Sản phẩm du lịch cho các 'địa điểm thiêng', 'thời gian thiêng'
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, du lịch tâm linh trở thành loại hình du lịch có sức hút du khách nội địa lớn nhất. Bình quân mỗi năm có từ 40% đến 45% khách nội địa đi du lịch tâm linh. Bài viết này nhằm đề xuất các khái niệm, đặc điểm, các loại hình du lịch tâm linh ở miền Bắc Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp theo loại hình du lịch tâm linh.
Nghiên cứu về du lịch tâm linh đã có một số tác giả đề cập đến như: Nguyễn Phạm Hùng (1999), Đoàn Thị Thủy Trang (2010), Nguyễn Thị Thu Thủy (2011), Hà Văn Siêu (2013), Nguyễn Văn Tuấn (2013), Nguyễn Thị Thu Duyên (2013), Võ Quế (2015)… Các tác giả đề cập đến tài nguyên, giá trị sản phẩm du lịch tâm linh… giải pháp, định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả chưa phân tích loại hình, đặc điểm các loại hình du lịch tâm linh.
Du lịch tâm linh theo Nguyễn Văn Tuấn thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Như vậy, du lịch tâm linh dựa vào nhu cầu tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, cầu xin lực lượng siêu nhiên, tôn giáo đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, cộng đồng đi du lịch. Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Mỗi loại hình có đối tượng du khách đại trà và đặc thù riêng biệt, có thời gian, không gian, đặc điểm du lịch riêng.
“Địa điểm thiêng”, “thời gian thiêng”
Đặc điểm nổi bật của du lịch tâm linh là diễn ra ở các “địa điểm thiêng”. Đây là hệ thống các di tích gắn với các trung tâm thờ Phật, thờ Thánh, thờ Mẫu. Các trung tâm di tích này tuy đã được mở rộng nhưng chưa được quy hoạch khoa học, thiếu nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng du lịch (bãi đỗ xe, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống…).
Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào không gian, địa điểm của du lịch tâm linh có thể phân chia du lịch tâm linh thành du lịch tâm linh ở miền núi, miền biển hoặc đồng bằng. Hiện nay, khách hành hương thường căn cứ vào tuyến du lịch để phân loại, tên các tuyến du lịch tâm linh như du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng, theo sông Lô, về Nam Định…
Một cách phân loại khác trong du lịch tâm linh là dựa theo thời điểm tổ chức các sự kiện du lịch tâm linh để phân loại như du lịch tâm linh theo mùa Xuân (hành hương mùa Xuân), mùa Thu…
Trong du lịch tâm linh, điều quan trọng nhất là phải căn cứ vào đối tượng của tôn giáo, tín ngưỡng để phân loại du lịch. Mỗi loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu, Thiên Chúa giáo… đều có đặc điểm riêng về du khách, dịch vụ, các điểm, tuyến tham quan, hình thức tham gia các sự kiện… Vì vậy, chúng tôi dựa vào các hình thức tôn giáo, tạm thời phân loại các loại hình du lịch tâm linh như du lịch tâm linh theo đạo Phật, theo đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa, du lịch tâm linh theo tính đại trà, theo kiểu hành hương về các vùng đất thiêng (du lịch lễ hội đền Hùng, đền Bà Chúa kho…).
Du lịch tâm linh thường gắn với “thời gian thiêng” (ngày lễ của các đạo, ngày giỗ, ngày tiệc, ngày hội của các vị thần linh), thời gian nông nhàn (mùa Xuân, mùa Thu). Tính mùa vụ của “thời gian thiêng” đã quy định chặt chẽ cho hệ thống các dịch vụ du lịch.
Trong các ngày lễ hội, mật độ du khách đổ về các “địa điểm thiêng” tăng lên đột biến gây ra sự quá tải cho điểm và tuyến du lịch tâm linh. Nhưng những ngày thường các điểm và tuyến du lịch tâm linh lại rất ít người thăm viếng. Tính mùa vụ của du lịch tâm linh đã đặt ra những thách thức đối với các nhà quản lý du lịch cả về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá, tạo sản phẩm du lịch.
Đối tượng khách du lịch tâm linh chủ yếu đi du lịch nhằm mục đích cầu mong, nguyện vọng của bản thân và gia đình. Họ ít được trang bị kiến thức về giá trị di sản văn hóa tâm linh (như thiếu hiểu biết về sự tích các vị thần linh, anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước…); giá trị nghệ thuật, kiến trúc; giá trị nhân văn.
Cơ chế thị trường cũng tác động mạnh mẽ đến nhu cầu du lịch tâm linh và các dịch vụ phát triển du lịch tâm linh. Trong mùa lễ hội, hiện tượng “chặt chém” khách về giá dịch vụ xảy ra thường xuyên. Vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng là những thách thức đối với cơ quan quản lý.
Hệ thống các sản phẩm du lịch tâm linh đều na ná nhau, ít có các sản phẩm đặc thù của từng điểm và tuyến du lịch.
