loading...
(Thethaovanhoa.vn) - "Nếu có khác chăng thì Tết nơi đây nhẹ nhàng hơn vì người phụ nữ không phải “ôm” quá nhiều nghĩa vụ với gia đình bên chồng, cũng không cần phải lo chuyện đi Tết sếp”, chị Phượng sống tại Pháp từ 20 năm chia sẻ.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt Chúc Xuân 2019 quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam, những vận động viên xuất sắc và các nhân vật tạo được thành công trong các lĩnh vực, sẽ được phát sóng lúc 20h05 tối mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 5/2) trên kênh VTV1.
Nếu như ở Việt Nam, Tết là mùa lễ hội lớn nhất trong năm thì đối với những người Việt xa xứ, mặc dù luôn hướng về ngày này nhưng tùy điều kiện mà mỗi gia đình lại “ăn Tết” theo một cách riêng.
Tết cùng hội người Việt
Tết Âm lịch, người Việt ở trời Âu vẫn đi làm bình thường. Nếu không chú ý thì Tết cũng trôi qua lặng lẽ như bao ngày còn lại trong năm. Nhưng để vui Tết “toàn tập” như ở Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Khá nhiều gia đình Việt tại Pháp vì thế đã chọn cách tham gia chương trình đón Tết do Hội người Việt Nam tổ chức.
Năm nay, chị Dung và con gái 6 tuổi của chị sẽ biểu diễn múa dân gian trong lễ đón năm mới của Hội Người Việt Nam tại Paris.
Tỏ ra không kém phần hồi hộp, chị chia sẻ: “Năm nào mình cũng cùng gia đình đón Tết tại đây, nhưng năm nay thì đặc biệt hơn vì còn lên sân khấu nữa. Con bé muốn mẹ tham gia cùng”. Mặc dù múa không phải là thế mạnh nhưng chị Dung sẵn sàng chiều con để khuyến khích bé tham gia các hoạt động văn hóa Việt một cách tích cực hơn.
Do mùng Một Tết năm nay rơi vào giữa tuần nên lễ hội đón Tết Kỷ Hợi tại Paris diễn ra vào thứ Bảy ngày 9/2, kéo dài từ 14h cho đến 1h sáng hôm sau. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ của các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên, khách tham dự còn được dịp tham gia các trò chơi dân gian ngày Tết như bầu cua cá, kéo co, cờ tướng…, thưởng thức các món ăn truyền thống dịp Tết, tham quan chợ Tết Việt, và đặc biệt là chương trình lì xì cho trẻ, một tập tục lâu đời trong văn hóa của người Việt Nam.
“Cũng nhờ những chương trình như thế này mà con cái chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài có dịp hiểu hơn về cội nguồn. Gia đình tôi luôn cố gắng tham gia đều đặn hàng năm, dù rằng ngày nào cũng đã tất bật với chuyện đi học, đi làm”, chị Dung chia sẻ, đồng thời tiết lộ từ vài tuần qua, hai mẹ con phải cắt thời gian nghỉ cuối tuần để đi tập múa.
Sống ở vùng Haute-Savoie của Pháp từ ba năm nay, chị Toàn thường tham gia đón Tết cùng hội người Việt Nam ở Genève (Thụy Sĩ). “Ở chỗ mình không có người Việt Nam nhưng Geneve thì cách nhà không quá xa. Ở đó có nhiều nhóm với các hoạt động đa dạng nên năm nào mình cũng tham gia để tăng cường kết nối. Ông xã mình thì rất háo hức vì đây là dịp để “chén” thỏa thích các món ăn Việt Nam”, chị vui vẻ cho biết.
Có mặt tại sự kiện Tết Việt do Hội Người Việt Nam tổ chức, không khó để nhận thấy những người nước ngoài là chồng/vợ của người Việt, trong trang phục áo dài truyền thống, những đứa trẻ dù bề ngoài rặt nét Âu nhưng vẫn nói sõi tiếng Việt, thể hiện tốt những tiết mục hát, múa dân gian. Đó chính là thành quả của những nỗ lực không nhỏ của các ông bố, bà mẹ Việt, khi mà ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của lũ trẻ chắc chắn không phải là tiếng Việt.
