SEA Games lại... sôi sùng sục vì U22 Việt Nam
Với một bảng đấu có cả Thái Lan lẫn Malaysia, môn bóng đá SEA Games từ chỗ không còn là mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam, thì bỗng dưng lại "sôi sùng sục" sau những lo ngại về đội U22 từ màn trình diễn vừa qua ở Doha Cup 2023.
Thử dạo quanh một số trang tin tức, mạng xã hội hay group bóng đá liên quan đến đội tuyển, thì tràn ngập những ý kiến có phần lo lắng, thậm chí là bi quan. Tựu trung là coi như mọi thứ bắt đầu lại bằng việc phải thể hiện được sự hơn - thua tại SEA Games trước khi nói đến chuyện gì khác.
Trong khi đó, SEA Games đã ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác, ít nhất là với bóng đá Việt Nam và Thái Lan. Trong 2 kỳ Đại hội gần nhất, các đội U23 + của HLV Park Hang Seo đều đoạt HCV, còn với bóng đá Thái Lan, nếu tính từ lần cuối ở SEA Games 2017 đến nay, họ không có một chức vô địch nào tại Đông Nam Á ở các giải U.
Cũng có lúc CĐV Thái Lan bi quan khi các lứa trẻ của họ không còn thống trị khu vực, nhưng sau khi đội tuyển quốc gia vô địch 2 kỳ AFF Cup liên tiếp thì mọi thứ trở nên ổn thỏa. Giờ mà đội U22 Thái Lan không đoạt HCV SEA Games có lẽ cũng chẳng có lăn tăn gì.
Nhưng với bóng đá Việt Nam thì mọi chuyện có vẻ khác. Vì sao mối quan tâm đến bóng đá SEA Games vẫn rất lớn dù chúng ta đang bước sang giai đoạn "mơ dự World Cup"? SEA Games hiện nay chỉ còn dành U22, trong khi ở các cấp độ U17, U19 lẫn U23 thì bóng đá Việt Nam đều đã giành quyền dự các VCK châu Á gần như thường xuyên. Nghĩa là bóng đá tuổi U của Việt Nam đã vượt ra ngoài khu vực, chuyện thắng thua tại SEA Games không còn nhiều ý nghĩa.
Cũng không thể lấy chuyện chiếc HCV của bóng đá là quan trọng hơn các HCV khác, bởi thể thao Việt Nam nay khác trước, đang đứng đầu khu vực và số HCV ở các kỳ Đại hội đều nhiều … đến không xuể nên không cần 'bù đắp" bằng chiếc HCV môn bóng đá danh giá.
Câu chuyện này hoàn toàn khác bóng đá nữ. Dù chúng ta giành vé dự World Cup nhưng trong khu vực, hiện những Thái Lan, Philippines hay Myanmar đều có năng lực tương đương. Các cuộc đấu ở SEA Games cũng có tính chất ngang với những đợt trận vòng loại World Cup.
Cảm xúc của các CĐV là một chuyện, nhưng việc SEA Games bỗng trở nên quan trọng cũng bởi vì chính những người làm bóng đá đang khiến nó quan trọng. Tính ra, U22 Việt Nam sẽ có đến 2 lần tập trung gần 3 tháng trời để phục vụ cho SEA Games, nghĩa là V-League còn không quan trọng bằng.
Hãy thử nghĩ xem, nếu đã xem SEA Games không phải là thước đo trình độ thì chỉ cần đưa thẳng đội U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn vừa đá châu Á và bổ sung vài cầu thủ đàn anh nữa là xong. Như vậy vừa có tiếng là "chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp", vừa không phải mất thời gian dừng V-League mà xét về chất lượng thì U20 có bổ sung của U23 Việt Nam đủ tầm vóc đá SEA Games lần này.
Giờ thì áp lực tiếp tục đè lên tân HLV Philippe Troussier khi lá thăm đưa chúng ta rơi vào bảng có Thái Lan. Người Thái thì đang giao đội U22 cho HLV nội còn Việt Nam thì được một ông thầy "đẳng cấp World Cup" dẫn dắt.
Thái Lan không nhất thiết phải đoạt HCV, còn U22 Việt Nam mà không đăng quang lần này có khi mọi thứ thành … to chuyện! Thuê ông Troussier để chinh phục giấc mơ World Cup nhưng có khi chính giải đấu vẫn hay bị mỉa mai là "ao làng" lại là thử thách lớn nhất đối với ông thầy người Pháp.
Rất khó để hình dung việc sau khi U23 Việt Nam thua toàn tập ở sân chơi Doha Cup, rồi tiếp theo U22 không thành công ở SEA Games, thì sự tín nhiệm dành cho ông Troussier còn được nhiều không?
Trong khi đó, với giới chuyên môn, có hỏi họ về mục tiêu của U22 tại SEA Games thì cũng chẳng ai yêu cầu phải đoạt HCV cả. Chúng ta có quyền đặt ra một áp lực cho đội tuyển quốc gia "phải vô địch AFF Cup" chứ không có cơ sở nào để buộc một đội U22 phải làm điều tương tự ở sân chơi bóng đá trẻ.
Thôi thì hiểu theo một cách nhẹ nhàng: SEA Games 32 sắp đến sẽ khá thú vị với bảng đấu rất khó dự báo của U22 Việt Nam. Đó sẽ là một bài kiểm tra tâm lý cho HLV Troussier, những người làm bóng đá và cả giới mộ điệu. Bởi nói cho cùng, đến khi nào SEA Games vẫn còn tạo ra bầu không khí sục sôi với bóng đá Việt Nam thì khi đó những điều to lớn hơn cũng phải được tính toán lại. Đó là thực tế, có né tránh cũng không được.