Khắc phục những hạn chế của “tính mùa vụ”
Du lịch tâm linh là hệ thống du lịch tuy đã xuất hiện từ rất sớm nhưng ngày nay đã biến đổi theo xu hướng thị trường hóa, toàn cầu hóa, lượng du khách tăng đột biến trong “thời điểm thiêng”… Trước thực trạng này, Bộ VH,TT&DL cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật gắn liền quản lý du lịch tâm linh với quản lý lễ hội, quy hoạch trùng tu các di tích gắn với du lịch...
Kinh nghiệm quản lý của một số trung tâm du lịch tâm linh làm khá tốt như Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, Ban quản lý di tích Phủ Dầy… Vì vậy, cần nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của các điểm và tuyến du lịch tâm linh, các di tích gắn liền với du lịch tâm linh nhằm vừa phân cấp cho cộng đồng, tăng cường về trách nhiệm quản lý, vừa tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Tránh cả 2 quan điểm “khoán trắng” cho cộng đồng người dân hoặc chỉ đạo, can thiệp quá sâu vào hoạt động của các di tích, các lễ hội, các sản phẩm du lịch tâm linh.
Du lịch tâm linh chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia. Nhiều điểm, tuyến du lịch tâm linh mới đón du khách theo kiểu tự phát… Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hệ thống các dịch vụ du lịch; nghiên cứu, phối hợp với cộng đồng, ban quản lý di tích, các nhà khoa học xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng loại hình du lịch tâm linh, cho từng điểm và tuyến du lịch tâm linh. Tính đặc thù của các sản phẩm du lịch được phản ánh từ các lễ vật dâng cúng đến các đồ lưu niệm, dịch vụ hướng dẫn, tìm hiểu di tích. Tổng thể hệ thống các dịch vụ cần nghiên cứu mang sắc thái riêng của từng vùng, từng loại hình.
Các sở văn hóa, du lịch, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các ban quản lý di tích… cần có chương trình nghiên cứu, phối hợp đưa ra các giải pháp khắc phục sự hạn chế của “tính mùa vụ”. Nghiên cứu các lễ hội (ngày tiệc của hệ thống đạo Mẫu) để quảng bá, xây dựng lịch du lịch tâm linh theo đạo Mẫu. Đặc biệt, đề xuất các giải pháp về chống sự quá tải ở các điểm, tuyến du lịch tâm linh trong thời gian nhất định.
Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đặc thù ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Vì vậy, cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự quan tâm thể hiện qua các giải pháp hiệu quả.
Những mặt trái cần được quan tâm, chấn chỉnh “Gắn với các điểm du lịch tâm linh đương nhiên có các hoạt động mang tính tâm linh. Các hoạt động ấy nếu đúng với tâm thức của người Việt, đảm bảo thuần phong mỹ tục và đúng các quy định hiện hành thì cần được tôn trọng. Nhưng trong thực tế nhiều khi nó bị biến tướng, bị lợi dụng vào các mục đích xấu mang tính mê tín dị đoan, làm vẩn đục không khí vốn trong lành, thanh tịnh, linh thiêng nơi cửa Phật, đền đài, danh thắng. Từ đây những hành vi biến tướng được nhân rộng, trở nên phổ biến, tạo cơ hội, điều kiện để một số tổ chức, cá nhân biến một số cơ sở thờ tự thành địa chỉ “buôn thần, bán thánh”, lợi dụng lòng tin của người dân để lừa bịp nhằm trục lợi, thu lời... ... Những sự việc diễn ra gần đây tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Nếu nói về lịch sử chùa này, trước đây cũng không có gì đặc biệt, cũng chẳng có “điềm thiêng dấu lạ” gì. Nhưng từ khi được đầu tư xây mới lại, nó trở nên hấp dẫn mọi người có lẽ không chỉ vì quy mô, kiến trúc hoành tráng, lại tọa lạc ở vị trí đắc địa, du khách đến đây cũng không chỉ để vãn cảnh tham quan vẻ đẹp mà rất nhiều người còn bị cuốn hút vào một hoạt động “tâm linh” đầy ma lực, đậm chất mê tín dị đoan, lừa bịp bởi cái gọi là “cúng oan gia trái chủ” để thu tiền những ai nhẹ dạ cả tin... ... Một vài hiện tượng lệch chuẩn nêu trên thực ra chưa phản ánh đầy đủ so với những gì đang diễn ra trong thực tiễn của hoạt động du lịch tâm linh trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng dù sao, đó cũng là những mặt trái của hoạt động này cần được quan tâm, chấn chỉnh để du lịch tâm linh thực sự vừa thiêng liêng, vừa lành mạnh, hấp dẫn du khách và mang lại nhiều hiệu quả đích thực, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước nhà”. (Theo Tạp chí Công tác Tôn giáo số 7/2019. Nguồn: btgcp.gov.vn) |
TS Trần Hữu Sơn