Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới (kỳ 1): Từ những chuyển biến đến đề xuất về một "đạo luật khung"
Trong chiến lược phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay, việc phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, thị trường văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy vậy, trong bối cảnh mới việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn tồn tại những bất cập và hạn chế đáng kể.
Thực tế này được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo quốc tế Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa qua tại Hà Nội. Đây cũng là diễn đàn mở ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, giải pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Những chuyển biến tích cực…
Theo ghi nhận của các chuyên gia, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa ở nước ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Ví như, số liệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra: Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước đạt 1.059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Đáng nói, theo TS Hoàng Ngọc Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), một số lĩnh vực cụ thể của các ngành công nghiệp văn hóa đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tăng về giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, nguồn lực lao động và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động…
Đơn cử, như ngành điện ảnh đang là một trong những thị trường phát triển năng động, có doanh thu liên tục gia tăng theo năm. Cụ thể, năm 2016, doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh đạt 1.073 tỷ đồng; năm 2017, đạt 3.228 tỷ đồng; năm 2018, đạt 3.353 tỷ đồng; đến năm 2023, doanh thu đạt gần 3.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 150 triệu USD).
Đối với ngành quảng cáo, doanh thu thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,1 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, nhưng lại xếp thứ 2/11 quốc gia về độ tăng trưởng, chỉ sau Malaysia (18,9%). Năm 2023, doanh thu đạt hơn 2,2 tỷ USD và dự báo đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024.
Hoặc, đối với ngành du lịch văn hóa, theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tổng thu từ khách du lịch tăng hơn 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%; đóng góp hơn 7-8% GDP và tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm trực tiếp, 3,6 triệu việc làm gián tiếp.
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Thị Huyền (Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) nhấn mạnh, thực tế thị trường các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay có một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa đã bước vào sân chơi kinh tế thị trường và đạt được những thành công nhất định, chẳng hạn như điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, truyền thông, di sản, du lịch văn hóa…
"Thị trường văn hóa đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa như các hãng phim tư nhân, các công ty giải trí, các phòng tranh (gallery), công ty lữ hành, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa" - bà Huyền dẫn chứng - "Chỉ tính riêng trong năm 2022 đã có khoảng 70.321 cơ sở kinh tế đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu lao động".
Còn không ít những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu quan trọng, PGS-TS Trần Quang Diệu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém về phát triển văn hóa và thị trường văn hóa ở nước ta trong thời gian qua.
Theo ông Diệu, hệ thống quản lý và mô hình đầu tư chưa thực sự phù hợp với phát triển thị trường văn hóa, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào nhà nước, cách thức đầu tư chưa đổi mới; thiếu hụt và yếu kém trong kỹ năng quản lý và kỹ năng chuyên môn để phát triển thị trường văn hóa và đổi mới sáng tạo trong sản xuất các sản phẩm văn hóa; thiếu sự hợp tác hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến phát triển thị trường văn hóa.
Nhà nghiên cứu này cũng cho hay, mặc dù các doanh nghiệp văn hóa đã có những sáng kiến trong hình thành các mạng lưới phát triển thị trường văn hóa nhưng vẫn ở mức nhỏ lẻ, chưa gắn kết với các chính sách. Mặt khác, thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển; vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu tác giả còn phổ biến…
Đồng quan điểm, dưới góc độ pháp lý, theo TS Hoàng Ngọc Hải, thực tiễn xây dựng và phát triển thị trường văn hóa ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống lớn, vẫn chưa đáp ứng được với những kỳ vọng xứng tầm.
Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, việc phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở Việt Nam chưa tạo lập được cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả.
TS Hải phân tích thêm: "Do đó, các ngành công nghiệp văn hóa khó chuyển mình, đa dạng hóa và tính ứng dụng trong các sản phẩm, dịch vụ, cũng như không gian sáng tạo chưa được phát huy tốt; khiến cho thị trường văn hóa chưa có sự đột phá và khó trở thành một thị trường hiện đại, thống nhất, giàu sức cạnh tranh. Đây chính là điểm yếu cốt tử trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành kênh truyền dẫn mũi nhọn nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay".
