Ra mắt sách 'Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc'
Cuốn sách "Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc" do TS kinh tế Nguyễn Thành Trung biên soạn vừa ra mắt độc giả ngày 20/11. Sách do nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.
Sách dày 265 trang, nội dung cuốn sách gồm sáu chương, tập trung làm rõ nhiều nội dung và phạm trù gắn với hình ảnh và bản sắc của địa phương cũng như cách thức vận hành để đạt đến một hình ảnh địa phương thu hút và hấp dẫn, bao gồm: Chương I - Thách thức xây dựng thương hiệu địa phương; Chương II - Kinh nghiệm từ các địa phương, được lấy từ các địa phương thuộc các quốc gia trong khu vực và trong nước; Chương III - Lược sử xây dựng thương hiệu địa phương - Lịch sử nghiên cứu tiến tới định hình khái niệm xây dựng thương hiệu địa phương....
Chương IV là hình ảnh và bản sắc thương hiệu địa phương; Chương V nêu bật mô hình và nội dung xây dựng thương hiệu địa phương. Chương VI nhấn mạnh chủ thể và quá trình xây dựng thương hiệu địa phương: Chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu địa phương; Quá trình xây dựng thương hiệu địa phương; Tổ chức triển khai; Một số gợi ý chính sách gắn với giải pháp xây dựng thương hiệu địa phương...
Theo quan điểm của tác giả, có ba vấn đề cơ bản đặt ra cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Thứ nhất, hình ảnh địa phương là như thế nào trong tâm trí của khách hàng mục tiêu của địa phương, hoặc tâm trí của từng nhóm đối tượng hữu quan tương tác với địa phương và trong các nhận thức đó thức đó thì hình ảnh địa phương khác biệt thế nào trên phạm vi thế giới, ngoại trừ các khác biệt nhờ vị trí địa lý đem lại.
Thứ hai, chính quyền địa phương phải xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương như thế nào? Điều này đòi hỏi bản sắc và định hướng tầm nhìn hình ảnh địa phương trong tương lai phải khá rõ ràng và được chia sẻ thấu đáo với tất cả các nhóm đối tượng hữu quan của địa phương.
Thứ ba, ai sẽ là người đảm nhiệm công việc xây dựng thương hiệu địa phương? Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý thường nói: Mỗi người dân là một đại sứ xây dựng thương hiệu địa phương. Tuy nhiên, để thành công thực sự, các địa phương cần những người làm việc mang nguyên tắc thực thi và hiệu quả, có nhiệm vụ và sứ mệnh rõ ràng, có đủ nguồn lực và cơ chế để có thể vận hành một cách tốt nhất công việc được giao.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay, mỗi địa phương đều phải cạnh tranh với các địa phương khác nhằm thu hút nguồn nhân lực, du khách và đầu tư, thậm chí cả sự tôn trọng và quan tâm của mọi người. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu địa phương hiệu quả, mỗi địa phương cần phát triển một chiến lược thương hiệu mạnh mẽ, xác định rõ các giá trị độc đáo và sự khác biệt của mình, trong đó một số yếu tố nền tảng cần được chú trọng, như: Xác định tầm nhìn chiến lược chung; có một chính sách minh bạch, rõ ràng; định vị được những giá trị đặc trưng và không trùng lặp với các địa phương khác; phát triển hình ảnh và bản sắc nhất quán...
Do đó, TS Nguyễn Thành Trung cho biết anh hy vọng cuốn sách này sẽ là tài liệu tham khảo thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương và các cán bộ giảng dạy trong các trường học.
"Xây dựng thương hiệu địa phương phải phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của người dân địa phương. Nội dung xây dựng thương hiệu địa phương phải từ cơ sở, từ người dân để chỉ ra những ước mơ và kỳ vọng của toàn dân về tương lai, về hình ảnh, về thương hiệu địa phương với tầm nhìn 50 năm hoặc 100 năm tới. Nhưng trên hết cả, xây dựng thương hiệu địa phương mục tiêu cuối cùng là đạt được các lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người dân chính địa phương đó”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho hay.