Theo chị Toàn, Tết Việt giờ đây có sức ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ các gia đình người Việt. Nhiều khách Tây dù không có mối liên hệ trực tiếp nào với cộng đồng người Việt, vẫn tìm đến để được trải nghiệm nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Tết đi lễ chùa, nhà thờ
Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có hội nhóm tổ chức chương trình đón Tết. Những người Việt Nam sinh sống tại khu vực ít đồng hương thường chọn đi lễ chùa hay đi nhà thờ dịp đầu năm Âm lịch, nơi họ có thể gặp gỡ một vài người bạn cùng hoàn cảnh và sở thích.
Chị Yến, sống ở thành phố Auxerre từ 15 năm nay cho biết, năm nào nhà chị cũng đi chùa vào dịp Tết âm lịch để cầu an bình, may mắn cho cả năm. Những ngày đầu năm, vợ chồng chị cùng con gái lại lên đồ áo dài truyền thống để đi lễ chùa. Để giữ được thói quen này, chị Yến cho rằng đó là cả một quá trình bền bỉ, không lơi lỏng trong việc giáo dục con, truyền cho con tình yêu đối với văn hóa truyền thống dân tộc.
Gia đình anh Lân mới qua Pháp từ hai năm nay cho biết, công việc ở nhà hàng và chăm sóc con cái khiến anh chị không thể có thời gian chuẩn bị cho Tết Việt như hồi còn ở nhà. Tuy nhiên, vào ngày này, gia đình anh vẫn đến tụ họp cùng khoảng 100 đồng hương Việt Nam tại một nhà thờ cách nơi ở chừng 20 km. “Mặc dù rất bận nhưng nếu không đón Tết, chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu”, anh tâm sự.
Tự tạo Tết cho mình
Sống ở Paris từ gần 20 năm nay, chị Phượng không năm nào bỏ qua cái Tết truyền thống. “Tết ở Việt Nam thế nào thì ở đây tôi làm y như vậy”. Dù chồng là người Pháp nhưng gia đình chị vẫn giữ được trọn nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam vào mỗi dịp lễ Tết truyền thống.
Những ngày cận Tết, chợ châu Á ở quận 13 đông nghịt. Hòa cùng dòng người tấp nập, chị cũng đi sắm Tết, nào mâm ngũ quả, bánh chưng, hoa mai, hoa đào, cây quất…
Và khi đồng hồ điểm 6 giờ chiều, tức là lúc mọi người ở Việt Nam bước sang năm mới, cả gia đình chị Phượng lại quay quần bên nhau trong trang phục truyền thống, cùng chúc nhau một năm mới nhiều sức khỏe và may mắn. Lũ trẻ thì háo hức nhận lì xì. Tết năm nay rơi vào giữa tuần, chị Phượng quyết định xin nghỉ phép để có thể vui Tết một cách trọn vẹn.
Gia đình chị Phượng là một trong số nhiều gia đình Việt Nam tại Paris duy trì đón Tết Việt hàng năm. Trước Tết, họ còn tụ tập để cùng nhau gói bánh chưng. Thời gian canh nồi bánh chín là lúc họ hàn huyên chuyện gia đình cũng như ôn lại kỷ niệm Tết xưa.
Hồi còn ở Grenoble, chị Linh thường đón Tết cùng hội du học sinh Việt Nam. Nhưng từ khi chuyển về phía Nam nước Pháp, chị không còn gặp được nhiều người Việt nữa. Tết vì thế cũng thay đổi theo, mất đi phần đông vui, nhộn nhịp. Để tạo không khí Tết cho chính mình, cứ đến dịp này, chị lại trang trí nhà cửa, mua hoa về cắm, rồi tự tay nấu những món ăn truyền thống để cúng trời đất, tổ tiên vào đúng thời khắc giao thừa. “Khi đó mình cảm nhận rõ hơn không khí thiêng liêng của Tết Việt”, chị nói.
Nói về sự khác nhau giữa Tết ở Việt Nam và ở Pháp, chị Phượng cho biết Paris không thiếu thứ gì nên chuyện “ăn Tết” cũng đầy đủ như ở quê nhà. Thời gian sống ở đây đủ lâu để chị tạo được những mối quan hệ bạn bè thân thiết, cảm nhận được không khí ấm áp trong cộng đồng người Việt. Nếu có khác chăng thì Tết nơi đây nhẹ nhàng hơn vì người phụ nữ không phải “ôm” quá nhiều nghĩa vụ với gia đình bên chồng, cũng không cần phải lo chuyện “đi Tết sếp”. “Tết chính xác là dịp để thư giãn và trở về với chất Việt trong mỗi người”, chị nói.
Kim Vân
loading...