Mặt khác, TS Hải còn nhấn mạnh thêm, việc xây dựng pháp luật và các quy định về công nghiệp văn hóa cũng như thị trường công nghiệp văn hóa còn chậm trễ. Đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được dự luật về quản lý thị trường văn hóa để giải quyết những bất cập còn tồn tại. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành về thị trường văn hóa đã bị tụt hậu, không theo kịp thực tiễn.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia khác, việc xây dựng và phát triển thị trường văn hóa Việt Nam hiện nay đang gặp phải nhiều "điểm nghẽn" khác như: Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa bước đầu được hình thành, nhưng còn chậm phát triển, quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm văn hóa ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh yếu, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước. Thị trường sản phẩm văn hóa nội địa có dấu hiệu bị các sản phẩm văn hóa nước ngoài lấn lướt, áp đảo…
Hơn nữa, một số dịch vụ văn hóa còn vi phạm pháp luật bị xử lý, như dịch vụ karaoke, vũ trường... Tình trạng vi phạm bản quyền chưa được khắc phục.
Tình trạng nhập siêu về sản phẩm văn hóa còn kéo dài. Chất lượng các sản phẩm văn hóa chưa cao nên khó hội nhập với thị trường văn hóa thế giới. Việc xuất khẩu, quảng bá các sản phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, khó định hình thương hiệu quốc gia nên sức cạnh tranh không cao, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận thị trường quốc tế…
Đề xuất về một "đạo luật khung"…
Đề cập đến những khoảng trống về mặt pháp lý liên quan đến việc xây dựng và phát triển thị trường văn hóa ở Việt Nam hiện nay, TS Hoàng Ngọc Hải đề xuất việc nghiên cứu ban hành "đạo luật khung về thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa".
Theo nhà nghiên cứu này, hiện nay một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã có nhiều cách làm mới dựa trên nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing) và dữ liệu lớn (Big Data) đã đặt nền móng cho sự phát triển và thúc đẩy thị trường sản phẩm văn hóa trong nước. Vì thế, một "đạo luật khung về thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa" ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể tham gia có môi trường công bằng, bình đẳng để hoạt động, thúc đẩy sự phát triển, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong việc tạo ra, truyền bá, trao đổi và hưởng thụ các tác phẩm sáng tạo.
Cụ thể, đạo luật khung về thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa cần đảm bảo: Tập trung quy định và đặt ra tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các tác phẩm sáng tạo và bảo đảm rằng, người tạo ra các tác phẩm sáng tạo có quyền được công nhận, hưởng lợi từ đứa con tinh thần do mình tạo ra.
Cùng với đó, đạo luật còn quy định các cơ chế, chính sách có tính đột phá khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các dự án sáng tạo mới, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Quy định rõ tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn của các sản phẩm và dịch vụ được phép lưu thông trên thị trường như điện ảnh, sách, album nhạc… Xây dựng chính sách và tiêu chuẩn để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, bao gồm các khía cạnh về môi trường và xã hội.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề xuất các giải pháp khác như: hoàn thiện chính sách, thể chế phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đầu tư thích đáng để mở rộng thị trường và khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa; tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về phát triển thị trường công nghiệp văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế; nghiên cứu xác định các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong điểm để ưu tiên, đầu tư phát triển thị trường; xây dựng quy định pháp lý về xuất - nhập khẩu văn hóa phẩm để đảm bảo sự bền vững cho an ninh văn hóa - chính trị của đất nước…
Việc xuất khẩu, quảng bá các sản phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, khó định hình thương hiệu quốc gia nên sức cạnh tranh không cao, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận thị trường quốc tế.
(Còn tiếp)