ đi chơi thôi, còn đồ mặc ở nhà phải đợi mùng 2, mùng 3 mới đụng tới. Và không quét nhà sao được vì xác pháo bay đầy thềm, và hoa mai rụng đầy phòng khách, tôi phải lấy khăn gom gom lại hốt, chứ tuyệt nhiên không dám đụng tới cây chổi.
Nhưng vụ cấm cãi nhau thì tôi đồng ý, bởi ngày tư ngày Tết ai lại sân si, ráng nhịn nhau, ráng hòa nhã là tốt. May là nhà tôi không có ai nhậu nhẹt, chứ hàng xóm có mấy ông nhậu “lết bánh” rồi cãi nhau, cấm làm sao được. Rượu vào thì lời ra thôi. Nhưng cãi kiểu vui Xuân cũng không đến nỗi, lè nhè tí rồi lại cười với nhau. Đoạn này chắc phải ghi chú thêm một chút về nạn nhậu của dân miền Tây, thiệt tình là nhậu rất giỏi. Ngày Tết vợ con không thể rầy la gì được, mấy ông tha hồ chén chú chén anh, nhậu cho hết mùng mới chịu, và nhậu đủ 3 cữ mỗi ngày, trưa, chiều, “lết” luôn tới tối. Có ông say quá té nằm ở bờ ruộng, sao không thấy ai kiêng cữ chi hết!
3. Má tôi còn kiêng cữ nhiều món ăn nữa. Thứ nhất, không ăn chuối, cũng không để trái chuối nào trong nhà. Chỉ mua chuối gói bánh tét chiều 29, 30, gói xong là phải thanh lý cho bằng hết. Đầu năm mà còn trái chuối nào coi như cả năm làm ăn “chúi nhủi”. Không được ăn bầu, vì sợ…có bầu. Tôi cười bể bụng: “Má ơi, thí dụ thằng Dũng nó ăn rồi nó làm sao có bầu? Con cũng mới 12 tuổi hông lẽ có bầu?”. Má nạt: “Nói bậy nè. Ông bà cữ gì thì mình làm y vậy, đừng có hỏi tùm lum”.
Má cũng không cho ăn trái bí, sợ làm ăn “bí rị”, mà bắt ăn khổ qua để “cái khổ qua đi”, trong khi tôi hồi nhỏ rất sợ vị đắng của khổ qua. Ngày mùng 1 má còn nấu một món có cọng dài dài như bún, miến, mì…bảo là hy vọng mọi việc dài dặn, suôn sẻ, không có bị cụt lủn, đoản hậu.
- Tết xưa - Tết nay (kỳ 3): Từ chuyện 'mặc' tới chuyện 'chơi'
- Tết xưa - tết nay (kỳ 2): Tết ăn!
- Tết xưa - tết nay (kỳ 1): Từ lễ nghĩa gia phong tới chợ Tết
À, còn kiêng ăn mướp nữa chứ, má nói: “Te tua như cái xơ mướp”, tôi cười muốn sặc cơm. Hóa ra dân miền Tây căn cứ vô phát âm của tên gọi các thứ rồi liên tưởng tới một từ có âm gần giống như vậy, dù có khi viết chính tả thì khác nhau một trời một vực.
Chuyện ăn mặc cũng có kiêng cữ. Nhất là áo đen, ngày Tết không nên mặc, bởi thấy nó u tối, xui xẻo. Quần đen thì được, tất nhiên, vì đa số mặc áo bà ba, hoặc sơ mi quần Tây, thường chọn màu đen dễ phối hơn. Áo cũng không được mặc hở hang, hoặc quá mỏng, vì kiểu khoe thân như thế là đem lại xui xẻo. Ngày Tết ăn mặc đoan chính sẽ thêm phúc đức. Đặc biệt cô nào có dịp ghé nhà chồng tương lai, chồng sắp cưới chúc Tết thì càng nên ăn mặc đoan chính, chứ hở hang sẽ bị mất điểm ngay.
Những tập tục đó giờ đã mất đi nhiều. Còn chăng là thói quen xông đất, đi chùa, ăn chay, không cãi nhau. Những ngày Tết xưa dù sao vẫn đẹp trong ký ức của thế hệ chúng tôi.
