Pascale Valery Tùng Lâm - người mê đắm áo dài Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Pascale Valery Tùng Lâm kể, bà sinh đầu năm 1954, tuổi Quý Tỵ. Bà từng sống ở Việt Nam 10 năm trước khi sang Pháp định cư cùng cả gia đình. Nửa thế kỷ sống ở giữa trời Âu, nhưng đến giờ, bà vẫn đi lại giữa Việt Nam và Pháp với đau đáu mong muốn nâng tầm thời trang Việt cũng như mở cánh cửa đưa các nhà thiết kế Việt ra thế giới.
- Sức hút áo dài Việt...
- Áo dài Việt Nam tham gia tuần lễ thời trang châu Á
- Áo dài Việt Nam giữa kinh đô thời trang Milan
* Về Việt Nam để làm khách mời của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2016 - Việt Nam International Fashion Week, bà cảm nhận thế nào về thời trang Việt?
- Thực sự thì 5-7 năm trước, tôi thấy thời trang Việt Nam còn rất thiếu chuyên nghiệp, từ thiết kế cho đến chất liệu, thậm chí những chi tiết như đường may còn kém. Tuy nhiên, tôi rất vui khi được thấy những gì mà các nhà thiết kế Việt thể hiện ở Tuần lễ Thời trang Quốc tế vừa qua.
Một thiết kế của Pascale Valery Tùng Lâm
Những bộ sưu tập mà tôi được xem đầy tính sáng tạo, khá hợp với xu hướng đương thời. Các nhà thiết kế cũng khá tinh tường khi chọn chất liệu vải, tỉ mỉ trong các họa tiết đính kèm... Nhiều nhà thiết kế trẻ đã gây được ấn tượng với tôi.
Tôi luôn đánh giá cao các nhà thiết kế Việt Nam, họ đều có kỹ thuật tốt, sáng tạo nhưng họ thiếu chiến lược marketing cho sản phẩm để đưa nó đến với người tiêu dùng nội địa cũng như thị trường thế giới.
* Bà từng được mời thiết kế trang phục áo dài cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam những năm 2000, bà thấy sao khi nói tới thời trang Việt là phải nói tới áo dài?
- Trước tiên, tôi xin kể câu chuyện áo dài ở Pháp. Mặc dù vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều thương hiệu thời trang hiện đại nhưng áo dài của tôi vẫn có đất sống ở Pháp.
Bà Pascale Valery Tùng Lâm gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp năm 1997
Phụ nữ Pháp và nhiều nước trên thế giới đặc biệt yêu thích áo dài. Chiếc áo dài cách tân tôn dáng vẻ của người mặc, nhưng cũng không kém phần quyến rũ với hai tà xẻ cao. Thú vị là hơn 90% khách hàng của tôi là người Pháp và quốc tế. Vừa rồi, một phụ nữ người Lebanon đã rất thích áo dài do tôi thiết kế. Chị đặt luôn chục chiếc để mặc và để tặng.
Điều hạnh phúc của tôi chính là khi nhìn thấy những phụ nữ nước ngoài khoác lên mình chiếc áo dài. Đó chính là hình ảnh lan tỏa của chiếc áo dài Việt. Nó đúng như cảm xúc của bài hát: “Đẹp xiết bao... quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/ Dù ở đâu... Paris, London hay ở những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi...”.
"... Tôi may mắn được gặp và làm việc cùng với NTK Pascale Valery Tùng Lâm với tư cách là một người mẫu trình diễn các sản phẩm sáng tạo của bà. Tôi kính trọng bà trong chỉ ở tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, chu đáo mà còn thân thiện và văn minh .." - người mẫu Lê Phương - Vietnam Next Top Model 2011. |
Vừa rồi, ở Hà Nội gần 10 ngày, tôi và chồng đã đi thăm Tràng Tiền Plaza. Trung tâm thương mại này đã được sửa lại rất đẹp so với lần trước tôi về Hà Nội. Bên trong tòa nhà toàn hàng hiệu bày lóa mắt nhưng tôi lại thấy khá vắng vẻ.
