Sống chậm cuối tuần: Những trò chơi dân dã, đường phố
(Thethaovanhoa.vn) - Mới có một tháng Hè trôi qua, kể từ khi đám trẻ được nghỉ học ở trường. Vậy mà nhiều gia đình đã cảm thấy thực sự… quá sức, khi phải “quản lý”chúng toàn phần.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Ngoài một hai chuyến du lịch, dã ngoại ngắn ngày, ngoài một vài buổi học kỹ năng sống ở trung tâm, thì rốt cuộc vẫn không tránh khỏi việc để đám trẻ giết thời gian bằng cách xem tivi, máy tính, rồi iPad, smartphone, thậm chí cả chơi game… Chợt nhớ, một thời trẻ con đã vui chơi thật thoải máira sao với những trò chơi chẳng biết phải gọi là dân dã, đường phố hay mục đồng…
Vì sống ở đô thị nên trẻ con Hà Nội lại có những trò chơi riêng. Ngoài những trò chơi mang tính tập thể thì còn có nhiều trò chơi cá nhân, ví như ăn quả vải xong lấy ngòi bút mực xoáy vào hột làm còi và thi nhau thổi xem còi ai to hơn. Có đứa còn cắm hột vải vào ba que tăm làm thành đàn ngựa cao thấp lô nhô.
Tháng 5, hoa sấu rụng, đám con gái xâu vào sợi chỉ làm dây đeo cổ, đi đến đâu mang theo mùi thơm đến đấy. Rồi ăn nhân quả trám xong đóng xuống đất làm hình bàn cờ tướng. Nghịch thì chơi trò hái quả thối mang đến lớp đốt, mùi khăn khẳn lan ra khiến thầy cô buộc phải cho nghỉ tiết…
Thời bao cấp, một môn thể thao đồng thời cũng là trò chơi mang tính tập thể được lũ con trai thích nhất đó là bóng đá. Chiều chiều, bất kể mùa Đông da tím tái, răng đánh đàn hay mùa Hè mồ hôi chua loét, thậm chí trời mưa như trút, nhưng trong công viên, đường phố hay bất kỳ khoảng trống nào đều có “đội bóng phố tôi”.
Nói chung đều áo may-ô ba lỗ, quần đùi vá khéo. Chíp chíp thì đá bóng cao su, choai choai đá bóng da. Quả bóng da bên trong là ruột cao su bơm căng nhưng nắn mãi không tròn vì trình độ làm bóng thời đó rất thấp. Trẻ say mê đếnmức quả bóng bã bượt không muốn lăn còn lũ trẻ thì chảmuốn dừng. Và từ những “đội bóng phố tôi”, nhiều đứa có năng khiếu đã trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp.
Bóng đá do người Pháp đưa vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, ban đầu chỉ có người Pháp chơi môn này sau mới lan sang người Việt. Trẻ con Hà Nội bắt đầu chơi bóng đá những năm 1920 khi bắt chước người lớn.
Cũng như bóng đá, nhiều trò chơi có xuất xứ từ nước Pháp như: bóng bàn, bóng rổ, cờ ca rô, cá ngựa, nhả ngựa...cũng được con trẻ Hà Nội hào hứng đón nhận.
Thu hút lũ con trai là chơi xèng, chọi cá, còn hội đồng tổng cốc thì cả trai lẫn gái đều chơi được.
Xèng là nắp chai bia Trúc Bạch đập phẳng ra, khi chơi, xèng được rải trên mặt đất, người chơi dùng cái đúc bằng chì đánh vào những đồng xèng dính vào nhau cho tan ra là ăn. Cái chì hình tròn, đường kính hơn 2 phân, dày khoảng gần nửa phân. Để có chì làm cái, trẻ con lấy phần đầu của tuýp kem đánh răng (được làm bằng chì) nấu chảy ra rồi đổ vào khuôn. Có đứa chờ hết kem, có đứa ngày đánh răng mấy lần cho nhanh hết nhưng cũng có đứa sốt ruột muốn có ngay đã bóp hết kem đi để lấy chì đúc cái. Và việc làm đó không thể qua mắt được cha mẹ, nhận vài cái roi đau điếng song bù lại có cái chơi xèng.
Còn chơi cá chọi thường bắt đầu nghỉ Hè. Lũ trẻ quần đùi áo may-ô màu “cháo lòng” cuốc bộ hay nhảy tàu điện đến chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Hàng Bè mua cá. Có đứa cầu kỳ lên tận Yên Phụ, Nghi Tàm, hai làng chuyên nuôi và gây giống các loại cá cảnh mua cho rẻ.
Có cá chúng suốt ngày chăm những con chọi màu tím than, màu lá mạ cho tập vè trước gương. Vì là giống cá để đánh nhau nên chúng có đặc tính thấy bóng mình trong gương nó cũng giương vây, áp sát bình thủy tinh gây chiến. Bình thường cá chọi hiền lành, màu vây nhợt nhạt, chẳng đáng để ý thế nhưng khi nó giương vây, uốn mình tấn công đối thủ thì vảy con màu lá mạ thành màu xanh biếc, con màu tím than thì vảy tím thâm trông máu chiến cực kỳ.
