Tâm linh trực tuyến
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đã ở rất gần thời điểm Rằm tháng Giêng – thời điểm các chùa chiền trên toàn quốc sẽ lại nhộn nhịp tất bật như câu “lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” mà ai cũng biết.
Có điều, ở thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và chi phối mọi hoạt động xã hội, những nghi thức tâm linh quen thuộc với người Việt cũng tất nhiên cũng phải nhập cuộc trong xu thế chống dịch.
Bởi thế, những ngày này, các cụm từ “cầu an trực tuyến”, “lễ chùa trực tuyến” và cả “cúng dường trực tuyến” đang được nhắc đến. Cho dù, việc những nghi thức tâm linh (hoặc gắn với tâm linh) ấy được thực hiện qua không gian mạng vẫn là điều chưa quen với nhiều người.
Thẳng thắn, chỉ chục năm trước, ngay cả khi mạng xã hội bùng nổ tại Việt Nam, cũng không nhiều người nghĩ tới việc có ngày công nghệ hiện đại “lấn sân” sang lĩnh vực tâm linh.
Nhưng, nếu khách quan nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra: sự tiện lợi và ưu việt của mạng Internet - cũng như những giao dịch và kết nối gắn với nó - vẫn từng bước “phủ bóng” lên mọi hoạt động cơ bản của xã hội để vươn tới những nơi xa nhất. Nói cách khác, cùng với sự phát triển của công nghệ, những tiện ích ấy vẫn sẽ điều chỉnh lại hoạt động và cả cấu trúc của xã hội theo nguyên tắc của mình.
Giống như ở lĩnh vực tâm linh chỉ dăm bảy năm trước, sẽ chẳng ai nghĩ tới chuyện “tảo mộ online” trong tiết Thanh Minh - để rồi ngay từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra, một số gia đình đã dùng tới hình thức này để “thắp hương” qua mạng Internet và nhờ dịch vụ tại chỗ đặt đồ cúng cho phần mộ của người thân mình. Hoặc, cũng là một nghi thức cầu may, trong Tết Tân Sửu vừa rồi, việc “mừng tuổi online” cũng nở rộ, khi bạn có thể... chuyển khoản để lì xì cho bạn bè, kèm theo lời chúc qua tin nhắn.
- Lễ cầu an đầu năm được thực hiện trực tuyến ở chùa Phúc Khánh
- Khuyến khích đặt mua trực tuyến trong Ngày vía Thần Tài
Nói không sai, dịch Covid-19 chỉ là cú hích để những hoạt động trực tuyến đến gần hơn với lĩnh vực tâm linh, trên lộ trình tất yếu của nó.
Có điều, những hình thức “thời 4.0” ấy có thể bén rễ và phát triển tới quy mô nào lại phụ thuộc vào cách tiếp nhận và tâm lý của cộng đồng.
Điển hình, dù mạng Internet phát triển tới đâu, nhiều cặp bố mẹ hiện tại vẫn nhất nhất muốn chọn hình thức đưa thiệp mời trực tiếp - thay vì gửi thiệp điện tử - để mời bè bạn tới dự ngày vui của con cái mình. Tương tự, về cơ bản, hình thức “tảo mộ online” cũng vẫn mặc định được coi là lựa chọn chỉ nên có trong trường hợp bất khả kháng.
Bởi đơn giản, với người Việt, những câu chuyện về nghi thức, về sự trang trọng và tính nghiêm cẩn của hoạt động tâm linh hoặc quan trọng với đời người đã chi phối chúng ta trong suốt nhiều thế kỷ. Và, cũng không dễ gì để tự thân mỗi người vượt qua quán tính của những thứ đã ăn sâu vào tâm thức như thế, nhất là khi chúng mang lại quá nhiều cảm xúc cho mình.
Bởi thế, ở bối cảnh hiện tại, những nghi thức tâm linh được “tổ chức trực tuyến” có thể cho thấy rõ tính ưu việt của mình, đặc biệt là trong mùa Covid-19. Nhưng, việc chúng có thể phát triển (hoặc phát triển nhưng tự điều chỉnh) thế nào trong tương lai, lại là một câu chuyện phù thuộc vào thói quen, ý thức và quan điểm của cộng đồng - mà chúng ta không dễ dàng áp đặt.
Hãy cứ bình tình chờ xã hội tiếp nhận thế nào về câu chuyện này. Và nếu phải nói thẳng, việc tổ chức những nghi thức tâm linh ấy theo hình thức online hay offline chỉ là câu hỏi thứ yếu so với một vấn đề được đặt ra từ lâu: Chúng ta tới chùa chiền bằng ước vọng sống thanh sạch hơn, bớt đi những phần "tham, sân, si" trong đáy lòng mình hay muốn đến cửa Phật bằng tâm lý a dua và mong cầu danh lợi?Giống như, chuyện cúng dường nên xuất phát từ sự thành tâm, khiêm cung và điềm đạm của mỗi cá nhân, thay vì được được đẩy lên theo tính chất “tốt lễ dễ kêu” như bao năm nay từng có.
Trí Uẩn