Suy nghĩ về quốc phục nam
Mới vừa đây, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc đăng bài viết “Lại nói về chuyện quốc phục nam của người Việt” trên trang facebook cá nhân của ông. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, sau đó nhiều báo cũng đăng tải một số bài viết liên quan đến chủ đề này.
Không khó để lý giải tại sao câu chuyện quốc phục dành cho nam giới lại nhận được sự quan tâm đặc biệt như vậy, bởi đây là “chuyện quốc gia đại sự” chứ không hề là chuyện nhỏ.
Theo ông Võ Hồng Phúc, từ năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao nhiệm vụ cho Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để đề xuất mẫu quốc phục cho Việt Nam. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau nên sau gần 30 năm kể từ khi Thủ tướng giao nhiệm vụ, câu chuyện quốc phục vẫn chưa thành hiện thực. Cũng cách đây vài ngày, dư luận lại dậy sóng khi xuất hiện hình ảnh một vị đại sứ Việt Nam mặc bộ áo dài tay thụng trong lễ trình quốc thư. Kẻ khen người chê, nhưng sự dè bỉu châm biếm dường như chiếm phần áp đảo. Nhà thiết kế Minh Hạnh nhận xét: “Chiếc áo dài một lần nữa gây bão, thú vị vì cơn bão này đổ bộ vào áo dài nam giới”.
Vậy vì sao khi nam giới mặc áo dài và xem đó là quốc phục thì chưa được chấp nhận trong khi áo dài của nữ giới thì đã được Bộ Nội vụ quy định thành lễ phục của phụ nữ Việt Nam? Tôi cho rằng, đó là do nhận thức sai lệch và những định kiến không đúng về chiếc áo dài nam gây nên. Sau khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, văn minh phương Tây trong đó có Âu phục thắng thế; thời gian và những biến động lịch sử đã khiến thân phận chiếc áo dài truyền thống bị vùi lấp, chà đạp, bị hiểu sai một cách méo mó. Nếu chiếc áo dài nữ đã may mắn được nhìn nhận và phục hưng một cách ngoạn mục, thậm chí đã trở thành biểu tượng về vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ Việt Nam, thì chiếc áo dài nam lại kém may mắn hơn nhiều. Cho đến nay, trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người Việt, áo dài nam vẫn bị gán ghép, đánh đồng với những gì được xem là cổ hủ, lạc hậu, thậm chí còn biểu tượng cho bọn cường hào, ác bá thời quân chủ phong kiến.
Thực ra cũng như áo dài nữ, áo dài nam, tiêu biểu là loại áo ngũ thân, là sản phẩm do ông cha chúng ta sáng tạo nên với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với tầm vóc, khí chất của người Việt Nam, được bao thế hệ người Việt trân trọng, nâng niu, tự hào, xem đó là biểu tượng của một nền “Y quan (áo mũ) rực rỡ”. Trong hàng trăm năm qua, chiếc áo ngũ thân là loại thường phục và lễ phục được mọi tầng lớp trong xã hội sử dụng phổ biến, thực sự là quốc phục của người Việt Nam.
Trong vài năm trở lại đây, phong trào phục hưng các loại cổ phục và tìm về quốc phục phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ, lớp người ít bị các định kiến về quá khứ chi phối. Thậm chí tại cố đô Huế, nơi khai sinh ra chiếc áo dài ngũ thân, chính quyền địa phương còn giao cho ngành văn hóa chủ trì nghiên cứu và xây dựng đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”. Và từ tháng 9.2020, ngành văn hóa Thừa Thiên Huế đã khuyến khích đưa áo dài nam vào công sở, nhận được sự ủng hộ rất lớn của báo chí, dư luận. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có một sự đánh giá nghiêm túc, đầy đủ và khách quan về chiếc áo dài Việt Nam truyền thống mà đặc biệt là áo dài nam. Quốc phục của đàn ông Việt Nam không cần tìm đâu xa, bởi chúng ta đã có. Quốc phục phải là bộ trang phục truyền thống, chứa đựng những ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc chứ không phải là sản phẩm của một sáng tạo mới.
- Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống: Cái nhìn phiến diện về áo dài nam
- Khởi động chọn Quốc phục: Còn băn khoăn với Quốc phục nam
Ông Bạch Ngọc Chiến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao, người từng có rất nhiều kinh nghiệm về lễ tân đối ngoại chia sẻ: “Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam mình. Thế giới đang đồng bộ hóa về nhiều lĩnh vực, nhưng riêng văn hóa, ngoại giao thì không. Trong thế giới ấy, các dân tộc lại càng muốn khẳng định bản sắc. Những lúc ra nước ngoài phải mặc complê, tôi chỉ ước mình có được bộ áo dài Việt Nam”. Tuy nhiên, để áo dài nam trở thành quốc phục của nam giới, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và ban hành những quy định cụ thể về kiểu dáng, màu sắc trang phục áo dài; đồng thời cần phổ biến những kiến thức về trang phục truyền thống, tập huấn cách sử dụng, nhất là cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành ngoại giao, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… Và quan trọng nhất là phải có một quyết tâm chính trị để đưa áo dài trở thành quốc phục của người Việt!
Theo Báo Văn hóa