Rùng mình khi điểm chuẩn đại học lên tới 30
(Thethaovanhoa.vn) - Rùng mình vì thấy mình... may mắn, vì mình thi Đại học hơn 20 năm trước rồi, nên mới đỗ, chứ thi như bây giờ, kể cả vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn, chắc chắn mình trượt.
- Điểm chuẩn nhiều trường Đại học phía Nam tăng đột biến
- TOÀN BỘ danh sách điểm chuẩn lớp 10 công lập Hà Nội 2017
- Hà Nội: Hạ điểm chuẩn 40 trường THPT công lập, mức hạ cao 2,5 điểm
Sự tuyệt đối là một khái niệm khó tồn tại, vì thế, chắc phải là máy, siêu máy, chứ không phải người, mới có thể đáp ứng được mức điểm như thế.
Thế nhưng vẫn có những người như thế, và họ đỗ. Nhưng điều này cũng khiến tôi lại rùng mình một lần nữa: tại sao con cháu chúng ta giỏi như thế và biết bao thế hệ đi trước cũng giỏi, nhưng nền giáo dục vẫn cứ bị chỉ trích, và những người từ cánh cửa trường Đại học đi ra, sau mấy năm được đào tạo, vẫn cứ thiếu kĩ năng này, thiếu kĩ năng kia khi vào đời?
Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, nên nhìn về, rồi đặt câu hỏi: Tại sao các bạn cùng tuổi nước ngoài tự tin, khỏe mạnh và đầy sức sống, đầy nhiệt huyết như thế, luôn sẵn sàng cho những cuộc rong ruổi bất cứ nơi đâu trên thế giới, còn các bạn tôi thì nhiều người, dù kiến thức học đường đầy đầu, thì vẫn cứ lóng ngóng khi ra đời?
Điểm số luôn là tiêu chí được đưa ra trong các cuộc sàng lọc, như các kì thi Đại học. Nhưng nó không thể hiện sự tuyệt đối đúng và hợp lí về các chính sách giáo dục, cũng không thể là thước đo cho dân trí của một thế hệ, ở đây là thế hệ đã thi Đại học. Đấy chỉ là một tiêu chí để người ta chọn lọc, nhưng lại có thể bộc lộ những vấn đề muôn thuở của khoảng trống lớn lao liên quan đến kĩ năng sống.
Những thứ chúng ta đã học được khi rời cánh cửa trường cũng chính là thứ mà nhiều bạn vừa đỗ Đại học có thể sẽ phải trau dồi sau này: "biết sống", nghĩa là biết bon chen, biết luồn lách, biết thỏa hiệp ngay cả với cái xấu, cái tiêu cực để tồn tại... Những thứ này không hề có trong điểm bài thi và cũng không phải là những kĩ năng sống ở dạng tích cực.
Hôm nọ, tôi nhận được tin nhắn của một người xưng là có con đi học. Người này bảo, những quan điểm về giáo dục của mình là phản giáo dục. Tôi nghĩ mãi, điều gì của mình là phản giáo dục nhỉ? Cho trẻ học về cảm thụ nghệ thuật để tâm hồn của chúng đẹp hơn, cho trẻ tham gia thể thao nhiều hơn, cho chúng đọc sách nhiều hơn thay vì dúi vào tay chúng cái smartphone để bố mẹ rảnh tay làm việc khác... là phản giáo dục ư?
Vậy thế nào là đúng xu hướng? Chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy thày cô, từ sáng đến tối ôm sách học và tôn sùng điểm số, coi đó là thước đo quan trọng nhất cho tri thức, là giáo dục ư?
Vâng, nếu vậy, thì điểm số của con cái của chúng ta sẽ vẫn cứ đẹp, điểm chuẩn vẫn cao ngút trời, nhưng đất nước kém phát triển thì vẫn cứ kém phát triển. Không thể khác được...
Trương Anh Ngọc