Ra sách 'Lá cờ chuẩn đỏ thắm' của Hồ Phương: Như những thước phim tư liệu đẹp về Điện Biên Phủ
Đó là tên gọi truyện ngắn và cũng là tên cuốn sách tập hợp 5 truyện ngắn viết về Điện Biên Phủ của nhà văn - thiếu tướng Hồ Phương được xuất bản lần đầu năm 1957, sau đó NXB Kim Đồng xuất bản năm 2004 nhân dịp cả nước kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Và năm nay trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, NXB Kim Đồng đã tái bản cuốn sách này với trang bìa do họa sĩ Nam Phạm thể hiện.
Khi cuốn sách ra mắt, các thành viên trong gia đình nhà văn - thiếu tướng Hồ Phương vô cùng cảm động và cảm thấy ấm áp như có sự hiện diện của ông trong ngày kỷ niệm ý nghĩa của toàn dân tộc. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, cháu gái của nhà văn Hồ Phương, nhân dịp cuốn sách vừa được tái bản.
Lớn lên từ lửa yêu nước
Bác chúng tôi - nhà văn Hồ Phương - đã tạ thế ngày 2/1/2024, hưởng thọ 94 tuổi. Điều cả gia đình nuối tiếc nhất là bác không kịp dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với cuộc đời oanh liệt của bác một thời.
Bác tôi tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930 tại làng Mậu Lương, Hà Đông. Sự kiện làm tôi ấn tượng mạnh về bác chính là tháng 12/1946, khi mới 15 tuổi, bác đã gia nhập lực lượng tự vệ thành Hoàng Diệu, rồi gia nhập quân đội, trở thành "chiến sĩ quyết tử" và "Vệ Út" của Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, ghìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.
Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, bác trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Biên giới năm 1950 khi mới 20 tuổi và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 khi mới 24 tuổi, trong đội hình của đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của quân đội là Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân tiên phong anh hùng, trưởng thành từ người chiến sĩ, làm phóng viên chiến trường, cán bộ phụ trách báo, rồi làm chính trị viên đại đội.
Nhà văn Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi và sớm trở nên nổi tiếng với tác phẩm truyện ngắn Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa. Năm 1949, bác phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của quân đội là báo Quân tiên phong của Đại đoàn 308. Từ năm 1955, bác về Tổng cục Chính trị, là thành viên tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1957 và giữ chức Phó Tổng biên tập của tạp chí nổi tiếng này trong một thời gian dài, cho đến khi nghỉ hưu năm 1993. Một thời gian bác đồng thời giữ chức Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Bác cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957). Năm 1990, bác được phong quân hàm thiếu tướng.
Đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương hầu như đều gắn với thời kỳ oanh liệt sôi nổi ấy. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyên Hồng đã nói thế này: "Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước".
"Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước" - nhà văn Nguyên Hồng.
Những áng văn đầy ắp tư liệu lịch sử
Từ chất liệu hiện thực ở Điện Biên Phủ, nhà văn trẻ Hồ Phương đã viết nên các tác phẩm như Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ (truyện, 1956), Lá cờ chuẩn đỏ thắm (truyện, 1957)...
Nếu như các trang sử ghi chép một cách khái quát về diễn biến trận đánh, đúc kết được nguyên nhân, ý nghĩa một cách tổng quát, thì chính các trang truyện ký của người trong cuộc giúp bạn cảm nhận một cách sâu sắc, sinh động và hấp dẫn nhất những khoảnh khắc diễn ra bên trong cuộc chiến.
Mở đầu truyện Lá cờ chuẩn đỏ thắm, độc giả sẽ nín thở khi chứng kiến toàn cảnh giằng co ác liệt trên mặt trận Điện Biên Phủ qua ngòi bút mô tả sinh động của nhà văn chiến sĩ Hồ Phương: "Sau khi ta tiêu diệt pháo đài Him Lam, cứ điểm đồi Độc Lập và bức địch rút chạy khỏi đồi Bản Kéo, mặt trận Điện Biên Phủ chuyển sang giai đoạn hai. Quân ta đào giao thông hào trên cánh đồng phía Tây, dần dần bao vây chặt lấy khu trung tâm Mường Thanh. Những đường hào ấy đêm đêm kéo dài ra, nối liền với nhau, và thít dần lại; y hệt một chiếc dây thòng lọng khổng lồ từ từ thắt chặt lấy cổ tướng giặc Đờ Cát-tơ-ri"...
