Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới (kỳ 2 & hết): Tiềm năng từ hợp tác công - tư
Thực tế, sự vận hành của thị trường văn hóa ở Việt Nam hiện nay đã cho sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, bên cạnh vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước. Và không thể phủ nhận, sự tham gia của khu vực này thường mang đến những đổi mới và sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Theo nhiều chuyên gia, sự hợp tác này là mô hình đầy tiềm năng cho sự phát triển của thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Từ những kết quả đã có…
Hiểu một cách cơ bản, theo TS Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa là quá trình trao đổi, chia sẻ, đóng góp về ý tưởng và nguồn lực giữa khu vực công (Nhà nước) và khu vực tư (doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, đối tác ở trong và ngoài nước) để cùng sáng tạo, sản xuất, kinh doanh và phân phối các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thụ hưởng văn hóa ngày càng đa dạng.
Trong thực tế, mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Điển hình, có thể kể tới sự kiện gây chú ý vào năm 2023: Một nhà sưu tầm cổ vật của Việt Nam đưa được ấn vàng Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn về nước thông qua mua trực tiếp từ người bán ở nước ngoài, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước.
Ở một ví dụ khác, những kết quả đạt được về hợp tác công - tư trong lĩnh vực điện ảnh đang ngày càng khởi sắc. Theo đó, từ khi được ban hành, Luật Điện ảnh ban hành đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động điện ảnh, phát huy hiệu quả của chính sách xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 204 rạp/cụm rạp với số lượng khoảng 1.050 phòng chiếu phim, số lượng ghế ngồi khoảng 148.500 ghế. Trong đó, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế Nhà nước chiếm 20%, thành phần tư nhân chiếm 80%.
Xa hơn, ngoài việc đầu tư xây dựng các cụm rạp chiếu phim, các hãng phim tư nhân còn phối hợp tích cực với các cơ sở điện ảnh Nhà nước để cùng sản xuất, cho ra đời các bộ phim hay, hấp dẫn. Đơn cử, năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim đầu tiên của mô hình Nhà nước (Cục Điện ảnh làm chủ đầu tư) và tư nhân (Galaxy Studio, Phương Nam Film và Saigon Concert) bắt tay sản xuất, hình thành một xu hướng mới cho điện ảnh nước nhà, góp phần dung hòa yếu tố nghệ thuật và thương mại cho tác phẩm điện ảnh.
Rồi, gần đây, nhiều bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa đã thay đổi cách vận hành, tiếp cận với công chúng để hoạt động có hiệu quả hơn và đạt được những lợi ích đáng kể về kinh tế. Chẳng hạn, bằng việc kết hợp với các doanh nghiệp du lịch, truyền thông, Ban quản lý các di tích, bảo tàng ở Hà Nội đã giới thiệu các sản phẩm du lịch mới thu hút khách tham quan như các tour đêm Đêm thiêng liêng của Nhà tù Hỏa Lò, Tinh hoa đạo học của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Chữ tâm - chữ tài của Bảo tàng Văn học Việt Nam…
Nhờ có sự chung tay đầu tư nguồn lực về nhân sự, tài chính và sức sáng tạo không giới hạn của các đơn vị tư nhân, nhiều điểm di tích, bảo tàng sau một thời gian dài khó khăn đã chuyển mình, phát huy tiềm năng và đóng góp không nhỏ giúp thị trường văn hóa ngày càng trở nên sôi động.
Nhìn chung, theo ThS Lê Hồng Thanh (Đại học Văn hóa Hà Nội), việc áp dụng mô hình hợp tác công - tư sẽ mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực văn hóa cũng như thị trường văn hóa Việt Nam. Trước hết, đó là việc tăng cường nguồn lực tài chính- khi ngân sách Nhà nước có hạn, còn khu vực tư nhân lại có khả năng cung cấp vốn lớn hơn cho các dự án văn hóa thông qua đầu tư trực tiếp và các hình thức tài trợ, từ đó giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.
Thêm nữa, sự hợp tác này còn giúp tối ưu khả năng sáng tạo, bởi khu vực tư nhân thường có khả năng linh hoạt và sáng tạo hơn trong quy trình sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa, bao gồm nghệ thuật, giải trí và truyền thông. Và, việc hợp tác với khu vực công sẽ kết hợp giữa sự sáng tạo của doanh nghiệp và các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn hơn.
Mặt khác, hợp tác công - tư còn giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững, khi tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phát triển văn hóa, nghệ thuật, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng và tạo ra ý thức trách nhiệm về văn hóa dân tộc.
Thống kê tại các cụp rạp chiếu phim vào cuối 2019 cho thấy số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế Nhà nước chiếm 20%, thành phần tư nhân chiếm 80%.
Từng bước tháo gỡ bất cập
Những lợi ích mà mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có một bất cập đáng kể hiện nay đó là lĩnh vực văn hóa chưa được quy định áp dụng phương thức PPP theo luật.
Cụ thể, năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội thông qua. Luật quy định các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; Y tế, giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.
Và như thế, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa xem xét đưa văn hóa thành lĩnh vực được đầu tư theo mô hình đối tác công - tư. Theo nhiều chuyên gia, đây là một thiếu sót lớn.
Cụ thể, theo ThS Lê Hồng Thanh, tại Việt Nam, huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Khi nguồn lực Nhà nước dù lớn nhưng vẫn có hạn, nguồn lực xã hội phải được xem là nguồn lực bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, việc chưa có quy định về đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa dẫn tới một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển thị trường văn hóa.
"Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, do đó Nhà nước sẽ dành ra một khoản ngân sách đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng chi đầu tư", bà Thanh nói.
Và chuyên gia này đặt vấn đề: "Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực rất rộng nên nhu cầu vốn cũng rất lớn. Dù kinh phí Nhà nước có nhiều đến đâu cũng khó có thể đáp ứng được hết nhu cầu của ngành văn hóa, chưa kể ngân sách Nhà nước còn nhiều ưu tiên khác về y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng…".
Nhận thấy những bất cập khi không có quy định pháp luật để có thể huy động nguồn lực lớn trong hợp tác công - tư nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật, thực tế thời gian gần đây Quốc hội đã đặt ra việc bổ sung, sửa đổi một số luật có liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Đơn cử, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định mới nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có quy định về phương thức PPP. Cụ thể, nội dung về hợp tác PPP được đưa vào Điều 100 của dự thảo Luật, quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan.
Hoặc, đối với Hà Nội, vấn đề hợp tác công - tư đã được đặt ra khi điều chỉnh Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) số 39/2024/QH15 chính thức được ban hành. Tại Điều 39 nêu rõ việc cho phép áp dụng PPP với các dự án văn hóa, thể thao để huy động nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực này.
Những chuyển biến này cho thấy những bất cập, hạn chế trong việc áp dụng mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa đang từng bước được tháo gỡ. Song về lâu dài, theo các chuyên gia để nâng cao hiệu quả của mô hình này, cần phải có sự nỗ lực từ cả 2 phía để xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, tăng cường năng lực quản lý, huy động vốn và nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Nhiều lợi ích cần được phát huy
Ngoài những lợi ích dễ thấy về tăng cường nguồn lực tài chính và thúc đẩy sáng tạo, nhà nghiên cứu Lê Hồng Thanh còn chỉ ra một loạt những lợi ích khác của mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa. Đó là việc giúp tăng cường khả năng tiếp cận và lan tỏa văn hóa; thúc đẩy sự đổi mới và phát triển ngành văn hóa; giúp nâng cao thương hiệu và giá trị văn hóa; giúp gắn kết giữa các bên liên quan…