Tết hiếu khách và hào sảng Đúng ra lũ thanh niên hoặc học sinh trung học như chúng tôi hồi ấy mới đi chơi Tết nhiều nhất. Bạn bè trong lớp hẹn nhau, rồi bắt đầu đi một vòng tới nhà đứa này đứa kia cho biết. Một ngày có thể đi thăm nhà 2, 3 đứa. Đi bộ là chính. Chỉ cần đón một chuyến xe lam, tới đường lộ cho xuống, rồi đi tà tà vào ấp. Đường làng quanh co uốn theo dòng sông hoặc dòng kênh gió thổi mát rượi, trên bờ thì rợp bóng cây xanh mướt. Có xe đạp thì càng hay, nhưng đường làng hồi đó toàn đất gồ ghề, con gái chạy yếu phải nhờ con trai chở, rồi sau đó chọc ghẹo nhau, ghép đôi nhau. Vào tới nhà bạn, ba má bạn hớn hở đón chào, bày mâm cơm, bánh tráng, bánh tét ra đãi liền, hoặc chặt dừa xiêm cho uống cho đã khát. Nhà nào cũng sẵn mâm cơm như vậy để đãi khách Tết, và bẻ sẵn dừa để lăn lóc dưới gầm chõng tre. Chúng tôi ăn căng bụng, má của bạn lui cui dọn rửa, không cho “khách” mó tay. Rồi lũ tôi kéo nhau ra vườn giăng võng nằm đong đưa, ai ngủ cứ ngủ, ai bẻ xoài, bẻ mận cứ bẻ. Mùa Xuân, mận hồng đào ra trái chen cành, cắn vô ngọt tận răng. Xế chiều, cả bọn kéo nhau tới nhà đứa khác. Cũng lội bộ, cũng ăn, chơi, bẻ trái. Tính ra một ngày đi hơn 20 cây số, ngắt quãng khi tới nhà một đứa bạn, coi như nghỉ chân. Chỉ vậy thôi, sao mà vui quá! Tính hiếu khách và hào sảng Nam Bộ là vậy, ai tới chơi nhà là rất mừng, sẵn sàng đãi đằng, không ngại vất vả, tốn hao. Và bạn của con mình cũng là “khách”, không coi nó là “con nít”. Tôi khắc sâu mãi hình ảnh những bà má miền Tây với bộ bà ba giản dị, lui cui dưới bếp, mồ hôi ướt đẫm, rồi tay bưng dĩa thức ăn ra mời khách với nụ cười sáng như trăng. Đi chơi kiểu đó, chúng tôi rất rành hoàn cảnh của nhau, ba má mỗi đứa cũng rành bạn bè của con mình, thắt chặt tình cảm. Bây giờ hầu hết học sinh trong lớp biết rất ít về bạn. Bởi sáng chúng tới trường, chiều về, tối đi học thêm, có khi luôn cả Chủ nhật. Thậm chí ba má chạy xe gắn máy chở con đi, không rời một bước. Hỏi thử nhiều đứa, nó lắc đầu không biết bạn bè nhà ở đâu, hoàn cảnh thế nào, bản thân nó cũng không cần tìm hiểu. Với người lớn bây giờ cũng ngại đến nhà nhau vì sợ làm phiền. Bà con họ hàng cũng ngại tới lui. Ở nông thôn thì còn giữ được phong tục này chút chút, chứ ở thành phố mấy bà vợ than phiền quanh năm đi làm vất vả, chỉ chờ Tết nhứt được nghỉ ngơi, lại phải chui đầu vào bếp nấu nướng, đãi đằng, dọn dẹp. Dù có ra nhà hàng mua thức ăn sẵn thì cũng phải rửa chén, dọn tiệc, mệt quá! Nhiều nhà “treo bảng” về quê, nhưng kỳ thực là vợ chồng con cái dẫn nhau đi du lịch hoặc đi Đầm Sen, Suối Tiên, rồi xem phim, xem kịch đến tối luôn. Vợ khỏi vào bếp, cứ ăn nhà hàng, ăn quán dọc đường, lại khỏi sợ chồng đàn đúm, nhậu nhẹt. Thôi thì, mỗi thời mỗi khác, miễn sao người ta thấy vui là được. |
Hoàng Kim