Tết xưa - Tết nay (kỳ 3): Từ chuyện 'mặc' tới chuyện 'chơi'
(Thethaovanhoa.vn) - Hồi đó, Tết gần như là dịp duy nhất để được mặc đồ mới - nếu không tính ngày khai trường được mặc đồng phục mới. Thậm chí, với bọn con gái thì mặc thật sự quan trọng hơn ăn. Cho nên, chúng tôi chăm chăm chờ Tết, má sẽ sắm cho mỗi đứa một bộ quần áo.
Nhà nghèo, được một bộ là may lắm rồi. Gia đình nào khá giả thì được hai, ba bộ. Chỉ cần bộ đồ mới, có thể đi chơi đến tận mùng 5. Sáng đi, chiều về giặt. Mai lại mặc tiếp. Có sao đâu, vì hôm sau đã đi thăm chỗ khác, nhà khác, với bạn khác, ai mà phát hiện ra! Riêng tôi có người mẹ là thợ may, nên có khi chị em tôi mỗi đứa được hai ba bộ. Bởi một bộ thì mua vải, còn mấy bộ kia má ghép từ những mảnh vải vụn của khách hàng, cách điệu tùm lum cũng ra “kiểu”, thậm chí hoa lá cành rất đẹp.
Mặc đồ và may đồ
Trước 1975, thị trường vải vóc có nhiều loại để chọn lựa. Phổ biến nhất là ka-tê, ba-tít, với sợi vải mịn, rút mồ hôi, thoáng mát, từ đàn ông cho tới phụ nữ, trẻ con đều chọn để may sơ mi, bà ba, áo kiểu, áo túi, áo dài. Còn quần tây cũng có nhiều loại vải rất tốt, may lên phom quần rất đẹp. Nghe nói, toàn hàng nội địa sản xuất tại Sài Gòn. Đặc biệt có một mặt hàng thượng hạng mà phụ nữ nào cũng ráng tậu cho được một xấp để may quần. Đó là lãnh Mỹ A sản xuất từ làng dệt Châu Giang (gần Châu Đốc), bóng mượt mát lạnh, mặc lên trông sang trọng vô cùng.
Má tôi dù nhà nghèo cũng ráng may một cái quần Mỹ A để dành đi đám tiệc. Ngày tết, khách mang lãnh Mỹ A đến may rất nhiều, má tôi dặn mấy cô học trò cẩn thận, lỡ cắt trúng, hoặc làm xước rách, thì “đền thấy mụ nội”. Tôi nhớ mợ Hai Nho may cái quần Mỹ A ăn tết, cứ dặn tới dặn lui là phải may cho đẹp, dặn riết má tôi phát ngán luôn với mợ.
Con nít như tôi hồi ấy ít mặc đầm, trừ tôi vì là dân Sài Gòn (má dẫn về quê sống với ngoại) nên ba tôi vẫn may đầm gửi về cho tôi mặc. Nhưng một năm sau, thấy tụi bạn trong xóm chả đứa nào mặc như mình, tôi bèn cất cái đầm đó luôn, giữ làm kỷ niệm đến hơn 20 năm sau mới chịu bỏ. Con nít quê chỉ thích mặc áo kiểu có viền dún dún ở cổ, ở tay, ở tà áo, mất công hơn đồ người lớn, mà ngày Tết lại không có thời giờ, má bắt tôi giúp má kéo sợi chỉ cho miếng vải rút lại thành miếng dún, thế là tôi bắt đầu bước vào thế giới may vá của má từ khi 9 tuổi.
Tết đến, người ta mới hối hả đi mua vải may đồ, báo hại má tôi và mấy chị học trò ngồi may muốn gãy lưng vì không nỡ từ chối. Khi tôi lớn hơn, khoảng 11-12 tuổi thì biết phụ má đơm nút, làm khuy, luông áo dài.
