Rằm tháng 7: Ẩn trong 'hớp cháo lá đa'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày mai là rằm Tháng Bảy.
- Rằm tháng Bảy, làm mâm cúng chuẩn cho lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân
- Hàng cõi âm được mùa Rằm tháng bảy
Cái cảnh “mưa dầm sùi sụt” mở màn cho “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du dường như đã diễn ra trong suốt mấy ngày qua. Và chưa hết, trong những ngày tới, một đợt áp thấp nhiệt đới nữa lại tràn về và có khả năng mạnh lên thành bão. Nó đang gây mưa lớn trên khắp các tỉnh thành miền Bắc.
Đã có nhiều người chết trong những ngày qua, những cái chết đau xót, bất thình lình. Và nỗi lo lắng lở đất, lũ quét lại ám ảnh trong những ngày tới…
Tôi bỗng nghĩ đến một ý nghĩa khác của Rằm Tháng Bảy, đó là tình yêu thương bao la đối với đồng loại, đối với thập loại chúng sinh bất hạnh, đi kèm với nó là niềm mong ước hòa bình, an lạc trên tất cả các “cảnh giới”… Tình yêu thương ấy đã chứa chất trong nghi lễ “Xá tội vong nhân” này, mà nhìn bề ngoài tưởng như mang nặng tính chất “mê tín dị đoan”.
Mâm lễ vật cúng ngày “Xá tội vong nhân”
Ngày nay, tiết Vu Lan đang thiên về ý nghĩa báo hiếu cho cha mẹ. Nhưng còn ý nghĩa nguyên thủy của ngày “Xá tội vong nhân” thì sao?
Ai cũng biết đến tục lệ cúng cháo lá đa. Thuở nhỏ, khi chứng kiến cái nghi lễ được thực hành theo cách “nguyên thủy” này, chúng ta không tránh được cảm giác sờ sợ, rờn rợn.
Cháo được nấu loãng ra, sau đó được đổ vào những chiếc lá đa hoặc lá mít – đã được cuốn lại cẩn thận như những chiếc phễu nhỏ, gọi là cuốn “bồ kề”. Cũng có khi cháo được đổ ngay trên mặt lá đa lật ngửa. Thứ đồ cúng ít ỏi ấy, không thể gọi là bát cháo mà chỉ là hớp cháo, được đặt lên những manh chiếu, những chiếc nong, chiếc nia, hay đơn giản là cài vào một cái que cắm ở đầu đường.
Cũng có nơi người ta còn rẩy cháo cả lên hai bên lề đường…Tất cả là để cho những “cô hồn” – những linh hồn lang thang không nơi nương tựa - được về thụ hưởng trong ngày “xá tội vong nhân”. Vì sao phải làm như thế? Là vì các cô hồn nhiều không kể xiết, phải chia nhỏ ra như thế để có thể có đủ đồ cúng mà phân phát cho tất cả… Thập loại chúng sinh tất thảy đều được ăn uống tránh đói khổ, được siêu sinh…
Một tấm lòng thương xót bao la ẩn chứa trong một nghi lễ đơn sơ, “rờn rợn” này…
Nhiều người còn ghi nhận rằng, ngày xưa, sau khi cúng cháo lá đa xong, người ta còn phân phát cho những người nghèo đói, lang thang cơ nhỡ. Thậm chí ngay trong khi thầy đang cúng, người ta còn “bật đèn xanh” cho lũ trẻ nhà nghèo lao vào cướp cháo trên những chiếc lá đa để húp sụp soạt tại chỗ, hoặc đổ vào cái bát, cái liễn mang về, như một cách để cứu rỗi cho những người đói mà cũng là để lấy lộc. Dĩ nhiên, cái cảnh ấy chắc chỉ diễn ra trong những thời kỳ đói kém liên miên…
***
Sống đã chịu nhiều bề phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
(Văn tế thập loại chúng sinh)
Hớp cháo lá đa là tận cùng của đói khổ, bất hạnh, nhưng cũng là tận cùng của tình yêu thương.
Với mấy chữ “Xá tội vong nhân”, ngày nay, nhiều người tưởng nhầm cúng rằm tháng Bảy là cúng cho những người từng… có tội. Thực ra, không phải, thập loại chúng sinh (chính xác là 13 loại) theo quan niệm của nhà Phật hay trong Văn tế của Nguyễn Du chỉ là những người bất hạnh, phải chịu một cái chết oan khốc, bất thường, không theo quy luật sinh tử tự nhiên:
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lã, kẻ lây lửa thành
Người thì mắc sơn tinh, thủy quái
Kẻ thì sa nanh khái ngà voi
Có người có đẻ không nuôi
Có người sa sẩy, có người khốn thương…
Vì ý nghĩa nhân văn ấy, Đại thi hào Nguyễn Du đã viết cả một bài văn tế bất hủ như bài kinh, bài kệ cho rằm Tháng Bảy.
Tinh thần nhân văn của ngày “Xá tội vong nhân” còn đi vào trong nghi lễ “Chay đàn phá ngục” của Phật giáo. Đây là một phần của tích Mục Liên tầm mẫu (Mục Liên cứu mẹ), kết tinh nhiều giá trị đỉnh cao của âm nhạc Phật giáo.
Còn nhớ ngay trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên thời kỳ Tự lực Văn đoàn (1930 -1945), Khái Hưng đã có một thiên tuyệt bút viết về lễ “chạy đàn phá ngục” trong chùa. Tiếc rằng ngày nay, những ngôi chùa còn giữ được nghi lễ đó không nhiều. Phá cửa ngục để giải thoát cho các linh hồn đau khổ, có thể siêu thoát hoặc đầu thai trở lại cõi trần, đó là tinh thần nhân văn chất chứa trong các quan niệm của dân gian và dường như chỉ mượn “pháp lực” cả Phật giáo để thể hiện.
***
Rằm Tháng Bảy sắp đến. Bên cạnh lễ Vu Lan để mỗi người được tỏ lòng biết ơn và báo hiếu cho cha mẹ mình, còn có lễ “Xá tội vong nhân” để ta mở lòng ra, yêu thương đồng loại.
Đó là điều rất ý nghĩa trong ngày rằm Tháng Bảy.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa