Quảng Bình: Khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài
Ngày 3/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn có thể kéo dài trong những ngày tới.
Quảng Bình vừa trải qua đợt mưa, lũ lớn do ảnh hưởng của bão số 6 và hoàn lưu sau bão. Một số địa phương vẫn còn ngập úng, đất ở nhiều khu vực đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa; một vài nơi đã xảy ra sạt trượt. Để chủ động ứng phó với mưa lớn có thể kéo dài trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các công điện chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung; tiếp tục ứng phó và tập trung khắc phục hậu quả bão số 6, mưa lũ.
Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Các bên liên quan rà soát kỹ khu vực xung quanh trụ sở, trạm, chốt, lán trại, trường hợp cần thiết tạm thời di dời cán bộ, chiến sỹ, người lao động tránh xa khu vực nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và đảm bảo an toàn.
Các huyện, thành phố, thị xã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để ứng phó kịp thời. Cùng với đó là chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ cao, như: Đồi Phòng không xã Đức Hóa, sạt lở ở thôn 8 thị trấn Quy Đạt, thôn Rục xã Hồng Hóa, bản Tân Ly, xã Lâm Thủy…, khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên ngập lụt sâu; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng, bè nuôi thủy sản khi mưa lũ xảy ra. Các địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm; không để người dân vớt củi trên sông, suối khi có mưa lũ; nắm thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ xảy ra.
Các địa phương và đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, thông báo tình hình diễn biến thời tiết, gió mạnh trên biển cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng; đảm bảo điều tiết hồ chứa, sẵn sàng ứng phó mưa lớn, vận hành điều tiết và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; kiểm tra việc đảm bảo an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản…
Địa phương khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, pin dự phòng…; kê cao, di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn để tránh ngập lụt; tuyệt đối không chủ quan khi di chuyển và thực hiện tốt các biện pháp ứng phó trong mưa lũ, đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ nhỏ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, các Sở Giao thông, Điện lực, Công Thương, Giáo dục và UBND các huyện, thành phố, thị xã… theo dõi tình hình mưa, lũ để chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn về người và tài sản...