Tôi còn nhớ có một chị nhà khá giả, may đến 4 bộ, má tôi phải năn nỉ chị nhận dùm 2 bộ mặc đỡ, còn hai bộ thì mùng 1 má sẽ giao. Chị phụng phịu, nhưng vẫn đồng ý, bởi chỉ ưng tay nghề má tôi, nhất định không chịu đem may tiệm khác. Năm đó, má tôi không cần chọn ngày khai trương, mới mùng 1 đã lật máy lên ngồi may như bình thường.
Đến giai đoạn bao cấp những năm cuối 1970, đầu 1980, vải vóc trở thành thứ xa xỉ, chỉ được phân phối bằng tem phiếu chứ ra chợ không có mà mua. Tôi 13-14 tuổi, nếm mùi xếp hàng cả buổi để mua hàng nhu yếu phẩm cho cả gia đình. Vải được phân phối xấu kinh khủng, dày mo, cứng ngắt, màu sắc u tối, tai tái. May áo sơ mi đi học thì ôi chao là nóng nực. Còn may quần thì ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Nhưng mọi người vẫn phải chắt chiu để mặc. Cả năm mua chỉ vài lần, không đủ cho lũ con đông, má lên TP.HCM xin đồ cũ của các cô họ đem về. Tôi có nhiều cô họ nhà khá giả, quần áo đẹp hết biết, nên chị em tôi không đến nỗi luộm thuộm.
Chính vì vải vóc khó khăn như thế, nên người ta không thể may đồ mới ăn tết nhiều như xưa, tiệm may má tôi không còn bao nhiêu khách. Mấy chị học trò của má dần ít đi, vì không có đồ để thực tập. Vải mua theo phân phối cho nên thiếu trước hụt sau, một khúc vải họ cứ cắt bán theo chỉ tiêu, chả cần biết nó có đủ cho một cái quần hay cái áo. Ngày tết, má tôi nhận hàng mà khổ sở vô cùng vì bà con năn nỉ: “Cô Sáu ráng đắp qua đắp lại cho đủ cái áo con tôi mặc Tết”. Má tôi đâu nỡ từ chối, thế là má phải xoay miếng vải đủ chiều, cắt nối tùm lum không chừa một tẹo nào.
Lũ con trong nhà cũng không còn hai ba bộ như xưa, mỗi đứa một bộ đã là vất vả. Nhưng dù sao, Tết vẫn là Tết, được mặc bộ đồ mới vẫn vui như mở hội. Và sáng mặc đồ đi chơi, chiều về giặt phơi lên, sáng mai đem ủi, mặc tiếp.
Bây giờ, việc sắm quần áo không còn phải đè nén suốt 365 ngày nữa, mà bọn trẻ có thể mua sắm bất cứ lúc nào. Nhiều gia đình khá giả, chọn mua cho con hàng hiệu dù mới tuổi mẫu giáo, tiểu học. Còn những cô gái, phụ nữ trung niên thì shopping hàng tuần, hàng tháng. Vải vóc đủ loại, sang trọng, mịn màng hơn xưa. Kiểu dáng cũng thay đổi xoành xoạch, có khi mới vài tháng đã gọi là “đề mốt”, cửa hàng thải ra thanh lý. Các đấng ông chồng thường than thở sao mấy bà vợ mua sắm dữ vậy, lắm khi chất đầy tủ mà không mặc hết, lại soạn đem cho. Mấy bà trả đũa ngay: “Vậy chứ mấy ông nhậu nhẹt, hút thuốc, coi cái nào tốn hơn! Uống vô bụng, nhả ra khói, không để lại “tàn tích” nên không thấy “tốn” đó thôi!”. Cho nên, Tết cũng đi sắm đồ, nhưng lòng nôn nao đã giảm xuống rất nhiều.
Những thú vui ngày Tết
Người ở quê chơi Tết chủ yếu là đi thăm họ hàng, sui gia, rồi cùng ngồi vô bàn ăn, cùng nhậu, kể chuyện hồi nẳm, rồi cười vui ha hả. Vậy là chơi. Coi như không bận tâm tới công ăn việc làm, thả lỏng người, đủ thấy hạnh phúc. Họ cũng không bám riết cái tivi đâu, dù chương trình Tết rất phong phú. Họ thích bù khú bên nhau hơn, và thích nhậu là cái chắc.
