Phở Việt còn thiếu gì để thành... di sản?
(Thethaovanhoa.vn) - Đưa Phở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia, thậm chí từng bước lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh di sản này ở cấp thế giới – đó là câu chuyện đang được nhiều người nhắc đến.
Ý tưởng này thật ra không mới, khi nó từng vài lần được đề xuất trong quá khứ. Để rồi, thời gian qua, với phở Việt Nam để lại ấn tượng đặc biệt với bạn bè ở Hội nghị thượng định Mỹ - Triều, cũng như hình ảnh từng đoàn khách Nhật Bản xếp hàng chờ thưởng thức tại quán Phở Thìn mới khai trương ở Tokyo, chuyện vinh danh phở Việt lại được “hâm nóng” trở lại.
“Quốc hồn quốc túy”
“Đó là một ý tưởng hấp dẫn” - PGS Trần Mạnh Đạt (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ẩm thực UNESCO, thuộc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa ( TTXVN). Ông Đạt chính là một trong những chuyên gia nhiều năm say mê và nghiên cứu về phở Việt.
Như phân tích của ông, phở chính là một món ăn mang tính định danh cho người Việt, khi nó có thể xuất hiện từ cửa hàng bình dân vỉa hè cho tới những bữa quốc yến chiêu đãi nguyên thủ quốc gia.
“Ngày nay ở đâu có người Việt là ở đó có phở. Ai cũng có thể ăn nó, coi rằng đó là việc điều đương nhiên như không khí để thở. Bạn bè quốc tế tới Hà Nội gặp tôi, họ bảo chưa ăn phở, thì coi như chưa đến Việt Nam” - ông nói thêm, “Thậm chí, có những nơi không có người Việt nhưng những người chủ hàng bản địa cũng sang đây học cách làm phở để đem về kinh doanh trên đất nước họ.”
Xa hơn, theo lời ông, phở còn gắn với một loạt giá trị văn hóa đặc biệt đi kèm. Trong đó, chỉ riêng bản thân nguồn gốc của phở cũng đã cho thấy những đặc điểm về sư hội nhập của Việt Nam với dòng chảy văn hóa thế giới.
“Có nhiều tranh cãi về xuất xứ của phở. Nhưng tựu trung, có thể quy về 2 khuynh hướng của Trần Quốc Vượng và nhà văn hóa Nguyễn Đình Rao” - ông Đạt nói - “ Một người cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc qua các món Ngưu nhục phấn (mì bò) và Kê nhục phấn (mì gà) mà những người Hoa mang đến Việt Nam. Một người thì tin là phở có nguồn gốc từ Pháp, qua món Pot-au-feu (một loại thịt bò hầm) du nhập từ quốc gia này.
Thực tế, khi nói về món “quốc hồn quốc túy” này, nhiều chuyên gia cũng đều đồng ý: Phở Việt hoàn toàn có thể trở thành một di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, trên lý thuyết, để được công nhận, món ăn này cần được kiểm kê, hệ thống hóa về tư liệu và hiện trạng, sau đó lập hồ sơ đề xuất đưa vào hạng mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia trước khi nghĩ tới những cái đích xa hơn.
Thậm chí, dù chưa nghĩ tới chuyện lập hồ sơ, nhưng theo ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội), việc tổ chức một “Liên hoan phở” tại Hà Nội để cộng đồng cùng tìm hiểu, tôn vinh và thưởng thức món ăn này cũng là việc hoàn toàn có thể.
Nên “chuẩn hóa” trước khi vinh danh
Dù vậy, vẫn theo PGS Trần Mạnh Đạt, việc lập hồ sơ vinh danh phở Việt không đơn giản. Trong đó, khó khăn lớn nhất nằm ở việc thẩm định một món ăn đang bị lai tạp và biến đổi khá nhiều. Mà đây lại là khâu đầu tiên để các nhà khoa học có căn cứ để đưa ra đề xuất tôn vinh làm Di sản văn hóa cấp Quốc gia (chứ chưa nói tới cấp Quốc tế).
“Phở phần nhiều không giữ được đặc trưng của phở gốc từ phở bò truyền thống, nhiều loại phở đã xuất hiện như: Phở gà, phở chay, phở cuốn, phở xào, phở ăn liền để đáp ứng mọi nhu cầu của thực khách. Rồi, phải kể đến những thứ gọi là “phở” ở nước ngoài” - ông nói - “Chúng ta vội vinh danh mà chưa tìm hiểu kĩ về sự lai tạp ấy là rất nguy hiểm. Đơn cử, người nước ngoài có thể ăn những món hoàn toàn xa lạ dưới cái mác “di sản Việt” và ngộ nhận về giá trị của nó.”
Theo lời ông Đạt, điều quan trọng trước tiên là việc giới nghiên cứu cần tìm một cách định nghĩa đầy đủ và chuẩn xác nhất về từ “phở Việt” trong Từ điển tiếng Việt - khi mà hầu hết từ điển hiện tại còn ghi lại rất chung chung về món ăn này.
Tiếp đó,các biện pháp để bảo vệ và xác định rõ “tiêu chuẩn chất lượng” của phở cũng cần được đưa ra.“Ta có thể tính tới một giải pháp đơn giản và khả thi là giải pháp bát tiêu chuẩn. Hiện nay nhiều nước trên thế giới rất chú trọng bảo vệ thương hiệu các sản phẩm của dân tộc họ.Các món như Kim chi của Hàn quốc hay món Sushi của Nhật bản khi được bán trong những nhà hàng, người ta thường có những bát mẫu tiêu chuẩn trưng bày để người ăn đối chiếu” - ông nói thêm - “Còn chúng ta chưa có gì để khách đối chiếu: Đây là phở Việt chứ không phải món ăn giống phở. Bởi vì ngoài các yếu tố nguyên liệu ra, còn có yếu tố nghệ thuật chế biến và bí quyết riêng của mỗi nhà hàng, mỗi gia tộc”.
“Để phở Việt trở thành di sản cấp Quốc gia và xa hơn, đó không chỉ là câu chuyện của giới nghiên cứu hay các nhà quản lý. Chúng ta cần sự đồng thuận và góp sức từ các nhà hàng, các nghệ nhân” - PGS Đạt kết luận - “Vì chính họ hằng ngày vẫn mang đến cho thực khách những bát phở , cũng như cố gắng duy trì chất lượng và thương hiệu của món ăn này”.
Nguyễn Thành