Sống chậm cuối năm: Ngày Tết nghĩ về... người giúp việc
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Năm nào cũng thế, mỗi dịp Tết đến là nhiều gia đình lại nháo nhác lên về chuyện ô-sin (người giúp việc). Có quá nhiều những lời đàm tiếu về họ, nhưng hãy thử lật giở lại lịch sử về nghề này để thấy rằng, đây là một vấn đề xã hội rất cần được quan tâm, nghiên cứu.
Người giúp việc có vai trò đặc biệt với nơi họ đang làm việc, dù ít ai để ý chuyện này. Họ rất gần vì cùng ăn ở trong nhà, nhưng lại xa vì không phải người trong gia đình.
Hiện diện trên báo xưa
Đọc lại báo xưa, thấp thoáng vài đoạn văn mô tả hình ảnh người giúp việc trong cuộc sống thường ngày.
Phụ Nữ Tân Văn (số 230 ra năm 1934), nhắc lại chuyện kinh tế khá giả của miền Nam ở giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 1930: “Trước đây vài năm, người Trung Bắc vào Nam đều lấy làm lạ vì sự người Nam bận đồ lụa nhiều. Cho tới đầy tớ những nhà trung sản cũng mặc đồ hàng”. Chủ trưng diện thì người làm công cũng có thể ăn mặc đàng hoàng, là thực tế ở miền Nam thời đó.
Không chỉ được hưởng vài tiện nghi vật chất theo sự hưng thịnh của chủ nhà, nhiều người làm được coi như người nhà. Nhật báo Sài Gòn số 14606 năm 1941, có ô quảng cáo về Vườn chơi Đại thế giới trong Chợ Lớn diễn cảnh Thập điện Diêm la đầy đoạ người có tội trên dương gian. Quảng cáo nêu: “Muốn cho vợ con, em út, bạn bè, tôi tớ của mình trở nên người lương thiện thì không có chi hay bằng cho vô coi cảnh Thập điện”. Người giúp việc (tôi tớ) được xem như con cháu trong nhà, là đối tượng cần truyền đạt đến những nhận thức đúng đắn.
Hai mẫu báo trên thể hiện sự gắn bó và xem như người trong gia đình người trong Nam đối với người giúp việc.
Gắn bó nhà chủ và những nỗi niềm
Thực dân Tây đến sống và làm việc ở xứ Việt Nam thuộc địa đã lo tìm người giúp việc. Người Pháp ở Sài Gòn thời đó chuộng thuê phụ nữ người Hoa ở Chợ Lớn gốc ở Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Đây là những phụ nữ rất đảm đang, hầu hết không lập gia đình. Từ đầu thế kỷ 20, sau các biến động bên Trung Hoa, họ tràn qua Sài Gòn – Chợ Lớn sinh sống. Nghề chính của họ là làm thuê giúp việc nhà cho giới nhà giàu, nhiều nhất là cho nhà mấy ông Tây, và chăm sóc trẻ con trong nhà.
Họ sạch sẽ và trung thực, luôn mặc một kiểu trang phục giống nhau là áo xẩm màu đen dài gần đầu gối. Họ trung thành, nấu ăn ngon, biết dạy dỗ và thương yêu trẻ con. Về già, các bà Thuận Đức thôi làm thuê mà sắm một cái rương nhiều ngăn bằng thiếc mặt kiếng thủy tinh chứa kem đánh răng, gương lược, kim, chỉ, vòng đá cẩm thạch… để đi bán dạo khắp nơi vào buổi sáng, chiều nghỉ. Do cùng cảnh tha hương, cùng là phụ nữ không chồng lạc loài xứ người, họ thương yêu nhau như người ruột thịt, hùn nhau mua một dãy phố trên lầu gần ngã tư Nguyễn Tri Phương - Trần Phú (Nguyễn Hoàng cũ) để ở chung với nhau.
Trong cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố tập 3, tôi có nhắc đến một câu chuyện liên quan đến phụ nữ Hoa làm nghề giúp việc cho Pháp. Khoảng đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm giúp việc nhà rất được chủ Pháp tin cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây mà họ trông nom.
Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà thắt cổ tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình.
Trong cuốn hồi ký của cô Lý Vỹ Linh, con gái của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore cũng có nhắc đến những phụ nữ ở Thuận Đức giúp việc nhà cho gia đình cô. Họ đến sống ở nhiều nước Đông Nam Á, theo bước chân của những người Hoa tha hương, không chỉ ở Việt Nam.
Thời Pháp thuộc, giá thuê rẻ là yếu tố chính để thuê nhiều người giúp việc. Bác Phú, sinh ở Sài Gòn năm 1938 kể rằng thời trước 1945, mẹ ông làm chủ tiệm bán giày dép guốc lớn nhất ở chợ Bến Thành nên gia đình ông tuy chỉ có một mẹ ba con phải thuê đến 8 người giúp việc. Trong đó có một đầu bếp, hai vú em, một người dọn dẹp nhà cửa, hai người bán hàng, viên quản lý, một người đạp xích lô đưa đón trẻ em đi học Như vậy, trừ 3 người là viên quản lý và 2 người bán hàng liên quan đến việc làm ăn, tính ra có tới 5 người giúp việc trong một gia đình khá giả thời đó.
Giữa cơn lốc xoáy đô thị
Với thân phận cô thế giữa xã hội đô thị phức tạp, người giúp việc dễ bị hắt hủi, hành hạ và trở thành nạn nhân và công cụ kiếm ăn của kẻ xấu, nhất là những đứa bé.
Tại Sài Gòn trước năm 1975, có vài luận văn tốt nghiệp của sinh viên nghiên cứu về đề tài người giúp việc. Luận văn Vấn đề người giúp việc của Đoàn Thị Đoan Nghiêm năm 1974, dài 66 trang. Luận văn tập trung nói về hiện trạng của những người giúp việc nhà giai đoạn 1963-1974: Phân loại, tuổi tác, nguồn gốc, giới tính, lương (làm việc cho người Việt, làm cho Mỹ), nếp sống (thành thị hóa, sa đọa, mại dâm, lấy ngoại kiều), vấn đề pháp lý, bảo hiểm và tương trợ xã hội” (Thư mục địa chí Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh tập I)
Hồi chiến tranh, nhiều người ở miền Tây, miền Đông Nam bộ và cả miền Trung về Sài Gòn vừa kiếm sống vừa lánh nạn. Nếu không có nghề chuyên môn như may mặc, hay vốn liếng, họ chấp nhận đi làm thuê cho qua ngày. Không cần phải giàu có, chỉ cần có thu nhập tương đối thường xuyên, thậm chí ở nhà thuê cũng có thể thuê một ngươi nấu cơm, dọn dẹp cho mình. Họ sống qua ngày, lòng luôn luôn đau đáu trông về quê nhà khói lửa.
Người giúp việc trong thời chiến tranh có thể nói là người sa cơ lỡ vận, muốn có việc làm tạm bợ trong khi chờ đợi tình hình khá hơn, về làm ruộng rẫy. Họ tụ tập nhiều trên những chiếc ghế đá ở bùng binh trước chợ Bến Thành, nơi được gọi là “Chợ người ở”. Ai cần người giúp việc nhà thì buổi sáng ra đó tìm!
Phạm Công Luận
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi