Sống chậm cuối tuần: Chuyến đi miền rừng
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Lâu rồi, vào năm 1972, tôi đi Cao Bằng, lên Bản Chang thuộc huyện Nguyên Bình. Đường lên là đèo Colia như nằm trên sống lưng khổng lồ của con voi chiến.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Một người trong đoàn ngửa mặt chỉ cho tôi Phia Đén (núi đèn) bám cheo leo trên sườn Phia Oắc. Chiều tối hôm đó đến điểm tập kết giáp Bản Chang thì trời đã tím sẫm. Người bạn đường quay lại chỉ tay cho tôi Phia Đén, lúc này Phia Đén lại chỉ là một điểm sáng dưới chân thung lũng. Thì ra trên đời này, cao, thấp chỉ là khái niệm tương đối. Chỉ trong một ngày Phia Đén đã tự hoán đổi vị trí khi vị trí nhìn của con người thay đổi.
Trong cuộc sống, điều đó xảy ra không chỉ ở quan sát thiên nhiên. Nó là quy luật của muôn đời nằm ngoài sự mặc định của con người. Cho nên sự phủ định do vận động tự nhiên mà nhận thức ra thì người ta sẽ không ngạc nhiên, sẽ bước qua sự bảo thủ để cho dòng chảy tư duy không bị nghẽn tắc. Một bài học lớn trong một quãng đường ngắn khi quan sát thiên nhiên đã cho tôi thấy như vậy. Cảm ơn một chặng đường hữu ích.
2. Chuyến ấy tôi đi với nhà báo Huy Hùng. Lang thang trong núi, chừng 10h đêm trên đường về chỗ nghỉ ở Uỷ ban xã thì bỗng gặp một nhà ven đường, đèn còn sáng choang, có tiếng thầy cúng và tiếng phèng la gõ nhịp. Huy Hùng bảo tôi: Ta vào xem chuyện gì. Hóa ra nhà này đang làm đám ma khô.
Thế nào là làm ma khô? Là người chết vào giữa năm, nhà không đủ điều kiện làm ma. Người ta làm cái lễ nhỏ gửi người quá cố nhờ đất giữ hộ. Đến thu hoạch vụ tháng 10 có gạo, có thịt đầy đủ thì gia đình mới chính thức làm ma cho người khuất bóng, gọi là ma khô.
Sau lời chào hỏi, tôi và Huy Hùng được mời vào ghế, được mời thuốc, mời nước và mời vào mâm rượu. Có hai cô gái trong nhà được cắt cử ngay đứng phục vụ. Các cô bê chậu nước có khăn mặt cho khách rửa tay lau tay. Rồi sau đó là tiếp rượu, tiếp thức ăn.
Lần đầu tiên đi núi, tôi quá bỡ ngỡ về việc được cung phụng chu đáo, khi chủ nhà còn chưa biết khách qua đường là ai.
Sau mới biết tập quán của đồng bào; nhà có việc buồn mà khách lạ vào thăm chia sẻ nỗi buồn cùng gia đình, đó là nhà đại phúc. Khi ấy khách lạ là thượng khách!
Trong núi rừng sâu thẳm mà văn hóa ứng xử thật cao thượng thật tình người. Sau chuyến đi ấy tôi nhận ra một điều là không có thứ văn hóa lớn nhỏ. Văn hóa sinh ra trên miền đất ở là tinh hoa của từng tộc người, chỉ có thể ngưỡng mộ nhau chứ không thể có thứ văn hóa mẹ, văn hóa con!
Còn nhớ lần ấy, chủ nhà sau khi mời khách ngồi thì hai cô gái bưng ra hai chén nước trắng. Huy Hùng ghé vào tai tôi: nước súc miệng đấy. Đúng thế thật, sau khi trao chén, hai cô bê hai chậu thau nhỏ đứng chờ khách súc miệng xong nhè nước xuống thau đem đổ. Chủ nhà trịnh trọng bằng hai tay mời thuốc lá. Thuốc trồng vườn thái bồm, giấy cuốn là giấy bản. Huy Hùng nhận, còn tôi thật thà lắc đầu là không biết hút. Lúc ấy Huy Hùng bấu vai tôi, người ta mời cứ nhận đi, ai bắt hút đâu. Tôi biết mình hụt hẫng, sửa sai ngay, xin được nhận. Chủ nhà lúc ấy mới vui vẻ: “Thế mới tốt chứ! Con người hơn con trâu ở điếu thuốc, mày không biết hút thuốc mày không bằng con trâu”! Nghe choáng! Nhưng sau đấy ông nói tiếp: Không biết hút thì đừng cố nhé. Chỉ lịch sự thôi mà!
