Sống chậm cuối tuần: 'Dấu lặng đơn' trên đường
(Thethaovanhoa.vn) - Có hàng trăm nghề trên thế giới này để con người kiếm sống lập nghiệp. Nghề nhạc công được nghe nhạc suốt ngày, nhưng nghề bác sỹ pháp y thì cả đời không được cười. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng, nó giống như dấu lặng đơn của số phận. Nghề hướng dẫn viên được đi nhiều nhất. Thoáng nghe ai cũng ngỡ rằng, đi nhiều sướng thật.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Đã từng có người ghen tỵ với Lê Lê vì chị đi như chim bay. Nói đến vùng đất nào chị cũng biết, biết nhiều món ngon, quán uống đặc sản địa phương, nơi nghỉ bình dân trong làng du lịch. Am hiểu và lịch lãm.
Nhưng nghề hướng dẫn viên có những góc khuất mà đối với phụ nữ không dễ nói ra. Nó như dấu lặng đơn trong âm nhạc. Cuộc đời làm nghề hướng dẫn viên du lịch, khi mà trong lý lịch có khai chữ “Thị”, mục giới phải ghi chữ “Nữ” thì phải chấp nhận muôn vàn nỗi khó khăn không tính hết được trong nghề.
Chị Lê Lê làm hướng dẫn viên du lịch hơn 20 năm, khi mắc chứng bệnh đau dạ dày nặng mới chuyển làm sang văn phòng. Nếu có chồng cùng làm nghề hướng dẫn viên thì dễ chia sẻ, nhưng không may chồng lại làm bên ngành khoa học, hoặc chồng bạn làm nghề biểu diễn mà có tính hay ghen thì nhiều gặp rất chuyện dở khóc, dở cười mà đau khổ triền miên nếu không chịu chia sẻ, lắng nghe nhau để sống thanh thản hơn.
Một lần, khi hướng dẫn viên Lê Lê đưa đoàn về khách sạn, một lữ khách người Nhật bảo: “Tý nữa mày cho tao đến quán cà phê”. Đến quán cà phê, anh ta mở tập gấp, lại bảo đưa nó đến chỗ có thể nhảy đầm. Lại gọi điện thoại cho chồng.
Lê Lê chấp nhận về muộn, chịu cảnh chồng mặt nặng mày nhẹ. Hôm thì về nhà ăn cơm một mình, hôm về nhà thì chồng con đã ngủ say. Mùa hè đã vậy. Mùa đông, nằm cạnh chồng mà vẫn dấu lặng đơn. Lại có hôm trên tầng cây số rất mệt, về nhà vẫn phải tỏ ra vui vẻ thiết tha nhân ngày sinh nhật của chồng. Nào tiếp bạn bè, uống, trò chuyện, thỏa hiệp, mà trong lòng chỉ ao ước: NGỦ.
Nghề hướng dẫn viên du lịch không phải chỉ có chăm lo sức khỏe của khách trên đường. Nghề này còn đòi hỏi thường xuyên lo các bữa ăn cho du khách, khi du khách ăn xong mình mới được ăn. Nhiều bữa ăn, ăn vội ăn vàng rồi đi ngay. Nhiều khi phải nhịn, vì đưa khách vào dịch vụ y tế do một cơn choáng nhẹ. Không sớm thì muộn nhiều chị mắc bệnh đau dạ dày. Có lúc ôm bụng mà vẫn phải cười với khách, phải dịu dàng giải thích với 100l những lời lẽ để thuyết phục người nghe.
Với chị Phai rất chịu khó đọc sách, không đọc sách thì kiến thức “chìm tàu” ngay. Hôm đưa khách đi Ninh Bình, đến đền thờ nọ, một lữ khách Pháp hỏi, chị có nhớ câu thơ về nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga hồi nhỏ khóc rất dữ không. Bà đã khóc suốt ba ngày, ba đêm. Đã từng có bao người dỗ mà đứa bé không nín. Thế rồi một cụ già vỗ về ru rằng: “Nín đi, nín đi thôi/ Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”...
Lại có người hỏi về trồng cói ở Kim Sơn, khác với trồng lanh ở Lùng Tám Quản Bạ (Hà Giang) ra sao. Có vị khách hỏi một mùa lanh là bao nhiêu ngày. Một mùa lanh là 70 ngà, mới gặt lanh. Chị mà không đọc sách thì rất dễ bị khách xem thường, sợ nhất là khách không nói gì.Một lần chị Phai bảo: chị thì không thích thơ, vẫn phải thuộc thơ, để đáp ứng nhu cầu của khách.
Nhà Phai ở trái tuyến đường đón khách ở khách sạn. Thường thì đón khách ở nơi họ nghỉ rồi đưa khách đi luôn. Đang hẹn với lái xe thì một người bạn chồng vô tình nhìn thấy, thế là chuyện đến tai chồng như thể mình có tình nhân. “Tình ngay lý gian”, nếu không có sự giải thích và tin cậy thì hạnh phúc vợ chồng xem ra mong manh lắm.
Nghề này thì phải chấp nhận lấy chồng muộn. Chứ sợ nhất là ngày lễ tết. Tết gia đình người ta đầm ấm sum vầy, đằng này visa làm xong rồi ngày 29 Tết cũng lên đường đi. Rồi ngày mùng1 tết , mùng 2 tết mới về. Chồng mong, con ngóng. Sợ nhất là con cấp cứu ở bệnh viện vẫn để lại cho chồng, cho bà ngoại, lên đường đi ngay. Lo lắng, nóng ruột, bồn chồn mà trước mặt khách vẫn phải vào vai cười tươi như hoa, vẫn phải thuộc bài về văn hóa các vùng đất đưa khách đi.
Cũng có lần chuyến đi tua đường bộ của hướng dẫn viên có tên Lan rất nặng nề. Chị bị “bệnh phụ nữ” rong kinh thì vẫn leo núi, vác đồ cho du khách. Có lúc ngỡ như gục trên đường rồi lại phải cố thôi. Khi về, mưa gió, về chậm, lỡ hẹn với người yêu.
Lan phải chia tay với một chàng trai mà chị vô vàn yêu dấu. Những lần chàng hiểu lầm, mà rất khó giải thích vì bệnh da. Da dẻ chị một thời gian cứ lấm tấm mọc mụn, rồi da khô rộp, bong từng lớp. Khi không còn trẻ đẹp thì mặc cảm đứng trước người yêu là rất nặng nề.
Sau này thuốc thang khỏi bệnh. Phải ngoài ba mươi tuổi chị mới lấy chồng. Chị Lan bảo: Khi có con nhỏ, đi xa nhớ con mà vẫn không thể chia sẻ với ai. Vì văn hóa của người Âu khác với người Việt. Thế là trên từng cây số, luôn là những dấu lặng đơn. Có chị thì sống tới gần 50 tuổi, vẫn cô đơn, vì mối tình hiểu lầm dẫn đến bệnh trầm cảm. Chị chuyến nghề mà sống khép mình như con tằm trong nong kén.
Nhưng nhờ nghề hướng dẫn viên mà chị Phên đã có rất nhiều tập album ghi lại hình ảnh độc nhất, những khoảnh khắc trên thế giới, nơi mình đi qua, ghi chép về vùng đất văn hóa chị từng đặt chân tới, hàng tá bao tải thư của lữ khách trên thế giới, họ cảm ơn, họ lắng nghe mình, lúc đó thì mình như được nghe giao hưởng ấy bạn ạ, chứ cuộc đời đâu phải chỉ có dấu lặng đơn?
Hoàng Việt Hằng