Tôi nghĩ, những người khách nước ngoài đến Việt Nam không phải để mua hàng hiệu, chắc chắn thế. Vậy thì họ cần điều gì nếu không phải là những thứ văn hóa truyền thống Việt?
Trước đây tôi và chồng về Việt Nam, thường ở những khách sạn khá xa xỉ, nhưng giờ không thích ở nơi sang trọng như thế mà thích sống ở giữa ồn ào tập nấp của phố cổ. Chồng tôi ghiền món bún chả. Ông còn thích quan sát người bán hàng nướng thịt, thích thú lắm.
* À, Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam cũng chọn món bún chả mà.
- Đúng, đấy là văn hóa Việt Nam, bình dân mà rất đặc biệt. Ở Pháp, ở Mỹ đâu thiếu hàng hiệu hàng, nhưng không thể có những thứ văn hóa bản địa như thế đâu...
NTK Pascale Valery Tùng Lâm
* Bà sống ở Pháp, nhưng dường như giữ gìn nét Việt khá kỹ càng?
- Cách nay 20 năm tôi trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Điều kỳ lạ là trước đó tôi không hề nói một chữ tiếng Việt nào, tôi cũng hoàn toàn không đọc được. Thế nhưng khi bắt đầu được nghe lại người Việt nói, ngôn ngữ gốc gác quay lại với tôi. Rất tuyệt vời là tôi giữ được lại giọng nói của người Bắc. Bố tôi là người ở phố Hàng Bông. Một số chị em họ con bác cả của tôi vẫn sống ở Hà Nội.
Chồng tôi cũng nói được một chút tiếng Việt và đặc biệt, ông rất yêu văn hóa Việt Nam. Bố tôi đặt cho ông tên tiếng Việt là Quốc Vinh.
* Lâu nay, bà vẫn ấp ủ dự định góp phần quảng bá văn hóa cũng như thời trang Việt tới Pháp và ra thế giới?
- “Cuộc sống là không chờ đợi”, tôi quan niệm thế. Bởi vậy, tôi không trông chờ mà luôn chủ động tìm kiếm các nguồn lực giúp thực hiện mong muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam. Tôi đang kết nối để giúp các họa sĩ Việt giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của họ ở TP Toulouse – Pháp.
Bên cạnh đó, một mong muốn tôi ấp ủ từ rất lâu, đó là hợp tác đào tạo về thời trang ngay tại Việt Nam. Tôi và các chuyên gia thời trang Pháp luôn sẵn lòng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các sinh viên và các nhà thiết kế trẻ của Việt Nam. Cánh cửa để đưa các em tới Pháp và ra thế giới sẽ là rộng mở nếu các em nắm bắt được cơ hội.
Và rất may mắn, lần trở về này, tôi đã tìm kiếm được một số trường CĐ và ĐH phù hợp để có thể liên kết đào tạo...
Ngoài 60 tuổi, tôi vẫn đau đáu mong muốn làm gì đó cho quê hương, dù những việc này không hề dễ bởi tôi có một lời hứa với bố tôi: Là người Việt, phải đóng góp cho quê hương...
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
“Năm 2005, tôi gặp cô Tùng Lâm trong chương trình đào tạo về lịch sử và văn hóa thời trang cho các nhà thiết kế trẻ Việt Nam được tổ chức tại TP HCM. Tôi cho rằng trong cô có một tình yêu lớn với thời trang Việt, yêu luôn cả văn hóa Việt Nam. Tôi được biết cô Tùng Lâm sẽ thực hiện một số dự án liên kết về thời trang và đào tạo ở Việt Nam, tôi tin rằng dự án sẽ thành công, để đường nét thời trang Việt được tường minh hơn” - nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn. |
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần