'Phi vụ thế kỷ 2' và 'Siêu trộm': Sự giống nhau đến từ 'công thức chung'
(Thethaovanhoa.vn) - Phim Phi vụ thế kỷ 2 (ĐD: Jon M. Chu) - bom tấn Hollywood, đang chiếu tại Việt Nam từ ngày 10/6 có cái tứ kịch bản khá giống với Siêu trộm (ĐD: Hàm Trần) của Việt Nam, công chiếu hồi 4/2/2016. Nếu bỏ qua các tình tiết, hành động bề ngoài của câu chuyện, hẳn nhiều khán giả sẽ bất ngờ khi thấy sự giống nhau đến kỳ lạ này.
Cả hai phim đều dùng các thủ thuật “hình nhân thế mạng” để đánh lừa khán giả về nhân vật đinh trong đường dây tội ác. Nếu Siêu trộm là một chàng trai trẻ, thì Phi vụ thế kỷ 2 là một ông già, cả hai ẩn phía sau (và muốn đứng bên ngoài xã hội) để điều khiển những tội ác bằng nhiều chất xám, phương tiện kỹ thuật tiên tiến...Việc cấu thành các vụ án cũng có nhiều điểm tương đồng, đều là một bí mật công nghệ cao, ai nắm giữ sẽ khuynh loát thế giới. Cả hai phim cũng chọn việc lật giở cái kết khá giống nhau, nơi nhóm hành động tội phạm ban đầu được thoát nạn và trắng án một cách bất ngờ, thuyết phục.
Rất khó để xác định hai kịch bản này cái nào viết trước, cái nào viết sau, hoặc giữa các ê-kíp có làm chung với nhau để bị ảnh hưởng vô tình hay không.
Năm 2013, Phi vụ thế kỷ (ĐD: Louis Leterrier) ra mắt phần đầu tiên, trở thành phim hấp dẫn trên toàn thế giới. Còn đạo diễn Hàm Trần thì học phim ảnh và làm phim ở Mỹ nhiều năm trước khi về Việt Nam. Hoàn toàn có thể khẳng định Siêu trộm được làm theo cách thức và tư duy của phim hình sự - hành động Hollywood.
Tuy nhiên, mục đích của bài này không phải chứng minh kịch bản nào viết trước, hoặc phim nào “đạo” phim nào, mà chỉ đưa ra sự trùng hợp kỳ lạ, đôi khi lại thú vị cho những ai xem phim thích sự so sánh.
Cảnh trong phim "Siêu trộm"
Điều này làm chúng ta liên tưởng đến sự giống nhau kỳ lạ giữa Giao lộ định mệnh (ĐD: Victor Vũ) với Shattered (ĐD: Wolfgang Petersen), mà dư luận từng xôn xao rất nhiều. Nó cũng gián tiếp cắt nghĩa vì sao nhà sản xuất phim Shattered im lặng trước các câu hỏi của báo giới về chuyện quy kết việc “đạo phim” đối với Giao lộ định mệnh.
Theo nhiều chia sẻ của giới làm phim Việt kiều Mỹ, thì để cho công việc sản xuất và phát hành được trơn tru, giới làm phim cung ứng cho thị trường tại Hollywood (Mỹ) thường có một số công thức chung cho từng thể loại. Nếu chấp nhận với cách nhìn này thì Siêu trộm và Phi vụ thế kỷ 2 đã được làm với một công thức chung, nên có sự giống nhau về ý tưởng kịch bản, về không khí câu chuyện, về cách chọn cái kết.
Dov Simens (từng được bầu chọn là giảng viên điện ảnh số 1 của Mỹ) và Pilar Alessandra (nhà biên kịch danh giá của Hollywood) khi đến Việt Nam giảng dạy điện ảnh cũng chỉ ra các công thức chung trong việc triển khai kịch bản, kể chuyện và tìm kiếm cái kết.
Thậm chí Dov Simens còn khẳng định chẳng có ý tưởng nào mới, công thức làm phim thì đã vậy, việc còn lại là xây dựng các tình tiết, các chi tiết riêng mà thôi. Siêu trộm và Phi vụ thế kỷ 2 có ý tưởng kịch bản giống nhau, nhưng thân phận nhân vật, tình tiết câu chuyện lại khác nhau, vậy là hai phim khác nhau. “Khán giả cần xem bộ phim hoàn chỉnh của bạn, chứ không phải đến rạp để đọc ý tưởng ban đầu, hoặc nghe tóm tắt kịch bản sơ bộ” - Dov Simens nói.
Điều vừa nói ở trên cũng giống như khi bộ phim hình sự, trinh thám Vô gian đạo (đúng chữ là “Vô gián đạo”, ĐD: Lưu Vĩ Cường - Mạch Triệu Huy) của Hong Kong phát hành năm 2002 đã tạo nên làn sóng “đạo” phim này.
Nói là “đạo”, chứ thật ra nó tạo ra một ảnh hưởng, một công thức để Trung Quốc, châu Á, rồi thế giới làm theo. Năm 2006, đạo diễn bậc thầy Martin Scorsese đã thành công vang dội với The Departed, nhiều phê bình đánh giá đây là tuyệt phẩm, nhưng thực chất, nó được làm lại từ kịch bản Vô gian đạo.
Với cốt truyện chặt chẽ, sự đối đầu gay cấn, một cái kết bất ngờ, có thể nói Siêu trộm và Phi vụ thế kỷ 2 cũng được làm theo công thức của Vô gian đạo, có khác chăng, họ chưa công khai nói rõ như Martin Scorsese mà thôi.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa