Phân tích "Tấm vải liệm Turin", các nhà khoa học có khám phá đáng kinh ngạc
Một tấm vải liệm bằng vải lanh gây tranh cãi - được một số người coi là tấm vải mà Chúa Jesus được chôn cất hay còn được biết đến là Tấm vải liệm Turin - đã khiến thế giới bối rối trong hơn nhiều thế kỷ.
Khi lần đầu tiên được trưng bày vào những năm 1350, Tấm vải liệm Turin được coi là tấm vải liệm thực sự được sử dụng để quấn cơ thể bị của Chúa Jesus sau khi Người bị đóng đinh.
Còn được gọi là Tấm vải liệm Thánh, tấm vải có hình ảnh mờ nhạt về mặt trước và mặt sau của một người đàn ông có râu, mà nhiều tín đồ cho rằng đó là cơ thể của Chúa Jesus được in một cách kỳ diệu lên tấm vải.
Nhưng nghiên cứu vào những năm 1980 dường như đã bác bỏ ý tưởng rằng tấm vải này là có thật sau khi xác định nó có niên đại từ thời Trung cổ - hàng trăm năm sau khi Chúa Jesus qua đời.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu người Italia đã sử dụng một kỹ thuật mới liên quan đến tia X để xác định niên đại của vật liệu này và đã xác nhận rằng nó được sản xuất vào khoảng thời gian Chúa Jesus sống cách đây khoảng 2.000 năm.
Họ nói rằng thực tế là các mốc thời gian cộng lại cho thấy ý tưởng rằng hình ảnh mờ nhạt, nhuốm máu của một người đàn ông với hai tay khoanh trước ngực là do thi thể của Chúa Jesus để lại.
Kinh Thánh ghi rằng Joseph of Arimathea đã quấn thi thể của Chúa Jesus trong một tấm vải liệm bằng vải lanh và đặt vào bên trong ngôi mộ.
Theo sách Phúc âm Matthew: "Sau đó, Joseph lấy thi thể và quấn trong một tấm vải lanh mới.
Ông đặt thi thể của Chúa Jesus vào một ngôi mộ mới mà ông đã đào trong một bức tường đá.
Sau đó, ông đóng ngôi mộ bằng cách lăn một tảng đá rất lớn để che lối vào. Sau khi làm xong việc này, ông rời đi".
Tấm vải liệm đã thu hút trí tưởng tượng của các nhà sử học, các nhà lãnh đạo công giáo kể từ khi nó lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng vào những năm 1350.
Hiệp sĩ người Pháp Geoffroi de Charny đã trao nó cho người đứng đầu nhà thờ ở Lirey (Pháp), tuyên bố nó là Tấm vải liệm Thánh.
Nó đã được bảo quản từ năm 1578 tại nhà nguyện hoàng gia của nhà thờ San Giovanni Battista ở Turin, Italia.
Tấm vải liệm Turin dường như cho thấy những hình ảnh mờ nhạt, màu nâu ở mặt trước và mặt sau, mô tả một người đàn ông gầy gò với đôi mắt trũng sâu, cao khoảng 1m8.
Các vết hằn trên cơ thể cũng tương ứng với vết thương đóng đinh của Chúa Jesus được đề cập trong Kinh thánh, bao gồm vết gai trên đầu, vết rách trên lưng và vết bầm tím trên vai.
Các nhà sử học cho rằng cây thánh giá mà Người mang trên vai nặng khoảng 136kg có thể để lại vết bầm tím.
Kinh Thánh ghi rằng Chúa Jesus đã bị người La Mã đánh roi và đội mão gai lên đầu Người trước khi bị đóng đinh.
Năm 1988, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân tích một mảnh nhỏ của tấm vải liệm bằng phương pháp xác định niên đại bằng cacbon và xác định rằng tấm vải dường như đã được sản xuất vào khoảng thời gian từ năm 1260 đến năm 1390 sau Công nguyên.
Kỹ thuật này sử dụng sự phân rã của một đồng vị phóng xạ của cacbon (14C) để đo thời gian và ngày tháng của các vật thể chứa vật liệu chứa cacbon.
Một số chuyên gia cho biết tính xác thực của tấm vải lanh không còn phải bàn cãi nữa, họ khẳng định nó được làm từ cây lanh trồng ở Trung Đông và có hình vương miện gai giống mũ sắt trên khuôn mặt người đàn ông.