Những dòng tóm tắt và trích đoạn từ 150 trang sách đầy lôi cuốn của truyện Lá cờ chuẩn đỏ thắm thực sự như những thước phim tư liệu đẹp về những khoảnh khắc khốc liệt của cuộc chiến, về ý chí quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng hy sinh thân mình để làm tròn nhiệm vụ. Sự mưu trí sáng tạo trong chiến thuật chiến đấu, tinh thần đồng đội từ tiểu đội đến đại đội đều có những tấm gương đáng khâm phục. Tất cả đã góp phần tạo nên sức mạnh chung của cả dân tộc để làm nên chiến thắng "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu".
Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Phương đã không quản gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng các chiến sĩ, lăn lộn trên các hướng mặt trận, ở những nơi gian khó, ác liệt nhất, để lấy tư liệu sáng tác. Rồi từ những trải nghiệm khốc liệt đó, bằng tài năng của mình, ông đã phản ánh thành công hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam - trong trận chiến mang tầm vóc thời đại của dân tộc.
Có thể khẳng định, cuộc đời quân ngũ cũng như sự nghiệp sáng tác văn học của Hồ Phương thật sự là một bản tráng ca tiêu biểu cho thế hệ những người đã trải qua chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Ở ông, cũng như người lính cầm bút thế hệ ông, chúng ta nhìn thấy sự hòa quyện hoàn hảo giữa nghĩa vụ của một người lính trước Tổ quốc và lòng trắc ẩn của một nhà văn trước đồng bào mình.
Sinh thời, ông thường tâm sự: "Trong tay tôi luôn có 2 vũ khí, một bên là súng, còn bên kia là bút. Với tôi viết là nhiệm vụ, là đam mê và cũng là "cái nợ" của cuộc đời. Tôi viết bao nhiêu mà vẫn chưa đủ trả nợ cuộc đời. Món nợ đó vẫn còn với đồng đội, với đồng bào luôn canh cánh trong lòng". Đó là tuyên ngôn của một nhà văn - chiến sĩ, của người đã đi trọn vẹn đời mình với những sự kiện oanh liệt của dân tộc trong sự hình thành một nước Việt Nam mới.
Cùng với gần 40 tác phẩm văn học khác, Lá cờ chuẩn đỏ thắm của nhà văn - thiếu tướng Hồ Phương luôn là những áng văn đầy ắp tư liệu lịch sử, sôi động hào hùng, chan chứa tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu quật cường của cả dân tộc hướng tới nền độc lập tự do của đất nước. Với một phong cách riêng biệt, nhà văn Hồ Phương đã mang tới những đóng góp quan trọng cho nền văn học về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Vài nét về nhà văn Hồ Phương (15/4/1930 - 2/1/2024)
Ngoài những tấm gương chiến sĩ Điện Biên mưu trí, anh dũng, hy sinh, tập truyện Lá cờ chuẩn đỏ thắm còn dành nhiều dung lượng để phác họa về hình tượng người dân, về đồng bào các dân tộc đã chung sức, đồng lòng đánh đuổi giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài 2 tập truyện Lá cờ chuẩn đỏ thắm (1957) và Cỏ non (1960), Hồ Phương còn có các tác phẩm đáng kể như Thư nhà (truyện ngắn, 1949), Vệ Út (truyện dài, 1959), Kan Lịch (tiểu thuyết, 1968), Số phận Lữ dù 3 Sài Gòn (truyện ký, 1972), Biển gọi (tiểu thuyết, 1977), Yêu tinh (tiểu thuyết, 2001), Cha và con (tiểu thuyết, 2007)…
Hồ Phương được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2000; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, năm 2012.