Sáu lời khuyên để Tết không trở thành 'khổ nạn'
(Thethaovanhoa,vn) - Tiệc tùng lu bù, vừa hại sức khoẻ, tiềm ẩn nguy hiểm, lại vừa tăng cân. Tiền Tết ních đầy túi, ra Giêng túi rỗng không. Đi lại ngược xuôi quê vợ, quê chồng, quê nội, quê ngoại, rốt cuộc có khi vẫn bị phàn nàn là không chu đáo? Làm sao để cái Tết không trở thành gánh nặng?
1. Không sắm Tết quá nhiều
Sẵn một mớ lương, thưởng trong ví, ra siêu thị, ra hội chợ, đặc sản trăm miền, nên cái gì cũng muốn mua. Tết phải dư giả chứ!
Kết quả là chẳng những cạn tiền, mà đồ chất chật tủ lạnh, ăn không hết, ra Giêng chỉ muốn tống khứ hết đi để có chút rau xanh trong mâm cơm.
Cần lên kế hoạch mua sắm Tết rõ ràng trong gia đình (giữa vợ chồng, hoặc giữa các anh em nếu ăn Tết đại gia đình) trên tinh thần no đủ chứ không thừa mứa: Đào hay mai, có thể chọn một thứ. 30 Tết, mồng 1, mồng 2 có mấy cái lễ, mấy mâm bao nhiêu khách thì chuẩn bị ngần ấy thức ăn. Chú ý là mồng 2 đã có chợ rồi. Và mồng 2 cũng là lúc ngán thịt thà đến tận cổ rồi, thèm rau như cả năm không được cọng rau xanh rồi. Khi đó một nồi canh cá, một bữa lẩu rau với đĩa thịt bò tươi là hạnh phúc viên mãn.
Nói tóm lại, so với đi chợ ngày thường, khi đi chợ Tết bạn chỉ nên sắm thêm mấy cành/bó hoa, tăng thêm 2-3 con gà để cúng, khúc giò me, hay thích bếp núc thì thêm ít thịt, xương để nấu đông hay nấu măng miến. Chỉ trữ thức ăn 2 ngày thôi. Mồng 2 lại đi chợ.
Nếu ăn Tết đại gia đình thì nên góp tiền để một người (chẳng hạn chị dâu cả) chủ trì sắm Tết, không mạnh ai người nấy sắm.
2. Bàn bạc dân chủ với “đối phương” về lịch trình đón Tết
Lúc nào về quê vợ/ chồng, nội/ngoại, lúc nào về quê gấu? Không có mặc định nào hết. Hãy bàn bạc với nhau để thống nhất một lịch trình, có đi có lại, có vay có trả. Chẳng hạn năm ngoái đón Giao thừa nhà anh, thì năm nay nhà em. Năm nay nếu giao thừa ở bên nhà vợ, thì trước Tết phải ở dài dài bên nhà chồng và mồng 2 cũng nên về lại nhà chồng lần nữa vì... từ năm ngoái đến năm nay mới về!
Trong xã hội hiện đại, vợ chồng nên tôn trọng quê quán của nhau, không nên có sự phân biệt, kiểu như Tết phải đón giao thừa quê chồng, quê nội. Phải xét đến từng hoàn cảnh. Chẳng hạn ông bà ngoại ở một mình, nhà cửa quạnh quẽ thì vợ chồng nên ưu tiên về bên ngoại để ông bà vui lúc giao thừa...
Nói chung, đàn ông nên chiều vợ, chiều gấu vào dịp Tết. Thôi, nịnh chị em tí, mình còn ăn nhiều cái Tết, dù giao thừa này có chút bơ vơ ở quê vợ, nhưng bù lại lại được làm thượng khách ở xứ người, và cả năm chị em sẽ phải “nể đức hy sinh” của mình.
