A+ A A- Kiểu đọc sách

Hàng cõi âm được mùa Rằm tháng bảy

09:03 08/08/2008
loading...
Những chuyến hàng ùn ùn đổ về, cửa hàng nào cũng hai, ba người phục vụ để đón khách tấp nập vào ra... Đó là quang cảnh của con phố hàng Mã khi sắp vào Rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân...

Còn chục ngày nữa mới đến rằm tháng 7 nhưng các cửa hàng vàng mã lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đã trở nên tấp nập người bán kẻ mua. Nhộn nhịp nhất phải kể đến phố hãng Mã, địa điểm bán buôn bán lẻ hàng mã quen thuộc của người Hà Nội. Mặc dù mới đầu giờ chiều, không phải vào giờ "cao điểm" nhưng những ai đi qua con phố này cho dù vô tâm đến mấy cũng đoán biết được rằm tháng bảy đã về... Sẽ không nhộn nhịp khách vào ra vào giờ này nhưng bù vào đó là không khí của những chiếc xe đổ buôn, của những chủ hàng đang trang hoàng, bày biện sao cho cửa hàng của mình thật bắt mắt.

Trần sao âm vậy!

Càng đến gần ngày xá tội vong nhân, thị trường vàng mã càng trở nên sôi động và nhộn nhịp.

Với tâm lý “trần sao âm vậy”, những ngày này người ta thường bắt gặp trên nhiều con phố những chiếc xe nghễu nghện chở đủ mọi loại hàng mã để phụ vụ các gia đình có nhu cầu "gửi" cho người thân dưới... âm phủ và những cô hồn không nơi nương tựa. Thiên Những người kinh doanh mặt hàng này coi đây là "mùa" làm ăn lớn trong năm. Chả thế mà những cửa hàng vốn kinh doanh vàng mã trong ngày này tha hồ "phô trương thanh thế" bằng hàng loạt các mặt hàng đủ loại, còn một số cửa hàng "không chuyên" cũng có vài sạp hàng bày ngay bên ngoài để tranh thủ "kiếm thời vụ".
Ngoài tiền, vàng, đô la thì quần áo, giày, dép, hình nhân thế mạng cho người thân dưới âm cũng là những mặt hàng "hút khách". Bên cạnh những đó còn có nhiều loại “cao cấp” khác như ô tô Mercedes, xe máy SH, Dylan, nhà lầu dạng biệt thự, nồi cơm điện, bếp gas, điều hoà nhiệt độ, dàn hifi, tủ lạnh, điện thoại di động kèm cả SIM card Mobiphone, Vinaphone,...

"Chị ơi mua mã đi, hàng em mới nhập về, đẹp và "xịn" lắm...!", "Em ơi vào xem đi, muốn mua gì cũng có, chất lượng thì miễn chê!"... Những lời mời thật ngọt của các chủ hàng khiến tôi không khỏi bị mê hoặc. Chọn một cửa hàng tương đối lớn, tôi bước vào. Ấn tượng đầu tiên là... hoa mắt!! "Em mua cho những ai? Nhà cửa, xe máy, đồ gia dụng, chị không thiếu thứ gì?" - "Ôi, năm nay không có gì mới hơn hả chị? Năm nào em cũng mua những thứ ấy rồi".- "Em yên tâm, em thích gì nào? Điện thoại Iphone 3G nhé hay thẻ ATM, chị còn có cả loại thanh toán toàn cầu, người nhà em có mà chu du khắp thế giới cũng không lo thiếu tiền. Mốt năm nay đấy! Hay laptop wifi? Dưới đó cũng chẳng khác gì trên này đâu, trần sao âm vậy, phải sắm cho các cụ đầy đủ em ạ!". Vừa nói chị vừa giơ một tấm bìa cactông cứng, nhỏ như thẻ ATM thật, bên mặt ngoài có chữ "ATM - Amphu Bank".

Năm nay, cái mới đó là "mã" mũ bảo hiểm xe máy. Điều đặc biệt là hầu hết "mũ bảo hiểm" của cõi âm đều mang nhãn hiệu Honda với một chất lượng đồng nhất, không sợ hàng giả hàng nhái mà phải kiểm định (mỗi chiếc giá chỉ khoảng 5.000 đồng). Ở một số hàng còn cung cấp cả "phương tiện giải trí”. Đó là máy nghe nhạc iPod, một bộ game Võ lâm truyền kỳ hay Thiên long bát bộ giá 60.000-80.000 đồng...

