Phân tích: 'Ân sư' Tuchel đã thắng 'cao đồ' Nagelsmann như thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Điều chỉnh về chiến thuật cũng như cách tiếp cận trận đấu là những nước cờ khôn ngoan giúp Thomas Tuchel giành chiến thắng trong cuộc chiến tay đôi với Julian Nagelsmann để giúp PSG giành vé vào chung kết Champions League.
1. Trước khi trận Leipzig vs PSG diễn ra, người ta nói nhiều về cuộc chiến tay đôi giữa Thomas Tuchel và Julian Nagelsmann. Họ là 2 trong 3 HLV người Đức lọt tới bán kết Champions League mùa này. Đáng nói hơn, khi còn là cầu thủ, Nagelsmann thậm chí còn là học trò của chính Tuchel. Bởi thế, trận bán kết Champions League còn được gọi là cuộc chiến giữa “ân sư” và “cao đồ”.
Sau khi giúp Leipzig loại Atletico Madrid ở tứ kết, Nagelsmann xứng đáng được gọi là “cao đồ”. Một HLV mới 33 tuổi nhưng những gì ông làm ở đấu trường danh giá nhất châu lục xứng đáng là kì tích, khiến không ai có thể xem thường cá nhân Nagelsmann cũng như tập thể Leigzig. Rất nhiều đã tin rằng, sẽ có một cuộc chiến kịch tính, căng thẳng trên băng ghế huấn luyện tại Da Luz.
Nhưng sự kì vọng ấy không đến. Một trận đấu mà PSG đã áp đảo hoàn toàn trước Leipzig. Những ngôi sao của đội bóng nước Pháp chơi trên sân so với đối thủ. Họ có 3 bàn thắng kèm theo rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Nói một cách khác, PSG đã cho thấy họ xứng đáng chiến thắng, xứng đáng có được tấm vé vào chơi trận chung kết Champions League 2020.
2. Để có được chiến thắng dễ dàng này, công đầu phải nằm ở tài điều quân khiển tướng của Tuchel. Trong cuộc chiến với “cao đồ” Nagelsmann, vị “ân sư” này đã thể hiện được tài năng cũng như kinh nghiệm của một trong những chiến lược gia hàng đầu châu Âu ở thời điểm hiện tại.
Nếu Leipzig vẫn duy trì một lối chơi xuyên suốt từ đầu giải, với thể lực dường như vô tận của các học trò để chơi áp sát, gây áp lực lên đối phương và khiến họ phạm sai lầm thì PSG lại chơi khôn ngoan hơn và tỏ ra rõ ràng trong mọi ý tưởng chiến thuật mà Tuchel áp dụng.
Đầu tiên phải kể đến việc sử dụng Marquinhos, Herrera và Paredes chơi như những “công nhân” dọn dẹp ở khu trung tuyến. Paredes đá thấp nhất với vai trò bịt ngòi nổ Sabitzer trong khi Herrera và Marquinhos dàn sang hai hướng, vừa giúp hỗ trợ các tiền vệ tấn công dâng cao, vừa thu hồi bóng và phòng ngự khi cần thiết. Sự đơn giản trong lối chơi giúp họ giảm tối đa áp lực từ những đợt lên bóng của Leipzig.
Quyết định được cho là khôn ngoan nhất của Tuchel đó là việc không sử dụng Icardi đá trung phong. Thay vào đó, ông để bộ ba Mbappe, Neymar và Di Maria di chuyển rộng, liên tục hoán đổi vị trí cho nhau. Ý đồ này đã hiệu quả khi khiến trung vệ hay nhất của đội bóng nước Đức là Upamecano không còn là chính mình. Upamecano rất mạnh trong những cuộc chiến tay đôi, điều đó đã chứng tỏ qua cách ăn khóa được Diego Costa của Atletico. Nhưng ngược lại, anh lại không tốt trong những tình huống khu vực. Khi không còn mục tiêu để bắt kiểu “một chọi một”, Upamecano rơi vào trạng thái mất phương hướng và không còn là chính mình.
3. Rõ ràng, Tuchel đã nghiên cứu rất kĩ lối chơi cũng như cách sử dụng con người của “cao đồ” Nagelsmann. Qua đó, ông có những điều chỉnh mang tính cách mạng để giúp PSG tiếp cận trận đấu tốt hơn.
Bên cạnh đó, trận đấu chật vật trước Atalanta ở tứ kết là một bài học quan trọng để Tuchel nhắc nhở các học trò của mình không được phép chủ quan dù cho đối thủ có bị đánh giá thấp hơn mình thế nào.
Sự thay đổi về tư duy cho đến những điều chỉnh về lối chơi để phù hợp với từng đối thủ là điều mà Tuchel chắc chắn đã quán triệt với các học trò. Khi PSG đã “biết người, biết ta”, cũng là lúc họ hoàn toàn có thể mơ về chức vô địch châu Âu trong mùa bóng này.
T.Giáp