- Trang trí chiếu sáng phố phường Hà Nội đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
- Đón Tết 'kiểu' Hà Nội xưa
- Tranh Lợn đón tết
3. Đừng phí phạm tiền lì xì
Đàn ông khi rượu phê phê vào, đến rút ví còn chả nổi huống hồ là cân nhắc tờ tiền mệnh giá nào cho đám trẻ lau nhau, hay cho các em gái má đỏ bồ quân, miệng cười chúm chím, hay kể cả là mừng tuổi cho các cụ ông, cụ bà mình gặp.
Lì xì là phong tục khó có thể “ngó lơ”, nên người khôn ngoan cần chuẩn bị sẵn các phong bao lì xì đẹp, để các mức tiền khác nhau để tuỳ theo quan hệ thân sơ mà rút đúng phong bao cần thiết.
Việc không chuẩn bị phong bao, thuận tay móc ví có thể khiến bạn lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, vì lúc đó không có dịch vụ đổi tiền lẻ thần tốc đâu. Vả lại, rút trần tờ tiền ra, nếu ít thì dễ bị coi thường, nếu tờ tiền to thì vừa hao tổn tài chính mà đôi khi còn bị những người xung quanh khó chịu cho rằng mình chơi trội.
4. Thăm bạn bè có lịch trình để tránh nhậu nhẹt liên miên
Nên tránh thăm vào gần giờ ăn, dễ bị bắt cóc vào mâm. Đến thăm nên nói ngay lịch trình của mình, chẳng hạn, mình ngồi với bạn đến 3h chiều thôi vì 4h phải sang ngoại lễ bố vợ, hôm nay cụ khao thọ... Những lý do tế nhị ấy khiến không ai bắt bẻ được mình, và cũng không khiến buổi gặp gỡ mất vui vì mình nằng nặc đòi về, không chịu uống.
Một trong những cách nữa tránh rượu bia là khi đi thăm hỏi, chúc Tết nên đi cùng cả gia đình (vợ, con) vừa đầm ấm, thân tình lại vừa là cái cớ để rút lui nguyên vẹn đội hình.
5. Kết hợp ăn Tết và tham quan, vãn cảnh
Trong cuộc sống hiện đại, đôi khi chúng ta còn không có thời gian để chứng kiến sự đổi thay, thăng tiến của quê nhà, quê vợ, quê nội, quê ngoại...
Vì thế, hãy tranh thủ thời gian nghỉ Tết để thăm thú thiên nhiên. Kể cả đi chúc Tết quê bạn cũng nên rủ bạn qua các danh lam thắng cảnh xung quanh để vãn cảnh. Bù lại, khi bạn đến thăm mình thì đừng quên dẫn bạn đi thăm thôn xóm, đình chùa... Một chuyến đi chơi Tết sẽ thêm phần ý nghĩa nếu biết thêm được những nơi đẹp đẽ đang tưng bừng vào xuân. Mà quan trọng là: tránh được cái hoạ bị kéo thẳng vào mâm, dzo dzo!
6. Dành nhiều thời gian cho gia đình
Tết là khoảng thời gian sống chậm của cả năm, nên đừng vội vã phải thăm hết ngần này bạn bè, chúc Tết hết ngần này mối quan hệ... Hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhất là các cụ ở nhà. Dành thời gian đêm khuya để tâm sự với các cụ về cuộc sống, ước mơ, cũng đừng quên chắp nối cho lũ trẻ quây quần bên các cụ bằng các sinh hoạt chung của cả gia đình.
Chẳng hạn một buổi đánh bài Tây hay chơi tam cúc giữa các cháu với ông bà, một buổi lễ chùa do bà dẫn đi, một buổi tảo mộ ngoài đồng do ông vác cuốc đi trước dẫn theo đàn cháu...Bằng cách đó, các cụ sẽ được trở thành “nhân vật trung tâm”, còn lũ cháu cũng thoát khỏi ipad vì mấy ngày Tết ở quê vốn chán ngắt với chúng.
Đông Phương