Tết muộn
(Thethaovanhoa.vn) - Tết nhất, mọi điều gấp gáp hơn, người đời vốn sống nhanh, nay lại vội vã hơn. Ta càng ít có thời gian và tâm trí để tâm đến những việc xung quanh, những việc tưởng chừng ngoài cuộc đời nhưng lại ngay bên cạnh chúng ta thôi.
Giữa thành phố, không thiếu những người lao động đứng phờ phạc trong gió lạnh ở “chợ người”. Năm nay dịch dã nghe chừng ế ẩm nên nhiều người ở lại thành phố kiếm Tết muộn hơn. Những gương mặt nhìn càng hốc hác, thảm hại. Trên phố, những cậu nhóc đánh giày khôn ngoan cũng đã biết năn nỉ: “Đánh đôi giày cho cháu kiếm chút ăn Tết”. Nghe, ai mà không xót.
Nếu ai đã đi chợ vào những ngày cận Tết, chiều 30 hay giáp đêm Giao thừa, sẽ thấy những người nghèo đang đi tìm Tết muộn. Người ta mua sắm những gì còn sót lại của những cửa hàng Tết, lúc này không “tháo khoán” thì cũng bán rẻ đi. Ít nhiều chúng ta đã gặp cảnh này, xã hội mình còn lắm người nghèo mà.
Chuyện vui vẻ thì muôn màu muôn sắc, nhưng cái buồn cái nghèo thì có vẻ giống nhau cả. Xin được mạn phép nhắc lại cái Tết của người nghèo Hà Nội qua con mắt Thạch Lam: “Vào giờ trước Giao thừa có ai lên trước chợ Đồng Xuân, để nhìn những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những cành đào xấu xí, ít hoa, những bát thủy tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người này sang người khác mà không được ai mua, những chậu cây cúc và thược dược rã rời và lấm đất. Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên đường, bao nhiêu bàn chân dày xéo… Để trang điểm cho những căn buồng tiều tụy, những căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu xí tơi tả mặc dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông đợi”.
Tết đã đến hào nhoáng lắm rồi nhưng xung quanh vẫn có rất nhiều người Tết muộn.
Nguyễn Gia