Vương triều pharaoh Ramses II qua triển lãm "đậm chất điện ảnh"
Mặc dù Tutankhamun có thể là pharaoh được biết đến nhiều nhất trong văn hóa đại chúng hiện đại. Nhưng không thể chối cãi, Ramses II là một trong những vị vua Ai Cập quyền lực và nổi tiếng nhất. Sự phồn thịnh của triều đại Ramses IIđang được giới thiệu tại cuộc triển lãm Ramses and Gold of the Pharaohs ở Cologne (Đức) trong khoảng thời gian từ 13/7/2024 đến 6/1/2025.
Zahi Hawass - nhà khảo cổ học nổi tiếng đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật của Ai Cập -cho biết: "Ramses là một vị vua vĩ đại, một chiến binh. Ông đã tham gia nhiều trận chiến và ký kết các hiệp ước hòa bình. Đáng nói nữa,ông là một nhà xây dựng, ở đâu bạn cũng có thể tìm thấy dấu vết các công trình từ triều đại của ông".
Triển lãm mang đậm tính giáo dục
Hawass là người phụ trách triển lãm du lịch Ramses and Gold of the Pharaohs (tạm dịch: Ramses và vàng của các Pharaoh). Trước khi đến với thành phố Cologne phía Tây nước Đức, triển lãm này đã tới các thành phố Sydney (Australia) và Paris (Pháp).
Ông nói: "Thế giới hiện đại của chúng ta khác rất nhiều so với Ai Cập cổ đại. Triển lãm này cho phép du khách đi sâu vào thế giới của Ramses và khám phá một lối sống hoàn toàn khác".
Triển lãm trưng bày 182 hiện vật vô giá bao gồm quan tài của Ramses II - một trong những quan tài hoàng gia ấn tượng nhất từ Ai Cập cổ đại từng được phát hiện - cùng các kho báu và di tích có một không hai khác. Một số trong số đó chưa bao giờ rời khỏi Ai Cập trước đây.
Trong hành trình hấp dẫn này, du khách sẽ khám phá một bộ sưu tập đồ tạo tác được bảo tồn tuyệt đẹp, bao gồm quan tài, xác ướp động vật, đồ trang sức lộng lẫy, mặt nạ hoàng gia đầy ngoạn mục, bùa hộ mệnh tinh xảo và kho báu vàng trang trí công phu của lăng mộ, thể hiện tay nghề tuyệt vời của các nghệ nhân Ai Cập cổ đại.
Triển lãm còn có trải nghiệm thực tế ảo đưa du khách vào một chuyến tham quan nhanh đến 2 di tích ấn tượng nhất của Ramses: Đền thờ Abu Simbel và lăng mộ hoàng hậu Nefertari - người vợ rất được pharaoh Ramses II sủng ái.
Trên những chiếc ghế chuyển động đậm chất điện ảnh, người xem bay qua những ngôi đền, bão cát và thậm chí được đối mặt với xác ướp của Ramses.
Trải nghiệm vừa mang tính giáo dục vừa mang lại niềm vui. Ramses & the Gold of the Pharaohs mang đến cho du khách cái nhìn cận cảnh về cuộc đời, thành tựu và những tượng đài tuyệt đẹp của Ramses Đại đế.
Một chiến binh và nhà xây dựng đầy tham vọng
Trong gần 67 năm, Ramses II (1279 đến 1213 trước Công nguyên) đã cai trị đế chế trên sông Nile. Vào đầu triều đại của mình, giống như cha ông là Seti I trước đó, ông phải tự vệ trước các bộ lạc Libya ở phía Tây Bắc và chống lại đế chế Hittite hùng mạnh, bao phủ gần như diện tích Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Lebanon ngày nay.
Ramses II bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật chiến tranh khi còn nhỏ và cùng với cha mình, tham gia trận chiến chống lại các dân tộc lân cận với tư cách là một cung thủ trên xe ngựa. Ông lên ngôi pharaoh khi mới 25 tuổi.
Khi lên ngôi mới được 5 năm (1275 TCN), Ramesses II nảy ra ý định đánh chiếm thành Kadesh của người Hittites với 20 nghìn quân được hộ tống bởi 2.000 xe ngựa. Đó có thể là đội quân lớn nhất mà một pharaoh từng tập hợp nhưng ông đã suýt thua vua Muwatalli II (Muwatallis) có đến 40 nghìn quân đang mai phục chờ đợi.
