Ra mắt ‘Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975’
Đây là cuốn sách miêu tả, phân tích hệ thống giáo dục Pháp tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam sau 1945 ở những bình diện chính sách, tổ chức và cách thức vận hành.
Được Omega Plus và NXB Hà Nội ấn hành, Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa là phần nối tiếp của Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen từng được dư luận quan tâm vào cuối năm 2020.
Cuốn sách này bắt nguồn từ luận án Tiến sỹ của tác giả Nguyễn Thụy Phương viết bằng tiếng Pháp, góp phần làm sống lại thiên truyện về nền giáo dục Pháp tại Việt Nam trong 3 thập niên bản lề của lịch sử đất nước này trong thế kỷ 20 (1945-1975).
Mục đích của Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa này là miêu tả và phân tích hệ thống giáo dục Pháp tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam sau 1945 ở những bình diện chính sách, tổ chức và cách thức vận hành.
3 chương trong sách chỉ rõ: Dưới sức nặng của những toan tính chính trị quốc tế cũng như áp lực từ phía các gia đình Việt đến trường Pháp, nước Pháp đã cải tổ để biến hệ thống giáo dục thuộc địa kiên cố, vốn được coi là mũi giáo của sứ mạng khai hóa, thành một công cụ phục vụ cho ngoại giao văn hóa.
Đây là một thứ ngoại giao mới mà các chính thể Nhà nước muốn sử dụng cho mục đích đối ngoại, nhằm truyền bá những sản phẩm mang tính biểu tượng của một nền văn hóa như nghệ thuật, văn chương, hay truyền bá tri thức thông qua giáo dục.
- Ra mắt sách 'Địa chấn' - Tập phóng sự của nhà báo Xuân Quang
- Ra mắt sách Sensory - Chạm cà phê từ mọi giác quan
- Ra mắt sách và triển lãm của Trịnh Lữ
Tác phẩm giới thiệu cô đọng những đặc điểm căn bản của giáo dục Đông Dương thuộc địa, giúp độc giả khám phá tiến trình ít nhiều bị cưỡng ép để biến “sứ mạng khai hóa” thành một thứ “phái bộ văn hóa” thích ứng linh động hơn với điều kiện chính trị và chiến cuộc từ 1945 đến 1954. Đồng thời, sách phân tích sự phát triển của hệ thống trường Pháp tại miền Nam từ 1954 đến 1975 trong bộ “áo choàng ngoại giao” mới dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Bằng phương pháp liên ngành lịch sử và xã hội học, qua giọng kể thân tình, tác phẩm không chỉ làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử mà còn trần thuật hồi ức của nhiều thế hệ học sinh để chia sẻ với bạn đọc một câu chuyện tưởng chừng như rơi vào quên lãng.
Sách cũng kể lại những mối quan hệ giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên, từ đó tái dựng những mạng lưới, hệ giá trị, biến chuyển tư tưởng, những thú vui giải trí, thậm chí cả những bộ phim mà học sinh thời đó chuộng xem.
Ngoài những cuộc phỏng vấn trực tiếp và bảng hỏi, tác giả cũng tra cứu các tập san và ấn phẩm định kỳ cùng với các nguồn lưu trữ thuộc địa và ngoại giao. Vì vậy, những phân tích sử học, mang những điểm nhìn phong phú, khi thì văn hóa, khi thì thống kê, thực sự gây ấn tượng với độc giả.
“Cuốn sách này của một nhà nghiên cứu trẻ tài năng đã cho thấy trong một thế giới bị đảo lộn bởi giải thuộc địa, giáo dục nằm ở tâm điểm của những toan tính chính trị, ngoại giao, văn hóa và sự gìn giữ bản sắc. Một câu chuyện đáng để khám phá và suy ngẫm ở kỷ nguyên toàn cầu hóa”. Rebecca Rogers - Giáo sử Lịch sử, ĐH Paris Descartes, Sorbonne Paris Cité, nhận xét.
Nằm trong Tủ sách Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ của Omega Plus, cuốn sách này đã được trao 2 giải thưởng danh giá của Pháp là Giải thưởng Lịch sử Giáo dục Robert Mallet 2015; Giải thưởng Louis Cros, Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị, Pháp Viện 2018.
Cúc Đường