Sơn mài Việt - 'bụt nhà không thiêng'?
(Thethaovanhoa.vn) - Theo kết quả đấu giá tại Sotheby’s Hong Kong (Trung Quốc) mới đây, bộ bình phong sơn mài của Phạm Hậu bán gần 1,2 triệu USD (có cộng phí) và bức tranh sơn mài Phụ nữ trong rừng của Alix Aymé bán hơn 151 ngàn USD (chưa tính phí).
Cả 2 tác phẩm này đều do 2 người nước ngoài mua. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao tác phẩm quý của bà Alix Aymé – người từng giảng dạy ở Mỹ thuật Đông Dương và có công lớn với sơn mài Việt Nam - mà lại không được người Việt săn đón.
Hướng nhìn này cũng có lý lẽ riêng của nó, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy chỉ khi nội địa có đủ nhà sưu tập và đủ cơ cấu thị trường thì mới thực sự đủ sức nâng tầm giá trị nghệ thuật. Điều này đã đúng với Nga, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản… và gần đây là Trung Quốc, Indonesia, Philippines…
Và tất nhiên, quy luật này cũng sẽ đến với thị trường mỹ thuật Việt Nam trong tương lai không xa. Liệu lúc đó muốn mua thì những tác phẩm như Phụ nữ trong rừng có sẵn sàng và giá có còn phải chăng, thậm chí hơi thấp, như hiện tại? Tất nhiên là không! Vì mỹ thuật được xếp vào tài sản xa xỉ, dường như chỉ có tăng giá qua thời gian.
Thế nhưng, nếu nhìn ở chiều hướng khác, với một nền mỹ thuật hiện đại trực tiếp hứng chịu sự khủng khiếp của xâm lược và chiến tranh, thì việc “dòm ngó” của các nhà sưu tập quốc tế có khi là cơ may. Thời chiến tranh và hậu chiến, đất nước nào cũng có những ưu tiên đặc biệt, việc lưu giữ, bảo quản tác phẩm nghệ thuật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chưa nói, với một nước còn nghèo thì ý thức sưu tập, gìn giữ sẽ có nhiều bất lợi, thách thức.
Gần đây nhiều nhà sưu tập trong nước đã ra nước ngoài đấu giá những tác phẩm quan trọng - ví dụ như hai kiệt tác lụa của Nguyễn Phan Chánh - để hồi cố hương. Nếu trước đây không có sự “nhanh tay” sưu tập của quốc tế, liệu ngày nay những kiệt tác này có còn được toàn vẹn để sưu tập.
Ngay cả với các bảo tàng mỹ thuật, việc ý thức chuyên nghiệp về hoạt động có quy củ, sự bài bản cũng mới dần dần định hình về sau này. Một ví dụ: năm 1996, khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chi 600 triệu đồng (tương đương 100 ngàn USD) mua bức sơn mài Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí thì xảy ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, có ý kiến còn quy chụp đây là hành động “rửa tiền”.
Không cần đợi đến ngày 30/12/2013 khi tác phẩm này trở thành Bảo vật quốc gia, mà ngay đầu thế kỷ 21 đã có vài nhà sưu tập quốc tế trả giá bức này đến 1 triệu USD. Từ đầu thế kỷ 21 việc sưu tập và ý tưởng về bảo tàng mỹ thuật hiện diện nhiều nơi, một số bảo tàng tư nhân đã ra đời. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khánh thành ngày 29/7/2014, mà trong cơ sở lý luận để xin kinh phí xây dựng, có đề cập đến vai trò bảo tàng với sự hình thành của thị trường mỹ thuật nội địa.
Đường đi của nghệ thuật thường có những lý lẽ và quy luật riêng. Một ví dụ: Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng nhờ Truyện Kiều của Nguyễn Du mà Trung Quốc mới tái khám phá lại tác phẩm bị quên lãng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nhật Bản mới nhớ lại Kim Ngư truyện của Kyokutei Bakin. Với tranh sơn mài cũng vậy, không chỉ những vị thầy như Alix Aymé, Joseph Inguimberty… có công khai minh cho sinh viên mỹ thuật tại Hà Nội, mà ngay cả các họa sĩ tại Pháp như Jean Dunand (1877-1942), Gaston Suisse (1896-1988)… cũng đưa sơn mài ra quốc tế bằng con đường sáng tác.
Việc sưu tập, lưu giữ cũng vậy, chính thị trường quốc tế đã có những tác động tích cực để nâng giá cả và giá trị cho tranh sơn mài Việt của ngày hôm nay. Giúp tạo thói quen mua sắm, trao đổi, sưu tập và hình thành thị trường nghệ thuật nội địa cho Việt Nam.
Vô Ưu