Tác động kéo dài của Covid-19 đối với tim mạch
Một nghiên cứu mới đăng trên The New York Times cuối tuần qua cho thấy COVID-19 làm tăng nguy cơ đối với các vấn đề tim mạch không chỉ trong thời gian mắc bệnh mà còn có thể để lại tác động lâu dài ngay cả khi đã hết virus.
Theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học tại trường Đại học Southern California và Bệnh viện Cleveland (Mỹ) thực hiện, một người từng mắc COVID-19 sẽ tăng gấp đôi nguy cơ gặp phải các triệu chứng tim mạch nghiêm trọng trong vòng 3 năm sau khi khỏi bệnh. Đặc biệt, những ca mắc COVID-19 thể nặng phải nhập viện có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về tim.
Ông David Goff, Giám đốc Khoa Khoa học tim mạch tại Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia Mỹ (NHLBI) – đơn vị tài trợ cho nghiên cứu – cho biết: "Rất nhiều người đang đối mặt nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hơn trước đây. Do bệnh tim vốn đã là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nên đây thực sự là điều đáng lo ngại".
Nghiên cứu chỉ ra rằng do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa COVID-19 và các vấn đề như viêm tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và các vấn đề tim mạch khác, các chuyên gia khuyến cáo bác sĩ nên xem xét kỹ lưỡng lịch sử mắc COVID-19 của bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Ông Stanley Hazen - Trưởng khoa Khoa học tim mạch và chuyển hóa tại Bệnh viện Cleveland, đồng thời là một thành viên của nhóm nghiên cứu - nhấn mạnh: "Những người từng mắc COVID-19 thể nặng cần được đưa vào danh sách những người có nguy cơ cao gặp các biến chứng tim mạch trong tương lai".
Kết quả nghiên cứu nói trên không chỉ củng cố những lo ngại về tác động lâu dài của COVID-19 mà còn thúc đẩy việc theo dõi sức khỏe tim mạch một cách chặt chẽ đối với những người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 để có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng trong tương lai.