Ra mắt sách 'Sự giàu và nghèo của các dân tộc': Khi văn hóa là nền tảng của thịnh vượng
(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi quốc gia đều có một lịch sử riêng, văn hóa riêng, và đi kèm với một sự phát triển nhất định. Nhưng trong số đó có những nước rất giàu trong khi có những nước rất nghèo. Vậy lý do gì tạo nên điều đó? Câu hỏi ấy được đặt ra trong cuốn sách “Sự giàu và nghèo của các dân tộc"
Dày gần 900 trang, lượng thông tin đồ sộ trong cuốn sách lại được trình bày dễ hiểu trong 29 chương, mở rộng từ sự bất bình đẳng của tự nhiên (địa lý) đến sự phát triển theo thời gian của mỗi khu vực trên thế giới. Ở đó, người đọc sẽ có dịp tìm hiểu và so sánh sự phát triển của châu Âu và Trung Quốc; sự bức phá rồi thụt lùi của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; sự nổi lên của Anh, sự học hỏi của Nhật Bản, sự vươn lên của Bắc Mỹ và thụt hậu của Nam Mỹ... và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, điều tạo nên sự bức phá về kinh tế trên toàn cầu.
Từ tiền đề về nhu cầu công nghiệp hóa, Davis S. Landes đi sâu và lý giải nền tảng cho quá trình thực hiện cách mạng công nghiệp ở mỗi quốc gia với một cách tiếp cận thú vị. Ở góc nhìn ấy, tài nguyên thiên nhiên (gồm cả cảnh quan, nguồn nước, đất đai, khoáng chất, khí hậu) quan trọng nhưng không đủ, vị trí địa lý cũng không phải là định mệnh. Điều quan trọng nhất để làm nên cuộc cách mạng công nghiệp ở từng quốc gia luôn phụ thuộc vào nền văn hóa là nền tảng cho xã hội và những giá trị được bảo tồn trong xã hội đó. Sự thịnh vượng mà thiếu đi những đặc điểm văn hóa phù hợp, chưa bao giờ ổn định và bền vững.
- Hội sách trực tuyến quốc gia thêm hàng ngàn đầu sách mới trước ngày kết thúc
- Cuốn sách mới nhất về 11 dân tộc lâu đời ở Tây Nguyên
- Tác giả Italy ra mắt cuốn sách mới về ẩm thực Việt Nam
- Sách mới của tác giả 'Giết con chim nhại' gây phản ứng trái chiều
Bởi thế, đọc sách, độc giả sẽ được lý giải vì sao ngành công nghiệp Trung Hoa đã có trước châu Âu từ lâu (điển hình là những chiếc máy kéo sợi gai dầu chạy bằng nước từ thế kỷ 12 hay kĩ thuật nấu chảy sắt vào cuối thể kỷ 11) nhưng cuộc cách mạng công nghiệp ấy chưa bao giờ được “bùng nổ” như ở châu Âu. Hoặc vì sao, cuộc cách mạng công nghiệp lại diễn ra ở Anh – một quốc gia ít bị ràng buộc tôn giáo nhờ kết quả của tiếp nhận dòng người từ lục địa châu Âu, chẳng hạn như tá điền từ Hà Lan, thương nhân người Do Thái, thợ thủ công từ Pháp. Rồi, vì sao đế quốc Ban Nha và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong hoạt động thương mại dọc bờ biển châu Phi và Ấn Độ vào thế kỷ 15 nhưng lại sớm suy tàn, khi Tây Ban Nha chủ yếu đầu tư vào cuộc sống xa xỉ và chiến tranh; còn Bồ Đào Nha lại gắn với các cuộc tàn sát người Do Thái...
Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1998, với tựa sách được phỏng theo cuốn “Sự thịnh vượng của các quốc gia” của Adam Smith (1776). Và Landes cho rằng cần phải nhìn vào sự giàu có cũng như sự nghèo nàn ở mỗi quốc gia, vì thất bại cũng là một người thầy tốt....
Sơn Tùng