Sàn diễn nóng bởi hai chữ 'thử nghiệm'
(Thethaovanhoa.vn) - Có một hội đồng các nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu chủ trì tới 3 cuộc hội thảo trao đổi giữa thành phần sáng tạo vở diễn cùng các đồng nghiệp tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV tại Hà Nội đã mang tới cho những người làm nghệ thuật vỡ ra nhiều vấn đề bổ ích.
Ngay cuộc hội thảo đầu tiên về 5 vở diễn ở chặng đầu của Liên hoan, những người làm nghệ thuật sân khấu đã có những trao đổi đầy sôi nổi, thậm chí tranh cãi nói thẳng quan điểm đối với từng tác phẩm.
PGS.TS Phạm Duy Khuê, chủ trì hội thảo chia sẻ cảm xúc của ông khi được xem nửa chặng đầu của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ thứ tư: “Những người làm sân khấu đã thực sự được một bữa tiệc nghệ thuật đầy no nê bởi hai chữ “thử nghiệm”, có những vở diễn đã chinh phục hoàn toàn đồng nghiệp từ kịch bản, hình thức thể hiện cho tới nghệ thuật diễn xuất của nghệ sĩ. Và tôi chắc chắn, với những tác phẩm thử nghiệm thành công ở liên hoan này, khán giả sẽ không thể thờ ơ với sân khấu”.
Sân khấu mà diễn tả những cảnh nhạy cảm như làm tình thậm chí cả những sinh hoạt rất tế nhị của con người chuyện đi vệ sinh... vậy mà xem vẫn thấy hấp dẫn; Xem Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ, khán giả khó có thể đứng ngoài cuộc với các nhân vật trên sân khấu, chúng tôi đã bị các nghệ sĩ lôi kéo để sống cùng với tâm trạng của nhân vật; Khó có thể tin diễn tả một người bệnh tâm thần mà không cần dùng đến ngôn ngữ thoại vậy mà “sự điên” của nhân vật được lột tả tới tận cùng tâm can trong Bpolar của Israel... Đó là những lời chia sẻ từ chính nghệ sĩ “những người trong cuộc” đi xem tác phẩm của đồng nghiệp bạn tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm.
Trong 5 vở diễn ở chặng đầu của Liên hoan thì đồng nghiệp và khán giả đã đặc biệt giành nhiều tình cảm đối với hai vở: Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ và Bpola của Israel. Một nghệ sĩ của đoàn Ấn Độ chia sẻ: “Sân khấu Ấn độ đã có nhiều đoàn dựng Cậu Vanya của tác giả Anton Chekhov nhưng quả thực tôi và đồng nghiệp nước tôi thấy bản dựng Cậu Vanya của đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi dàn dựng cho nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ của Việt Nam là xuất sắc nhất. Vở diễn đã khéo léo kết hợp giữa trường phái sân khấu cổ điển và sân khấu hiện thực”. Làm mới một kịch bản kinh điển của thế giới bằng tư duy dàn dựng sân khấu hiện đại và với những nghệ sĩ biểu diễn đầy tài năng, Cậu Vanya đã thực sự chinh phục những vị khán giả khó tính nhất là những nhà làm nghệ thuật của Việt Nam và quốc tế. Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: “Tôi không muốn đề cập một cách trực diện mọi vấn đề mà dùng phương pháp thể hiện giãn cách, đưa ra cách tình huống và thông qua các kỹ thuật hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh để dẫn dắt khán giả cảm nhận, hòa mình cùng tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật”.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá cao Cậu Vanya bà cho rằng vở diễn mang tính toàn cầu và chạm đến trái tim của khán giả khi mà tác giả, đạo diễn và lực lượng nghệ sĩ biểu diễn ở mỗi quốc gia khác biệt về văn hóa cho tới tư duy làm nghệ thuật. “Tôi đặc biệt thích cảnh làm tình trên một chiếc ghế của hai nhân vật trong kịch là bác sĩ Astrov và bà Elena. Cảnh diễn được thể hiện vô cùng đẹp và ở phía dưới tôi và người xem chỉ có thể rơi nước mắt vì xúc động...”.
Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tác phẩm Bpolar của Israel ông cho rằng vở diễn đã thể hiện xu hướng làm sân khấu hiện đại áp dụng công nghệ 4.0 khi không cần sử dụng ngôn ngữ thoại mà dùng chủ yếu bằng ngôn ngữ hành động cùng những xử lý tinh tế từ ánh sáng, âm nhạc, tiết tấu ...
Gây tranh cãi nhiều hơn cả đó là vở Nhật thực của Nhà hát thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt. Trong khi các nghệ sĩ Việt Nam cho rằng đây là vở diễn thiếu tính thử nghiệm, cách dàn dựng quá cũ, kết cấu không chặt chẽ khiến sợi dây diễn tả tâm lý nhân vật bất hợp lý thì một số nghệ sĩ nước ngoài như Ấn Độ, Hy Lạp lại tỏ ra thích thú với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong đó đặc biệt là âm nhạc của vở diễn này. Một vở diễn khác cũng tạo sóng bởi chất lượng của vở diễn quá yếu, thiếu tính chuyên nghiệp là vở Ngôi đền của quỷ ám của Singapore. Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà cho biết đây là vở mà hội đồng nghệ thuật của Liên hoan không lựa chọn trong số 53 tác phẩm đăng ký tham gia bởi thiếu tính thử nghiệm, tuy nhiên vì phút chót có lẽ do thiếu vở diễn của nước ngoài đã đăng ký nhưng không tham dự nên Ban tổ chức đã quyết định vẫn để vở diễn này tham gia.
Giữa những thử nghiệm thành công và cả những thử nghiệm không thành công, và với cả những tác phẩm khi xem xong không thấy có chút gì thử nghiệm... Rõ ràng thì đối tượng hưởng lợi nhất không phải là khán giả mà chính là những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ sĩ Việt Nam nói riêng. Ghi nhận của phóng viên Báo Văn Hóa ở chặng đầu liên hoan lần này đó là Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần này vẫn chưa thực sự thu hút được các nhà hoạt động sân khấu, đặc biệt là các đạo diễn của Việt Nam tham gia là điều vô cùng đáng tiếc. Hi vọng, những buổi dự thi tiếp theo của Liên hoan sẽ thu hút đông hơn nữa lực lượng sáng tạo của sân khấu . “Học thày không tày học bạn”, Ban tổ chức đã rất vất vả để huy động được 22 tác phẩm tham gia Liên hoan với mục đích động viên cho những nỗ lực, khám phá tìm tòi phong cách thể hiện mới mang tính đột phá cho sân khấu nước nhà, chính vì vậy mà sự có mặt của các thành phần sáng tạo sân khấu là vô cùng quan trọng và thiết thực ngay cả đối với chính bản thân cá nhân nghệ sĩ.
Thúy Hiền/ Báo Văn hóa