Sau chuyến đầu tiên ấy tôi nhập dần vào văn hóa miền rừng, trở thành con em của núi. Tôi dần hiểu ra có thời chính quyền vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới theo kiểu dưới xuôi với người miền núi, nó không vào được vì những thứ văn hóa đó không phải đời sống của họ!
Sau này biết thêm người Mông, người Thái, người La Hủ, Pa Dí, Lô Lô… mỗi cộng đồng người đều có cách ứng xử khác nhau nhưng đều trên cơ sở tôn trọng nhau rất sâu sắc.
3. Hồi ấy, bên sườn đèo Colia có rất nhiều cây mắc kham. Mắc kham là loại quả chua, chát, tiếng Tày gọi thế nhưng không biết dịch ra nghĩa như thế nào không rõ.
Đã có thời thương lái nước ngoài tìm mua rễ mắc kham giống như mua rễ hồi, móng trâu bò, bảo mua về làm thuốc, chẳng biết đúng không, hay là lối dùng tiền triệt hạ cây bản địa (?) Không có ai tìm hiểu ngọn nguồn, nên cứ bán tín bán nghi. Còn dân mình thấy tiền là đào bán.
Từ sau lần ấy tôi không có dịp quay lại Colia. Thế là đã 57 năm rồi. Không biết những cụm mắc kham dày dịt bên sườn đèo còn không.
Đây là vùng khô hạn kinh niên. Đường toàn đất sỏi. Trong kháng chiến thì Colia là con đường thần thánh, nhưng hòa bình nó bị rơi vào quên lãng dần vì trục đường đó hiểm, đi quốc lộ ngoài dễ hơn. Con đường đó coi như được trả lại cho dân sở tại! Cũng chẳng biết giờ nó còn hay đã bị lấp trong cây cỏ.
Nhưng cũng lần đó tôi biết thêm một loại quả rừng lạ. Mắc kham nhỏ bằng đầu ngón tay cái, tròn vo và xanh trong vắt. Cắn một miếng mắc kham, vị chua chat chạy rần rật buốt đến mang tai. Nhưng chiêu ngụm nước lã thì vị ngọt mát của mắc kham lại thấu tận tâm can. Vị ngọt không phải vị đường, mà là sự lan tỏa hơi mát của thiên nhiên khi nó được cơ hội hòa đồng với nước. Tôi biết mắc kham sống ở những chỗ siêu khô hạn, có chút nước nào nó dành cho trái như mẹ dành cho con miếng ngọt lành. Nhưng thế vẫn chưa đủ, vẫn là khô khát, cho nên khi gặp nước, mắc kham mới cho vị ngọt lành lạ lùng mà không loại trái cây nào có được.
Một loài cây sống trong khô hạn mà thấy đầy tính người. Chẳng lạ lắm sao?
Một chuyến đi ngắn cho việc làm báo, mà hôm nay tôi chỉ nhớ lại chuyện dọc đường, còn công việc thì không nhớ gì.
Đặc sản mắc kham Về tìm hiểu qua mạng và trên báo chí, tôi biết thêm là những ngày tháng 9, 10, tại các chợ phiên ở Cao Bằng vẫn có bày bán mắc kham hay còn gọi là quả me rừng. Khi ướp muối, ớt, đường để ăn, mắc kham giòn tan trong miệng, được giới thiệu là "có sự kết hợp của 4 vị chua - chát - mặn - ngọt, ăn xong vị ngọt vẫn còn lưu lại trong cổ họng". Quả là một thứ đặc sản của miền Đông Bắc. Cây mắc kham mọc ở các đồi trọc, bãi hoang, trong rừng, quanh nương rẫy cao; cây cao khoảng từ 5 - 7m, lá nhỏ xếp sít nhau thành 2 dãy; hoa màu vàng mọc thành tán ở nách. Vào mùa quả chín, người dân hái quả mang về phơi khô hoặc ướp muối, ngâm rượu để dùng dần. Mắc kham bán ở chợ có giá khoảng 15 - 20 nghìn đồng/1kg. Mắc kham là món quà ăn vặt được nhiều người ưa thích. Hiện nay, quả mắc kham được nhiều người tìm mua về ngâm đường và ngâm rượu để làm thuốc và vận chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Quả ngâm ớt, muối, đường có giá khoảng 25 nghìn đồng hộp nhỏ, 40 nghìn đồng hộp to. |
Họa sĩ Đỗ Đức