Tản văn cuối tuần: 'Đã no cơm tẻ…'
Sinh thời mẹ tôi bảo: Cơm tẻ là mẹ ruột. Đi ăn cỗ dù no thịt thà cá mú thì con cũng vẫn phải đơm một bát cơm chan canh mà ăn. Có hạt cơm vào, bụng nó “bình hòa”, sẽ không bị đầy hơi. Ăn thế cho lành bụng con ạ!
Tôi nghe mẹ làm theo thấy đúng lắm!
Khi tôi bệnh nặng chẳng buồn ăn gì. Xét nghiệm máu, hồng cầu còn ba triệu tư. Thầy lang xem mạch bảo: Nguy quá, bác phải cố ăn, mỗi bữa được ba lưng bát càng tốt. Cơm sinh huyết đấy bác ạ!
Tôi nghe thầy, cố nuốt. Lại thêm bài thuốc bổ trợ đường huyết dùng tổ yến, bột sắn dây, nước xương chân gà, chỉ ba tháng người rắn rỏi, da dẻ hồng hào trở lại, hồng cầu tăng lên bốn triệu tám.
Đến khám bệnh viện tây y, thấy chỉ số đường cao hơn giới hạn vài bậc, bác sĩ bảo: Có hiện tượng tiểu đường rồi đấy, hãy hạn chế ăn cơm, tinh bột làm lượng đường trong máu tăng. Bác sĩ còn dặn không ăn cam hay các loại hoa quả ngọt đề phòng đường tăng trong máu. Nghe xong ngớ người, thế biết ăn gì, chẳng biết đằng nào mà lần. Thầy lang thì bảo ăn hoa quả là tốt, loại gì cũng được.
Một lần về quê, hàng xóm có người bệnh nặng. Một cụ nói: Bà ấy bỏ cơm mấy hôm nay, cả cháo cũng chê... Cụ kia bảo ngay: Thế thì nguy, người ta sống vì hạt gạo, chê ngũ cốc thì sắp đến cõi. Trên tất cả thuốc thang là hạt gạo mà chê thì sống sao được!
Quả nhiên mấy ngày sau cụ ấy quy tiên. Về y thuật, một bên bác học, một bên dân gian, bên nào cũng có lý, chẳng biết bên nào hơn bên nào. Đông y - Tây y, bên nào đúng bên nào sai, cứ lu mu chẳng biết đâu là đúng.
***
Sinh thời, bố tôi hay đi hái thuốc vào ngày mồng 5 tháng 5. Tết giết sâu bọ ấy, ông đi từ sáng sớm, về nhà trước khi mặt trời mọc. Cây thuốc hái được hong trong hiên nhà cho khô dần chứ không phơi nắng. Có lần thấy ông ôm về một bó lúa. Hỏi thì bố bảo, thóc này rang lên cho cháy xem rồi đun nước cho người bị sốt nóng uống lui ngay. Bởi nó có hơi gạo mát, tốt con ạ!
- Tản văn cuối tuần: Tủ thức ăn trời cho
- Tản văn cuối tuần: Nhớ ông phó cối
- Tản văn cuối tuần: Cái quạt thóc một thời
Đông y tìm gốc bệnh, chẩn bệnh từ bắt mạch xem khí huyết lưu thông hay ứ trệ, “vọng” (xem), “vấn” (hỏi) chán rồi mới cắt thuốc, gắng lấy lại sự thăng bằng khí huyết. Đưa về thăng bằng là hết bệnh. Tây y siêu âm, thử máu rồi cho đơn theo hiện trạng bênhlý, đánh vỗ mặt vào con bệnh. Ai cũng có lý của mình.
Trở lại câu chuyện hạt gạo miếng cơm. Có lẽ đời người có một thứ ăn hàng ngày mà không bao giờ chán, đó là gạo tẻ. “Đã no cơm tẻ thì quên mọi đường”. Hạt cơm sinh huyết như là bản mệnh của người Nam chúng ta. Nó ăn vào gien của dân tộc. Chẳng thế cha ông mình luôn coi gạo là ngọc thực.
Họa sĩ Đỗ Đức