Tạo sức sống cho các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ca trù, hội Gióng, hát và múa Ải Lao
(Thethaovanhoa.vn) - Hát ca trù, hội Gióng, hát và múa Ải Lao, kéo co ngồi, kéo mỏ cùng 13 di sản khác trở thành niềm tự hào của Hà Nội khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong bối cảnh đời sống xã hội đang hàng ngày tác động lên di sản, các địa phương, nhà quản lý văn hóa Hà Nội và cộng đồng đang nỗ lực bảo vệ, tạo thêm sức sống cho những di sản này.
Những nguy cơ tác động lên di sản
Cộng đồng là người nắm giữ di sản, di sản sống được phải dựa vào cộng đồng, điều đó có thể hiểu vai trò quan trọng của cộng đồng đối với sự tồn tại, phát triển của di sản. Bởi vậy, làng xã nào quan tâm, có ý thức gìn giữ thì di sản được bảo tồn và phát triển, ngược lại nơi nào không coi trọng, không có người tâm huyết với di sản nó sẽ mai một nhanh. Trong đó, phải kể đến vị trí của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy di sản, bởi hơn ai hết họ là người nắm giữ phần hồn của di sản, người trao truyền cho thế hệ trẻ.
Nhiều người lo ngại, trong đời sống xã hội hiện nay, nếu cộng đồng không có ý thức gìn giữ vốn gốc của di sản, sẽ rất dễ bị sai lệch. Ví như, nếu người ta thấy ở đâu đó những nghi thức, trò chơi, cách thực hành mới lạ trong lễ hội, họ đưa về áp dụng ở lễ hội làng mình, thì sẽ mất bản sắc của di sản. Hay tại các lễ hội còn tồn tại vấn đề bạo lực phản cảm, thương mại hóa… tất cả cần được điều chỉnh kịp thời.
Đối với 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hà Nội, dù được cộng đồng gìn giữ nhưng không thể khẳng định chúng mãi bền vững khi hàng ngày vẫn chịu tác động của các yếu tố trên. Điều đáng nói là một số nghề thủ công truyền thống đang gặp khó khăn khi không có thị trường rộng rãi, thị hiếu người tiêu dùng chỉ dừng ở bộ phận nhất định. Điển hình như nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, nay không còn làm những sản phẩm mang tính chất phục vụ cung đình mà chuyển sang làm sản phẩm liên quan đến tín ngưỡng và nghệ thuật. Hay nghề cốm Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, nếu người dân không có ý thức giữ gìn nghề, có thể mang sản phẩm nơi khác về bán khi nhu cầu tiêu dùng tăng, nguyên liệu không đủ làm, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị nghề truyền thống.
Ngay với di sản ca trù, Hà Nội được đánh giá là địa phương bảo tồn tốt nhưng việc phối hợp với các tỉnh, thành phố khác để đưa ca trù ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp còn nhiều khó khăn.
Vấn đề đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Hà Nội khiến không gian làng xã biến đổi, không gian thực hành di sản bị thu hẹp, từ đó làm một số thể thức thuộc phong tục tập quán thay đổi theo. Trong đó, khu thực hành trình diễn kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ, quận Long Biên, là một ví dụ. Đô thị phát triển, tốc độ xây dựng nhanh nên khu vực trình diễn kéo co bị trưng dụng vào mục đích khác, người dân phải đưa trò diễn kéo co ngồi vào sân đền. Rất may, khi xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, chính quyền quận đã tạo điều kiện bằng cách thu hồi diện tích cũ trước đền để làm nơi thực hành di sản.
Vì sự bền vững của di sản
18 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội tập trung vào các loại hình: Lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, trong đó nhiều nhất là lễ hội truyền thống với 11 lễ hội. Bên cạnh vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ di sản, ngành Văn hóa Hà Nội cùng các địa phương đã xây dựng nhiều chương trình bảo vệ, phát huy di sản.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên cơ sở đặc thù của từng di sản, ngành Văn hóa cùng các địa phương xây dựng chương trình bảo vệ riêng, bù đắp sự thiếu hụt về điều kiện hoạt động của từng di sản. Nếu địa phương không đủ sức thực hiện công tác bảo tồn theo hướng chuyên nghiệp hóa, ngành Văn hóa sẽ hỗ trợ để di sản sống bền vững hơn.
Yếu tố quan trọng nhất trong công tác bảo vệ di sản là vấn đề tư liệu hóa bằng cách ghi hình, ghi âm, biên tập thành sách để gìn giữ, làm cơ sở truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nếu không khẩn trương thực hiện tư liệu hóa thì tại những địa phương có ít người trao truyền, rất có thể di sản quý bị mai một.
Sau nhiều năm miệt mài, các nhà quản lý văn hóa cùng các nghệ nhân đã thực hiện tư liệu hóa ở hầu hết các câu lạc bộ ca trù tại Hà Nội. Bởi thực tế, mỗi câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội mang một đặc trưng riêng như Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn hát theo lối quê, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội hát theo lối phố, Câu lạc bộ ca trù Thái Hà hát theo lối cung đình... nên buộc phải tư liệu hóa từng câu lạc bộ. Ngay cả di sản hát và múa Ải Lao thường được người dân làng Hội Xá trình diễn ở lễ hội Gióng đền Phù Đổng, các cụ trong làng không thuộc hoàn chỉnh 6 bài hát cổ. Trước thực tế này, ngành Văn hóa phối hợp cùng địa phương sưu tầm, ghi âm và in ấn lại để khôi phục gần với nguyên gốc, phổ biến cho người dân trong làng.
Với những di sản được phục hồi và phát huy tốt, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thường tổ chức kỳ liên hoan để các câu lạc bộ cùng giao lưu hoặc mời trình diễn tại sự kiện văn hóa của thành phố nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Gần đây nhất, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa, Hiệp hội Bảo vệ kéo co truyền thống Hàn Quốc tổ chức giao lưu trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ và kéo co truyền thống Hàn Quốc tại đền Trấn Vũ (quận Long Biên). Thời gian tới, các đội kéo co ngồi đền Trấn Vũ cũng được mời sang Hàn Quốc giao lưu.
Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia còn được thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí cho nghệ nhân truyền dạy. Tuy mức hỗ trợ chưa nhiều nhưng với tâm huyết và trách nhiệm của mình, nhiều lớp học được tổ chức, người trẻ đã nắm rõ một phần tinh túy của di sản. Với di sản tục thờ Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng (huyện Sóc Sơn và huyện Gia Lâm), lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)... còn được xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút khách vào mùa lễ hội đầu năm.
Về lâu dài, ngoài sự quan tâm của ngành Văn hóa và chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay từ phía cộng đồng để di sản sống bền vững trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Đinh Thuận/TTXVN