Sân khấu Lệ Ngọc: Thông điệp ý nghĩa từ 'Cây tre trăm đốt'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp nối thành công của kịch Tấm Cám, Thị Nở - Chí Phèo, sân khấu Lệ Ngọc mới khởi dựng vở Cây tre trăm đốt. Tác phẩm mở đầu chuỗi hoạt động trong năm 2020 của sân khấu Lệ Ngọc và dự kiến sẽ đưa vào kịch mục lưu diễn quốc tế.
Vở kịch Cây tre trăm đốt được xây dựng dựa theo câu chuyện cùng tên rất quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, do tác giả Lê Thế Song viết kịch bản, NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn.
“Mở rộng” đối tượng khán giả
Đây là câu chuyện về anh nông dân hiền lành bị lão phú hộ “quỵt” lời hứa hẹn sẽ gả con gái cho nếu anh làm việc chăm chỉ trong 3 năm. Hết thời hạn, lão phú hộ yêu cầu anh nông dân phải vào rừng tìm và mang về cho lão cây tre trăm đốt thì lão mới thực hiện lời hứa. Anh nông dân đã không chỉ mang cây tre trăm đốt về mà còn mang theo cả lời thần chú “khắc nhập, khắc xuất” để trừng trị lão phú hộ.
Về ý tưởng dựng vở, đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN): “Theo mô-típ chung của các truyện cổ tích, thần thoại Việt Nam, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác. Có ý kiến cho rằng đó là suy nghĩ một chiều, tuy nhiên theo góc nhìn văn hóa thì đó là khát vọng của dân tộc, là khát vọng luôn luôn hoàn thiện bản thân. Người nhân hậu sẽ biết cách vượt qua cái ác để cái tốt được trường tồn và có sức lan tỏa”.
Cũng theo NSƯT Bùi Như Lai, ngoài việc chinh phục các em nhỏ, tác phẩm có “tham vọng” chinh phục khán giả lớn tuổi trong nước và quốc tế bằng cách sử dụng ngôn ngữ hình thể và việc mở rộng không gian sân khấu để “vượt qua rào cản ngôn ngữ”.
Đạo diễn cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng không gian sân khấu, nghệ sĩ có thể diễn xuất ngay từ hàng ghế cho khán giả. Cùng với đó, chúng tôi cũng đưa vào tác phẩm những tiết mục múa mang màu sắc hiện đại. Thực tế tôi thấy, có những vở kịch nói nước ngoài mang tới Việt Nam, họ kết hợp rất tốt giữa đối thoại và ngôn ngữ hình thể khiến người xem có thể không hiểu hết 100% nội dung nhưng hiểu câu chuyện và những điều quan trọng”.
Sợ các em nhỏ quên văn hóa truyền thống
NSND Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc cho biết, Cây tre trăm đốt giống các vở diễn trước đây của đơn vị là đi vào những câu chuyện dân gian dễ hiểu, dễ đồng cảm nhưng vẫn còn thời sự trong đời sống hôm nay, để từ đó truyền đi những thông điệp ý nghĩa, nhân văn.
“Chúng tôi sẽ làm mới một chút, nhấn mạnh vào vấn đề bảo vệ môi trường mà hiện nay đang rất thời sự, không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới quan tâm. Thông qua tác phẩm chúng tôi muốn cảnh báo về vấn đề cháy rừng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí… Tác phẩm sẽ truyền tải những thông điệp ý nghĩa, mang tính giáo dục để không chỉ khán giả nhí yêu thích mà bố mẹ, ông bà các em cũng thích” - NSND Lệ Ngọc cho hay.
Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc cũng bật mí thêm rằng: “Chúng ta đang ở thời đại 4.0 rồi, các em nhỏ rất thông minh nên không thể bắt các em tin vào những điều phi lý. Chúng tôi phải dùng hình ảnh và các trò trong diễn xuất để các em tin vào câu chuyện. Vẫn là thần thoại nhưng cây tre không thể có 100 đốt mà đó là cây tre thần. Biến cây cây tre trăm đốt thành cây tre thần, từ đó chúng tôi lý giải ý nghĩa, sức mạnh của cây tre, lũy tre trong văn hóa, đời sống của người Việt, để các em nhỏ biết cây tre đã bảo vệ người Việt như thế nào”.
Lý giải việc lựa chọn dàn dựng lại Tấm Cám, Thị Nở Chí Phèo và hiện giờ là Cây tre trăm đốt, NSND Lệ Ngọc tâm sự rằng, bà “sợ các em nhỏ quên văn hóa Việt”. Hơn nữa, thành công của các vở diễn trước đó với liên tục các đêm diễn thu hút đông đảo khán giả càng khiến sân khấu Lệ Ngọc thêm tự tin vào hướng đi của mình.
“Đó cũng là nguồn động lực để chúng tôi bám sát vào thương hiệu của mình là dân gian, phục vụ văn hóa Việt, phục vụ người Việt, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và thế giới” - NSND Lệ Ngọc, cho hay.
Thời gian tới, sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục duy trì hướng đi này và đảm bảo liên tục có những tác phẩm mới phục vụ các em nhỏ vào các dịp lễ Tết.
Vở Cây tre trăm đốt dự kiến sẽ ra mắt khán giả đầu tháng 3/2020.
Tiểu Phong