Kịch 'Tấm Cám' gây sốt tại Hà Nội, 30 buổi biểu diễn đã kín rạp
(Thethaovanhoa.vn) - Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc đang trở thành vở diễn được chú ý nhất trên sân khấu Hà Nội dịp 1/6. NSND Lệ Ngọc cho biết các nghệ sĩ đã biểu diễn suốt từ 15/5 đến nay, và dự định tiếp tục biểu diễn trong hết tháng 6.
NSND Lệ Ngọc cho hay: "Nhiều ngày chúng tôi phải diễn 3 suất, nhiều cơ quan đăng ký mua vé nhưng hiện tại chúng tôi chưa có rạp. 30 buổi biểu diễn đều đã kín rạp. Hiện tại không có rạp để diễn, chúng tôi phải thay phiên diễn ở các rạp khác nhau".
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết dù là cố vấn nghệ thuật, bà hiện cũng rất khó có vé để đi xem lần 2, lần 3 vì toàn bộ vé đã hết. Bà Minh Thái cũng gọi Tấm Cám là "hiện tượng", trong bối cảnh sân khấu miền Bắc thưa vắng và gần như không có khán giả.
Lý giải về "hiện tượng" này, NSND Lệ Ngọc cho biết sân khấu Lệ Ngọc đã cố gắng dàn dựng một vở diễn sạch sẽ, sang trọng, đổi mới và hướng đến cả khán giả nhí lẫn người lớn. "Đạo diễn Singapore đã làm mới Tấm Cám, bỏ tất cả chi tiết tàn bạo, đề cao và ca ngợi tình mẫu tử. Nội dung như vậy rất hợp với trẻ con", nữ nghệ sĩ nói.
NSND cũng chia sẻ rằng chị đã chủ động cho các diễn viên nhí tham gia vở diễn. Những diễn viên nhí này được chọn từ các cuộc thi tài năng trẻ mà Lệ Ngọc làm giám khảo. Sự tham gia của các diễn viên nhí ở một vài phân cảnh đã được khán giả nhỏ tuổi rất đón nhận.
- Khởi công xây dựng vở kịch Tấm Cám phiên bản mới
- 'Ngày xửa ngày xưa' bắt đầu từ vở 'Tấm Cám' năm 2000...
- 'Dạ cổ hoài lang' hé lộ dàn diễn viên 'Tôi thấy hoa vàng...' và 'Tấm Cám'
"Tôi thực sự rất hạnh phúc, giờ ngày nào cũng có người gọi điện hỏi mua vé, nhưng rất khó sắp xếp vì tôi làm hợp đồng hết rồi. Ví như trường tiểu học Thăng Long muốn chúng tôi diễn cho 1600 trẻ em đi xem vì từ Thăng Long đến rạp Hồng Hà không xa.
Họ muốn một buổi sáng diễn 3 buổi, nhưng chúng tôi không phục vụ được vì chúng tôi chỉ diễn được 2 suất một buổi sáng thôi nên không dám nhận", chị cho hay.
Tấm Cám do đạo diễn Singapore - Chua Soo Pong - dàn dựng, phóng tác từ truyện cổ tích Tấm Cám. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng thiết kế trang phục và nhạc sĩ Tiến Minh phụ trách âm nhạc.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Việt Nam, dàn dựng thành công các tác phẩm như: Ngũ biến, Kim Tử, Thị Nở Chí Phèo... Nhiều vở kịch tại đây được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc...
Tiểu Phong