Tản văn cuối tuần: Nhớ chim ri đá mùa lúa chín
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa lúa chín lại nhớ con chim ri đá, nhớ lại đằng đẵng cả tuổi thơ, vì nó là bạn đồng hành thuở ấy.
Thuở chăn trâu, chẳng đứa trẻ nào trong chúng tôi là không dứt đòng đòng lúa non ăn. Nếu là đòng đòng nếp thì càng tuyệt vì nó to. Đòng đòng béo ngậy, lại mát. Ngon miệng vô cùng dù biết ăn một đòng là mất một bông lúa! Mẹ bảo thế, nhưng nào có nghe!
Lúa đóng sữa, hạt thóc hoe vàng là có thể cắn chắt rồi. Dứt lấy dăm bông, tết các gié lúa thành quả dứa, xong đem chùm gié lúa đó lùi tro nóng cho chín để cắn chắt suốt ngày.
Cắn chắt là một thú vui đồng quê vào những ngày chớm lạnh. Thời ấy làm gì dân thôn quê biết đến hạt dưa hạt bí, càng không biết đến hướng dương. Toàn những thứ xa xỉ quá.
Bây giờ, nhìn nam thanh nữ tú vào quán cà phê nhằn hạt hướng dương, hạt bí sành điệu nhưng thử hỏi có ai cắn chắt giỏi, nhằn hạt giỏi được như ri đá. Vâng, ri đá, một loài chim của đồng quê, sống có bầy có đàn. Ri đá cắn chắt thì chẳng loài ăn hạt nào bằng.
Đã lâu tôi không thấy đàn ri đá nào. Bây giờ chúng biến đâu mất như phép phù thủy. Thế mà 50 năm trước đây ri đá nhiều vô kể. Vụ chiêm tháng 5 hoặc vụ tháng 10, khi cánh đồng lúa bắt đầu hoe vàng thì ri đá kéo về từng đàn.
Đàn ri hàng nghìn con, bay như tấm thảm Ba Tư trong cổ tích. Xa xa nhìn thấy như đám khói màu xám chuyển động. Gần hơn thì thành tấm thảm dày và lộ ra đàn chim. Tấm thảm uốn lượn rất đẹp đang bay trong gió rồi bất ngờ sập xuống một ruộng lúa mất dạng! Biến nhanh như ma. Lúc ấy chỉ còn tiếng rích rích, đàn ri mải mê kẹp mỏ vào những bông lúa cắn chắt! Chúng nhằn lấy hạt, vỏ trấu thì nhè ra. Không đuổi kịp đàn ri thì mất hàng nửa ruộng lúa chỉ trong nửa giờ.
Đàn ri đi qua, gié lúa chỉ còn vỏ trấu, nó ăn sạch chén gọn như lau như li!
Tôi đã từng nuôi ri đá trong lồng cây đế. Loài ri đá rất bạo dạn. Bị bắt nhốt, nó nhảy loạn xạ tìm đường thoát ra nhưng không phải nó hoảng sợ. Khi đổ thóc vào cóng là nó nhào đến ngay. Có chết cũng phải ăn đã. Nó say sưa kẹp những hạt thóc vào mỏ và trong chớp mắt vỏ thóc bay xuống đáy lồng, hạt gạo trôi xuống dạ dày. 10 hạt như 10, vỏ trấu bị tách ra giống nhau như mỏ nó là cái máy tách hạt được lập trình cẩn thận. Vài phút sau, cóng thóc đã sạch trơn!
Nhìn cặp mỏ của ri đá thì thấy đúng nó là công cụ làm việc quá tốt: vuông vắn, chắc nịch trong màu xám sẫm, sáng lên ánh thép. Mép mỏ nó cứng và sắc như dao cạo.
Trời sinh ra ri đá, cho nó cặp mỏ hơn người. Trong khi gà, vịt, ngan ăn thóc nuốt cả vỏ, rồi qua mề nó nghiền nát lọc lấy chất bổ. Bồ câu, chim ngói, chim cu gáy hình như cũng ăn thóc cả vỏ. Riêng ri đá lại ăn uống sành điệu thế!
Ri đá là loài bay, vận động nhanh như máy bay trực thăng, nên cơ thể nó có sự tiết chế, loại đi những gì không ích lợi cho quá trình di chuyển nên nó ăn thật tinh và có cặp mỏ huyền diệu giúp sức, để cho nó thể lực thật khỏe. Nhìn nó di chuyển cả đàn ri mới thấy cùng họ chim nhưng mọi loài khác bay không linh hoạt, thua nó nhiều.
Tôi không hiểu nhiều về ri đá, cũng chẳng biết mùa sinh sản của chúng. Nhưng đây là đàn chim ăn cùng nhau, ở cùng nhau suốt đời. Khi no chúng bay lên các bụi tre hoặc ngọn cây cao rinh rích họp chợ tán gẫu với nhau cho đến khi hoàng hôn tắt hẳn.
Khi xưa, tháng 10, khi những cánh đồng lúa hoe vàng thì có 2 loài hay kéo đàn về hôi của, đó là chim ngói và và ri đá. Sao có thời chim ngói nhiều thế, ri đá nhiều thế. Đàn chim ngói khoảng dăm bảy chục con, còn ri đá thì một đàn khoảng ngàn con. Ngày mùa đã nhiều lần tôi phải ra khu ruộng nhà mình canh đàn ri đá, hoặc xua đàn chim ngói.
Tưởng như thế giới này là của chúng mãi mãi. Còn con người, còn cây lúa thì còn ri đá, còn chim ngói… Vậy mà hôm nay khi rừng mất đi, những đàn chim của rừng xanh cũng theo chân biến đâu? Lúa giờ vẫn còn, nhưng ngày chiêm mùa, hạt lúa hoe đầu không còn thấy ri đá quay về. Chúng đi đâu. Rừng sâu núi cao có gì nuôi chúng?
Đỗ Đức (họa sĩ)