PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Cần ứng xử văn hóa với cầu Long Biên
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2010-2011 khi có những cuộc tọa đàm, hội thảo về cầu Long Biên, rất nhiều ý kiến của chuyên gia đã đề cập đến giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu này và nhấn mạnh phải bảo tồn tính nguyên dạng của nó. Tuy nhiên, số phận của cầu Long Biên vẫn chưa được định đoạt, nhất là khi cả 3 phương án hiện tại của Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến bộ ngành đều nghiêng về phương án làm mới cầu. Nhiều chuyên gia đã không ngần ngại khẳng định “làm thế là phá cầu”.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái
Một phần tâm thức của người Hà Nội
* Hà Nội sẽ như thế nào nếu mất đi cầu Long Biên, thưa bà?
- Khi tôi về Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1957 để đi học lớp 1, việc đầu tiên của tôi là đi qua cầu Long Biên. Cô bé con trong tôi lúc đó đã vô cùng choáng ngợp trước một cây cầu vừa dài, vừa rộng. Với tôi cầu Long Biên lúc đó là một cây cầu đẹp nhất thế giới. Nếu cầu Long Biên mất đi, không chỉ tôi mà rất nhiều người khác sẽ mất đi một trời kỷ niệm, ký ức sẽ bị đứt gãy. Hãy để cầu Long Biên ở đấy, giữ cho Hà Nội một di tích lịch sử, văn hóa, và giữ cho người Hà Nội một mảng đời sống tinh thần. Với cả tư cách cá nhân, tư cách nhà nghiên cứu, tôi mong cây cầu được giữ nguyên vẹn. Đừng chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà lãng quên quá khứ, cắt đứt với quá khứ.
* Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, bà có thể cho biết cầu Long Biên còn những giá trị nào khác, khiến rất nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, và đông đảo người dân muốn bảo tồn cây cầu như nó vốn có?
- Cây cầu này mang trong mình giá trị của một sản phẩm văn hóa, bao gồm cả về vật chất (đây là một cây cầu đẹp của văn minh phương Tây), và giá trị tinh thần. Cây cầu là một phần trong dòng chuyển động về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Nó sống với người Hà Nội, trải qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ và đã in vào ký ức người Hà Nội, trở thành một phần tâm thức của họ. Cây cầu do thực dân Pháp xây, nhưng không thể phủ nhận nó đang mang theo văn minh đô thị, ánh sáng văn hóa của phương Tây vào Việt Nam. Và cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng đã trở thành một nhân chứng lịch sử của Việt Nam.
Cần tôn trọng giá trị di sản
- Điều đó cho thấy chưa có một sự chú ý đúng mức của các cấp lãnh đạo của thành phố Hà Nội. Với những giá trị văn hóa cả vật chất và tinh thần cây cầu có, nó cần được đối xử thích đáng hơn. Ba phương án mà ngành giao thông dành cho cầu Long Biên dường như đã quên bẵng tính chất lịch sử của cây cầu. Người ta muốn chữa và làm mới hoàn toàn cây cầu. Nó là một di tích lịch sử, nó cần được ứng xử theo cách khác.
* Trong cuộc thi Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, bà có ngạc nhiên với những bài viết người ta dành cho cây cầu. Dường như với nhiều người cây cầu là một thực thể có tâm hồn?
- Đó là điều chúng tôi đã không tiên lượng được khi cuộc thi bắt đầu. Người dự thi gửi về rất nhiều bài viết dạt dào tình cảm với cầu Long Biên, rất nhiều bức ảnh đẹp về cây cầu. Bản thân tôi cũng thích cuộc thi đến mức huy động 100 em sinh viên đang học môn phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí tham gia cuộc thi này. Các em đã đến cầu Long Biên, khảo sát và rất thích thú khi viết bài, trong số này đã có người đoạt giải Ba của cuộc thi.
Trong quá trình chấm thi, chúng tôi đã được đọc mảng ký ức của rất nhiều người. Có người ví những cái đinh khuy của cầu như cái cúc áo của người đàn ông mình yêu. Cái cầu đã trở thành nhân chứng vĩnh viễn mối tình đầu của họ. Cây cầu phản ánh những kỷ niệm một thời của rất nhiều con người gắn bó với Hà Nội.
* Theo bà Hà Nội cần phải ứng xử với cầu Long Biên như thế nào?
- Cần ứng xử với nó như một di sản văn hóa, tôn trọng giá trị di sản (cả vật chất, tinh thần), giá trị lịch sử mà cây cầu đã mang. Một mặt phải tập trung vào bảo tồn nguyên dạng cây cầu. Nên biến cầu thành phố đi bộ, nơi người Hà Nội ra đây hóng gió, vui chơi và có thể khai thác du lịch. Còn ba phương án mà ngành giao thông đặt ra đều không xứng đáng với cây cầu Long Biên, với tình cảm của những người Hà Nội đã dành cho cây cầu. Cần một ứng xử khác, văn hóa hơn với cây cầu Long Biên vì nó xứng đáng được như thế.
Hà Nội từng có những ứng xử văn hóa với di tích |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa