Nữ quyền trong kiến trúc hơn 1 thế kỷ: 100 năm xóa bỏ hoài nghi
(Thethaovanhoa.vn) - Kiến trúc vốn là lĩnh vực do nam giới thống trị. Dù vậy, trong bối cảnh ấy, vẫn có nhiều kiến trúc sư (KTS) nữ nổi lên và gây tiếng vang với nhiều công trình tạo “cột mốc” trên thế giới. Triển lãm mới, Women in architecture for over 100 years (Phụ nữ trong kiến trúc hơn 100 năm qua), ở thị trấn Dusseldorf, miền Tây nước Đức là một phần của câu chuyện này.
Triển lãm khai mạc hôm 22/8, cũng như cuốn sách cùng tên giới thiệu những kiến trúc sư nữ đã bất chấp tất cả những quan niệm kỳ quặc để viết lên lịch sử kiến trúc như Lois L. Howe, Lilly Reich, Zaha Hadid, Alison Brooks.
Để hiểu về họ, hãy nghe một chia sẻ mới đây của nữ KTS người Anh Alison Brooks: “Phụ nữ hoạt động trong ngành kiến trúc vẫn cần rất nhiều sự tự tin. Chúng ta lớn lên cùng các anh hùng, các vị thần và họ đều là nam giới”. 58 tuổi, là KTS người Anh duy nhất đến nay từng giành được giải RIBA Stirling, Huy chương Manser và Giải thưởng Stephen Lawrence, Brook được xem là tên tuổi hàng đầu trong thế hệ của mình nhưng vẫn phải chịu đựng nhiều sự bất bình đẳng.
Trong khi đó, cố KTS người Anh gốc Iraq Zaha Hadid, người phụ nữ đầu tiên nhận giải Pritzker năm 2004 - được coi là giải Nobel trong nền kiến trúc - đã nhiều lần nhấn mạnh việc khẳng định mình trong thế giới kiến trúc do nam giới thống trị là điều cực kỳ khó khăn. Cụ thể, một số nhà phê bình đã chế nhạo thiết kế của Hadid cho Sân vận động tổ chức World Cup Qatar 2022 vì giống “phần kín” của phụ nữ - một minh chứng điển hình về sự phân biệt giới tính đang hiện hữu.
Cuộc chiến vì nữ quyền
Thực tế, sau hơn 1 thế kỷ phát triển, định kiến về phụ nữ trong ngành kiến trúc vẫn không có gì thay đổi lớn. Những người có tư tưởng “thâm căn cố đế” về các KTS nữ vẫn cho rằng phụ nữ không thể tính toán giỏi như đàn ông, không thể quản lý ngân sách, không thể suy nghĩ trong không gian 3 chiều hoặc các công trường không dành cho phụ nữ.
Ở Đức hiện nay, nhiều phụ nữ chọn học kiến trúc hơn nam giới và vào năm 2018, 60% những người lấy bằng thạc sĩ kiến trúc là nữ.
Dù vậy, nữ KTS vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Họ thường bỏ nghề vì khó dung hòa giữa công việc và cuộc sống gia đình. Một cuộc khảo sát năm 2016 của Phòng Kiến trúc Liên bang của Đức cho thấy: trong số các KTS tự do, chỉ có 22% là nữ. Và mức lương trung bình của họ thấp hơn khoảng 20% so với các đồng nghiệp nam.
Khi phụ nữ lần đầu tiên được phép học kiến trúc ở Đức hơn 100 năm trước, người ta đã tỏ ý hoài nghi. Nhưng điều đó không ngăn cản những người phụ nữ khao khát được góp phần tạo nên những công trình của mình.
Điển hình trong số đó là Elisabeth von Knobelsdorff, người phụ nữ đầu tiên ở Đức lấy bằng kiến trúc tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Hoàng gia ở Berlin vào năm 1911. Công chúa Viktoria zu Bentheim und Steinfurt đã thiết kế một số lượng lớn các tòa nhà trong dinh thự của gia đình mình và Emilie Winkelmann là người phụ nữ đầu tiên ở Đức mở văn phòng kiến trúc tại Berlin năm 1907.