Toán quân trinh thám của Ramses đã không hoàn thành nhiệm vụ và truyền tin về là quân Hittite đang ở rất xa. Nhưng thực tế là họ đang mai phục. Hậu quả: Đoàn chiến xa của ông bị đánh úp. Nhưng đến phút chót, viện quân Ai Cập tràn tới. Vua Muwatalli II bất lực nhìn đoàn quân hùng hậu của mình tháo chạy trước vị pharaoh trẻ tuổi Ramses II. Quân Hittite sợ hãi nhảy xuống sông chạy trốn.
Sau khi điểm lại quân số, 2 bên mới biết không ai đẩy lùi được ai trên thực địa. Dù vậy, Ramses II đã tuyên bố thắng trận và trở về quê hương. Để thể hiện sức mạnh chiến thắng đó, ông điều động tất cả các công nhân điêu khắc tại mọi đền đài của các pharaoh trước trên khắp đất nước Ai Cập các lời ca tụng về mình.
Tuy nhiên, Ramses không chỉ là bậc thầy về việc tự đề cao bản thân mà còn là một nhà đàm phán đầy chiến lược. 16 năm sau, ông đã đàm phán được hiệp ước hòa bình đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử thế giới với người Hittite. Từng là 2 đối thủ nhưng sau đàm phán hiệp ước hòa bình ấy, 2 bên quy định không xâm phạm lẫn nhau, cùng chống kẻ thù chung, trao trả các tù binh nô lệ cho nhau và thậm chí còn ký một hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau. Một bản sao của hiệp ước này hiện đang được trưng bày tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.
Nhờ liên minh đó, Ai Cập đã có thể tập trung vào phát triển kinh tế và văn hóa - và Ramses II đã có thể cống hiến hết mình cho các dự án xây dựng đầy tham vọng. Có lẽ không có pharaoh nào khác chịu trách nhiệm cho nhiều công trình xây dựng mới như vậy, bao gồm cả thủ đô mới: Pi-Ramesses (Nhà của Ramses);
Cung điện chôn cất khổng lồ của ông, Ramesseum ở Tây Thebes, gần thành phố Luxor hiện đại; một thư viện với hơn 10.000 cuộn giấy cói. Ông cũng đã làm cho mình thành bất tử với bức tượng đá khổng lồ nặng 1.000 tấn và cao 17m.
Những công trình nổi tiếng nhất của Ramses bao gồm các ngôi đền Karnak - được xem là linh địa mà thần Amun, vị thần vĩ đại và được tôn kính nhất ra đời - đền Luxor và Abu Simbel được tạc vào đá.
Hầu như đô thị Ai Cập nào cũng được Ramesses II xây dựng thêm thật nhiều đền đài. Ông được tôn vinh nhờ những công trình kiến trúc hoành tráng và nhanh chóng được biết đến với biệt danh "Ramses Đại đế".
Ramses II là pharaoh cai trị lâu dài thứ 2 của Ai Cập cổ đại sau vua Pepi II của Vương triều thứ 6. Ông cũng là một trong những vị pharaoh hùng mạnh cuối cùng của Ai Cập cổ.
Ông kết hôn với 8 người phụ nữ và sinh được khoảng 100 người con. Triều đại 66 năm của ông trong triều đại thứ 19 được coi là đỉnh cao của vinh quang và quyền lực của đế chế.
Xác ướp của Ramses mới "xuất ngoại" một lần
Ramses II bước vào cõi chết vào năm 1213 trước Công nguyên, ở tuổi 90.
Xác ướp của ông được bảo tồn cho đến ngày nay và chỉ rời khỏi Ai Cập một lần. Đó là vào năm 1976, hài cốt của Ramses II được đưa sang Paris để bảo quản vì có nguy cơ bị hư hỏng. Xác ướp được đón tiếp như một vị khách cấp cao của Nhà nước, với những tràng súng nổ vang trời để chào đón ông.
Ngày nay, xác ướp của Ramses II nằm trong Bảo tàng Quốc gia về Văn minh Ai Cập ở thủ đô Cairo của Ai Cập.