Đốt gì?

"“Bán chạy nhất trong dịp rằm tháng bảy là tiền vàng và quần áo. Vàng mã cùng với tiền giấy được làm bằng giấy xấu giá từ 30.000- 40.000đ/100 lễ, loại làm bằng giấy chất lượng tốt 50.000 - 60.000đ/100 lễ”. - chị Hoa- chủ một cửa hàng trên phố hàng Mã cho biết. Quần áo dành cho người cõi âm cũng đông khách không kém. Bộ quần áo cụ ông, cụ bà có đầy đủ ô, nón, giấy dép, khăn xếp, đồng hồ, hộp đựng đồ trang sức... giá chỉ 7.000-10.000đ/bộ, áo dành cho cô cậu 7.000đ/bộ, quần áo quan thần linh đủ cả mũ mão cân đai giày dép giá 10.000-15.000đ/bộ, giầy dép giá 3.000-5.000đ/đôi... Bên cạnh những mặt hàng được làm sẵn, nếu người mua có nhu cầu đặt riêng một bộ quần áo complet đúng mốt thì cửa hàng cũng sẵn sàng đáp ứng, thậm chí còn phục vụ cả bộ “quân phục” đầy đủ “quân hàm”.

Để tránh tình trạng người thân đi đường bị cướp, khách hàng còn phải sắm tiền vàng, quần áo dành cho những vong hồn vô gia cư, lang thang phiêu dạt, giá bán những món đồ này cũng chỉ từ 5.000 - 7.000đ/tập. Nếu sang hơn nữa thì sắm thêm “hình nhân thế mạng” cho các cụ dưới âm “làm người hầu” cũng chỉ từ 10.000- 15.000đ/người.

Trong ngày lễ rằm tháng bảy, không ít người đã bỏ ra hàng triệu đồng tiền thật để mua những món hàng mã gửi cho người âm với mong muốn rằng ở dưới suối vàng họ cũng được hưởng “tiện nghi” vật chất như trên trần. Những ngôi nhà 4, 5 tầng thậm chí là những căn biệt thự nhà vườn kiểu Nga, kiểu Pháp lần lượt được xuất xưởng, những chiếc xe máy hiện đại nhất như: PS, SH, LX…mà mức độ giống thật về hình dáng, màu sắc lẫn kích thước không phải là hiếm. Xe máy, ôtô giá 150.000 đồng, biệt thự hai tầng giá 70.000 đồng, ba tầng giá 100.000 đồng... Mua đủ trọn bộ phải mất khoảng 1 - 2 triệu đồng. Đó là chưa kể những mặt hàng cáo cấp, có thể lên tới vài triệu đồng.

Với suy nghĩ, càng mua nhiều đồ hàng mã càng thể hiện sự hiếu nghĩa, đồ càng đắt tiền càng có nhiều lộc và càng được bình an, người ta không ngần ngại lấy tiền thật đổi lấy những đám giấy xanh đỏ và đốt...thật lực. Có người cho rằng họ cúng "con xe" hàng mã để mong năm tới thu về "con xe" thật, cúng nhà là để mong nắm tới làm nhà to...

Việc đốt vàng mã vào những ngày lễ tết là một cử chỉ văn hóa mang tính phong tục lâu đời của người Việt Nam. Trong mùa Vu lan báo hiếu, việc đốt vàng mã thể hiện sự quan tâm, biết ơn đối với những người đã khuất, những vong linh chưa được siêu thoát. Người ta gọi đó là lòng thành hướng về đấng sinh thành. Thế nhưng những năm gần đây việc đốt mã ngày càng bị lạm dụng, biến tướng, trở nên rườm rà tốn kém, mê tín dị đoan. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, chỉ riêng lượng giấy dùng để sản xuất hàng mã lên đến trên 20 vạn tấn/năm và số tiền chi cho vàng mã là hàng trăm tỷ đồng.

Theo EVA

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...