Dân miền Tây coi việc nhậu là niềm vui bất tận. Một số người chỉ nhậu vừa phải, còn giữ lễ, giữ sức. Nhưng một số người thì nhậu tới bến, hết mâm này tới mâm khác, giáp vòng họ hàng, bạn bè thì đã quắc cần câu. Vợ con có cằn nhằn thì lôi chữ “Tết mà” ra phản biện. Hồi xưa không có bia, cứ quất rượu đế thôi, cay xé ruột, nhưng được cái là rượu ngày ấy nấu chân chất bằng gạo nếp, không pha hóa phẩm, phụ gia, thậm chí pha thuốc rầy như bây giờ, nên uống say cách mấy thì ngủ một giấc tỉnh lại như không. Bởi vậy thấy mấy ông điền nông miền Tây uống nhiều mà vẫn khỏe, lực lưỡng, ít quậy quạng, điên khùng.
Nói vậy không có nghĩa là ủng hộ chuyện nhậu, nhưng dân mần ruộng mần vườn lao động quần quật, người chắc nịch, rượu lại thuần chất, thì ba ngày Tết có uống say cũng không xi nhê. Giờ không được vậy đâu, rượu vào là toi cái gan, cái dạ dày, có khi nhiễm độc chở đi bệnh viện không kịp, rồi thêm tai nạn xe cộ,Tết nào cũng thống kê con số khủng chết vì rượu.
Một số khác thì xúm nhau ca vọng cổ hoặc bolero. Cái thời ấy ngộ lắm, rất nhiều người biết đờn guitare, chỉ cần một cây đờn và mấy cái muỗng gõ nhịp là quất một hơi từ Chế Linh cho tới Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Phương Dung… Nhóm khác thì xuyên suốt Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Sang, Minh Phụng… Tiếng ca bay khắp xóm, nhứt là có chút rượu ngà ngà vô mấy ông có thể ca luôn tới tối. Đàn bà ít dám ngồi ca hát chung, sợ người ta dị nghị, mà đa số lo nấu đồ nhắm bưng ra cho mấy ông vừa nhậu vừa ca, mình ngồi nghe cũng “đã”.
- Tết xưa - tết nay (kỳ 2): Tết ăn!
- Tết xưa - tết nay (kỳ 1): Từ lễ nghĩa gia phong tới chợ Tết
- Góc nhìn 365: Tết xưa - Tết nay
Số khác thì chơi bài, ít sát phạt nhau mà cái chính là được ngồi bên nhau, cười giỡn. Còn đàn bà con gái thì khoái đánh tứ sắc, một thể loại bài rất phổ biến ở miền Tây. Đặc biệt mấy bà già, ngồi chơi như luyện não, chứ không dám ăn thua lớn.
Tôi còn nhớ ngoại tôi và mấy mợ trong xóm gầy một sòng, còn mấy chị trẻ hơn thì gầy một sòng, lấy hạt cau khô làm “lệnh”, đổi tiền lẻ ra mà chung chi. Chơi một “chến” có tí xíu tiền mà ngồi ròng hai tiếng đồng hồ mới “đứt chến”, ngoại tôi đấm đấm cái lưng: “Hứ, đau thấy mụ nội, ăn có nhiêu đây hổng đủ tiền tao mua trầu”.
Tôi “học” được cách chơi bài tứ sắc từ những nơi này, và lâu lâu được ngồi chen vô đánh thay cho ngoại hoặc mợ. Bẵng đi mấy chục năm, thế hệ mới toàn chơi tiến lên, xì dách gì đó, mình chỉ đứng nhìn mà cười. Tết mà, bọn trẻ mới được nghỉ học, nghỉ làm, sau khi coi phim trên truyền hình chán chê thì xúm nhau chơi vài ván cũng giống như xưa. Tụi nó chung chi bằng cách uống nước bể bụng, hoặc quẹt lọ, quẹt son lên mặt, cười vang nhà.
(còn tiếp)
Hoàng Kim