Trong nền kiến trúc, phụ nữ phải “lao tâm khổ tứ” nhiều hơn nam giới vì họ có nhiều trở ngại hơn để vượt qua. Vào thời điểm chuyển giao giữa 2 thế kỷ, đã có một cuộc tranh luận về trang phục mà nữ KTS nên mặc khi đi làm và người ta cho rằng thích hợp nhất là họ nên mặc chiếc áo choàng mà các nhà điêu khắc đã mặc.
Trong khi đó, Mỹ có cách tiếp cận tự do hơn đối với nữ KTS. Vào năm 1902, KTS Lois L. Howe của Boston đã nói rằng, dựa trên kinh nghiệm tiên phong của bản thân, một khi phụ nữ quan tâm đến một chủ đề nào thì không có trở ngại nào mà họ không thể vượt qua.
Trong những năm 1950 và 1960, phụ nữ ở Đức được cho là sẽ đảm nhiệm vai trò nội trợ. Trong kiến trúc, phụ nữ phải rút lui vào các lĩnh vực mang ý nghĩa “phụ nữ”, như thiết kế các dự án và cơ sở nhà ở cho thanh niên và trẻ em và thiết kế nội thất. Rất ít phụ nữ được tham gia xây dựng các tòa nhà công cộng.
Còn bây giờ? “Các nữ KTS cần sự hỗ trợ từ những người đã dám thực hiện hành trình phải có của mình. Dù ngày nay có nhiều nữ KTS nổi tiếng và được kính trọng hơn trước đây, điều đó không có nghĩa là công việc của các nữ KTS đã trở nên dễ dàng hơn” - Zaha Hadid nói khi bà được trao giải Jane Drew, giải thưởng dành cho các nữ KTS xuất sắc vào năm 2012.
Công trình “đáng nể” của những nữ KTS
Trái ngược với những quan niệm đang tồn tại, đã có nhiều công trình tạo cột mốc được hình thành với các bản thiết kế là của KTS nữ.
Nổi bật trong số đó là Alison Brooks. Bà là nữ KTS người Anh được quốc tế săn đón và không còn xa lạ với thành công khi từng 3 lần giành giải thưởng RIBA - được xem là giải “Oscar” của giới kiến trúc.
Công chúng yêu thích công trình kiến trúc bằng gỗ đồ sộ của bà - The Smile - một đường hầm lớn được Brooks thiết kế làm gian hàng cho Tuần lễ Thiết kế London năm 2016. The Smile nhanh chóng trở thành địa điểm yêu thích của đám đông.
Trong khi đó, nữ KTS Anh Amanda Levete đang điều hành một văn phòng ở London và có nhiều thiết kế công trình nổi bật gắn với tên tuổi mình. Ví dụ điển hình nhất là Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Công nghệ của Lisbon, nơi những đường cong trên lối đi dạo trông như đỉnh của một con sóng. Mặt tiền của nó được trang trí bằng gạch gốm, giống như vảy của một con rắn, trong khi mái của nó đóng vai trò như một ban công hoàn hảo để ngắm nhìn quang cảnh thành phố.
Còn nữ KTS Anh gốc Iraq Zaha Hadid là một trong những cái tên nổi tiếng nhất trong giới kiến trúc trước khi bà qua đời đột ngột vào năm 2016. Hadid được biết đến là tác giả của các công trình với các hình thái và hình dạng độc đáo, như được thấy ở Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia của Roma. Công trình này gồm các bề mặt bê tông dốc xếp chồng lên nhau. Bản thiết kế của bà đã “đánh bại” 273 đối thủ khác.
Hoặc, những gì dường như là một căn bếp hoàn toàn bình thường ngày nay thực tế lại là một hiện tượng của cách đây gần 100 năm. “Nhà bếp Frankfurt” là nguyên mẫu cho nhà bếp được trang bị hiện đại và do Margarete Schütte-Lihotzky thiết kế vào năm 1926. Sau đó, hàng nghìn căn bếp như vậy đã được lắp đặt trong các khu nhà ở xã hội ở Frankfurt trong thời điểm đó và đã trở thành “hit” trên toàn thế giới khi mô hình căn bếp đó được coi là hiệu quả và thiết thực.
Việt Lâm (tổng hợp)