Tuy nhiên, những người khác vẫn giữ quan điểm cho rằng tấm vải này là giả do phân tích niên đại bằng cacbon phóng xạ năm 1988 được tiến hành tại ba phòng thí nghiệm khác nhau, tất cả đều xác định nó chỉ mới 7 thế kỷ tuổi.
Đối với nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Viện Tinh thể học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italia đã tiến hành một nghiên cứu gần đây bằng cách sử dụng phương pháp tán xạ tia X góc rộng (WAXS).
Kỹ thuật này đo độ lão hóa tự nhiên của cellulose lanh và chuyển đổi nó thành thời gian kể từ khi sản xuất.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu 8 mẫu vải nhỏ từ Tấm vải liệm Turin, đưa chúng vào chụp X-quang để khám phá các chi tiết nhỏ về cấu trúc và hoa văn cellulose của vải lanh.
Cellulose được tạo thành từ các chuỗi dài các phân tử đường liên kết với nhau và bị đứt theo thời gian, cho biết thời gian tồn tại của một loại quần áo hoặc vải.
Để xác định niên đại của tấm vải liệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thông số lão hóa cụ thể, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm, khiến cellulose bị phân hủy đáng kể.
Dựa trên lượng phân hủy, nhóm nghiên cứu xác định rằng Tấm vải liệm Turin có khả năng được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và độ ẩm tương đối khoảng 55% trong khoảng 13 thế kỷ trước khi đến châu Âu.
Nếu được bảo quản trong điều kiện khác, quá trình lão hóa sẽ khác.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh quá trình phân hủy cellulose trong tấm vải liệm với các loại vải lanh khác được tìm thấy ở Israel có niên đại từ thế kỷ thứ nhất.
"Các dữ liệu hoàn toàn tương thích với các phép đo tương tự thu được trên một mẫu vải lanh có niên đại theo ghi chép lịch sử là 55-74 sau Công nguyên, được tìm thấy tại Masada (Israel. pháo đài nổi tiếng của Herod được xây dựng trên nền đá vôi nhìn ra Biển Chết)" - nghiên cứu được công bố trên tạp chí Heritage cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng đã so sánh tấm vải liệm với các mẫu vải lanh được sản xuất từ năm 1260 đến năm 1390 sau Công nguyên và thấy rằng không có mẫu nào trùng khớp.
"Để kết quả hiện tại tương thích với kết quả thử nghiệm cacbon phóng xạ năm 1988, Tấm vải liệm Turin phải được bảo quản trong suốt 7 thế kỷ giả định của nó ở nhiệt độ phòng thế tục rất gần với các giá trị tối đa được ghi nhận trên trái đất" - nghiên cứu viết.
Tác giả chính Tiến sĩ Liberato De Caro cho biết trong một tuyên bố rằng thử nghiệm năm 1988 nên được coi là không chính xác vì "các mẫu vải thường có thể bị nhiễm đủ loại chất bẩn, không thể loại bỏ hoàn toàn khỏi mẫu vật đã xác định niên đại".
Ông nói thêm: "Nếu quy trình vệ sinh mẫu không được thực hiện kỹ lưỡng, thì phương pháp xác định niên đại bằng cacbon-14 không đáng tin cậy.
Điều này có thể đã xảy ra vào năm 1988, như đã được xác nhận bởi bằng chứng thực nghiệm cho thấy khi di chuyển từ ngoại vi vào giữa tấm vải, dọc theo cạnh dài nhất, có sự gia tăng đáng kể cacbon-14".
Các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu Tấm vải liệm Turin với hy vọng giải quyết được bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ này.
Hơn 170 bài báo học thuật đã được công bố về tấm vải lanh bí ẩn kể từ những năm 1980, với nhiều bài kết luận rằng nó là hàng thật.
Các cuộc thử nghiệm vào những năm 1970 đã xem xét liệu những hình ảnh này có được tạo ra thông qua sơn, đốt cháy hay các tác nhân khác hay không, nhưng không có kết quả nào có thể được xác nhận.
Một nhóm chuyên gia khác từ Viện Tinh thể học đã công bố vào năm 2017 rằng họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tấm vải liệm có máu của một nạn nhân bị tra tấn.
Họ tuyên bố đã xác định được các chất như creatinine và ferritin thường được tìm thấy ở những bệnh nhân bị chấn thương mạnh.
Những phát hiện này được cho là mâu thuẫn với tuyên bố rằng khuôn mặt của Chúa Jesus đã được những kẻ làm giả vẽ lên vào thời trung cổ.