Và thường buổi trưa trốn ngủ, mấy đứa rủ nhau ra góc phố chọi cá. Hai con cá cho vào một bình thủy tinh, nhìn thấy nhau là con nào cũng nóng mắt giương vây xông vào chiến. Chúng đánh nhau theo chiến thuật, khi áp sát khi lùi xa. Răng cá chọi rất sắc, chọi xong có con xơ vây vì bị cắn rách hay mất cả mảng. Con thua cuộc là con bỏ chạy.
Đứa nào cũng có “đồng bọn” đi cùng để hò hét cổ vũ. Khi chúng oang oang, người già ở phố la mắng, chúng lại bê lọ cá chạy ra chỗ khác chọi tiếp. Có đứa yêu đến mức khi con chọi bị chết, nó tìm khoảng đất đào hố chôn cất chứ không ném cho gà ăn. Trẻ con Hà Nội dựa theo một bài hát nước ngoài đặt lời Việt gồm tên các loại cá.
Trong khi ru em bé thơ đang ngủ
Vẫn mơ về bể cá vừa mua
Chú Ngựa vằn lấy anh Khổng tước.
Anh Xe can ghẹo cô Thần tiên.
Nhưng khi có giặc đến Chọi đánh...
Tiêu diệt ngay!
Bắn bi cũng là thú chơi một thời. Viên bi cách nhau có thể gần hay xa tùy theo lúc bắt đầu chơi rải xuống đất. Bi hình tròn. Khi chơi viên bi kẹp vào ngón tay trỏ sau đó dùng ngón cái bắn nên đường kính viên bi nhiều loại, phù hợp với tay của từng lứa tuổi. Bi có hai loại, oách nhất là bi thủy tinh bên trong có hai đường màu đỏ và xanh, khi viên bi chuyển động như khối cầu vồng nhỏ chạy trên mặt đất. Loại thứ hai là bi đất nung sau đó được sơn các màu khác nhau. Sơn bị “ghẻ lở” thì mài đi để lộ ra những chỗ nung quá lửa hay chỉ một màu. Có đứa cầu kỳ làm bi đá, chúng ra đường tàu hỏa chọn những viên đá có vẻ mềm sau đó mài vào xi măng hay gạch cho tương đối tròn thì lấy hai vỏ ốc bươu mài thủng lỗ vừa với viên đá rồi xoáy. Vỏ ốc sắc đã bào mòn đá, cứ xoáy cho đến khi viên bi tròn thì thôi. Bi đá nặng nên bắn dễ trúng hơn.
Vào mùa Hè nóng bức, các hồ ao trở thành bể bơi tự nhiên cho người lớn và trẻ con bơi lội. Còn nhớ cuối thế kỷ 19, trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, tác giả Hocquard viết: “Mùa Hè những đứa trẻ cả trai lẫn gái trần truồng bơi trong màu nước đục bẩn ở hồ Gươm”.
Cuối thế kỷ 19, đoạn sát ô Cầu Dền (tương ứng với cuối phố Huế, đầu phố Bạch Mai hiện nay) của sông Kim Ngưu, có bến tắm dành cho dân lao động. Chiều chiều sau khi làm công trong phố về, họ xuống bến tắm và giặt quần áo. Tuy nhiên, nơi có bến tắm quy củ và sạch sẽ chính là hồ Tây. Cho đến nay, những bãi tắm tự phát trên Hồ Tây vẫn tồn tại, mặc dù việc tắm táp trên ao, hồ bây giờ không đảm bảo vệ sinh và rất nguy hiểm. Bơi lội phải vào bể bơi.
Dấu ấn ngôn ngữ trong trò chơi Những năm 1960, khi chơi trò chơi, trẻ con vẫn dùng tiếng Pháp, bóng chạm tay gọi là “manh”, khi đá cầu, quả cầu bên dưới lưới gọi là “sú”, hai bên hòa thì nói “ka đi tê”. Bi là tiếng Pháp, khi viên bi của đối phương bị vướng thì đặt lên cao gọi là “ốt”, khi bắn gọi là “nét”, bắn trượt gọi là “đớp pa chuy” rồi. Chơi hầm nôm na là người chơi sờ vào đầu, cổ tay, nách đối phương gọi là “sút xanh”. Thời đó người lớn nói tiếng Pháp bị cho là vọng thực dân bị lên án, chỉ có những người làm chuyên môn ví dụ như ngành y mới dám nói công khai,nhưng con trẻ thì cứ…vô tư oang oang trên phố. Sau đó người ta mới thay dần tiếng Pháp bằng tiếng Việt. |
Nguyễn Ngọc Tiến