NSƯT Thoại Mỹ: Áp lực với cải lương lịch sử
Vào ngày 27/8, Đoàn Cải lương Đại Việt công diễn vở Đêm trước ngày hoàng đạo (kịch bản: Võ Tử Quyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ). Vở này sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần V, diễn ra vào tháng 9/2022 tại Hà Nội. Cao trào của vở diễn là cuộc đối thoại - giằng xé nội tâm của vị vua tương lai trước người nuôi dưỡng mình là thần phi Nguyễn Thị Anh.
Vào đêm trước khi trở thành vua Lê Thánh Tông, vương gia Lê Tư Thành (do Võ Minh Lâm thủ vai) phải đối diện với những thâm cung bí sử đã xảy ra từ triều đại trước, phải tự vấn trước quá nhiều câu hỏi khó có lời đáp.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với NSƯT Thoại Mỹ, người vào vai thần phi Nguyễn Thị Anh.
* Đến giờ thì Thoại Mỹ vẫn đang là cái tên bán vé ở lĩnh vực cải lương. Thế nhưng, chị có vẻ mạnh ở thể loại cải lương Hồ Quảng, còn “Đêm trước giờ hoàng đạo” thì theo thể loại cải lương lịch sử. Dường như đã lâu rồi chị không diễn cải lương sử Việt?
- Tôi bắt đầu tạo được tên tuổi tại Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long, mà như bạn đã biết, nơi đây chuyên thể loại cải lương Hồ Quảng (có vũ đạo, phục trang và tuồng tích không thuần túy Việt Nam). Hơn 10 năm rồi tôi không hát bất cứ một tuồng cải lương lịch sử nào. Cái khó của cải lương lịch sử là luôn được khán giả, đồng nghiệp và báo giới soi xét nghiêm khắc, vì đòi hòi tính chính xác cao, nghệ sĩ hóa thân phải toát lên được thần thái và cốt cách của nhân vật lịch sử đó. Vì vậy, khi tham gia vở diễn này, tôi gặp áp lực vì tâm lý nhân vật nặng và chuyển biến phức tạp. Nói một cách nào đó, đây cũng là động lực để tôi thăng hoa với một vai diễn nặng ký.
* Vậy cái khó trong tính cách nhân vật thần phi Nguyễn Thị Anh là gì?
- Khi tôi nhận kịch bản, tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ về nhân vật của mình. Không biết vì sự ngẫu nhiên nào đó mà thông tin về thời hậu Lê cứ xuất hiện rất nhiều trên trang Facebook của tôi. Tôi đọc hết và rút ra những gì cần thiết cho nhân vật. Theo kịch bản, thần phi Nguyễn Thị Anh vốn dĩ hiền lương, nhưng vòng xoáy quyền lực đã biến bà thành người độc ác. Bà đã đưa Nguyễn Trãi vào tuyệt lộ và bức tử.
Đạo diễn Hoa Hạ yêu cầu tôi phải làm toát lên vẻ dữ dội của một thần phi thủ đoạn, nhưng xen vào đó là những giọt nước mắt đau đớn của người đàn bà hoang mang ở chốn quyền lực. Bà vừa quý trọng Nguyễn Trãi, nhưng rồi buộc phải giết ông. Lột tả được nỗi đau bên trong của một con người tàn ác là thách thức lớn nhất đối với tôi.
* Cảm giác diễn tuồng lịch sử có khác với tuồng xã hội, hoặc tuồngHồ Quảng không, thưa chị?
- Xét về góc độ nghệ thuật, giá trị các thể loại mà bạn vừa đề cập đều như nhau. Nhưng về mặt tâm lý, tôi và tất cả nghệ sĩ diễn tuồng lịch sử đều trong tâm thế cẩn trọng, trang trọng hơn mức bình thường. Bởi vì, chúng ta đang nói về tiền nhân và những bài học rất có ý nghĩa về đạo làm người. Đạo diễn Hoa Hạ là người yêu trang sử dân tộc, cách chị đối xử với lịch sử qua từng tình tiết chắt lọc khiến chúng tôi cảm thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn và có trách nhiệm với nhân vật hơn.
* Chị đã trở thành ngôi sao lớn và đã là giám khảo ở nhiều cuộc thi cải lương, nay vở diễn “Đêm trước ngày hoàng đạo” sẽ dự thi tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần V. Cảm giác để đồng nghiệp chấm điểm mình nó như thế nào?
- Trước tiên, tôi nghĩ đó là nơi để tôi được diễn. Kế tiếp, dòng suy nghĩ thứ hai là một khi mình đã chấp nhận cuộc chơi thì mình phải tuân thủ luật chơi thôi. Thắng hoặc bại cũng phải chấp nhận.
* Người ta đồn rằng Thoại Mỹ rất giàu nên mới đủ sức theo đuổi cải lương tuồng cổ, vì chi phí khá nặng, tập luyện khổ cực, lại không có nhiều suất diễn?
- Người ta nói thế là vì thấy tôi luôn chỉn chu với vẻ bề ngoài. Tôi luôn giữ thể diện nghệ sĩ, từ hình thức đến nội dung, nên luôn chọn phong cách ăn mặc tươm tất. Tóc tai, trang sức đẹp mắt. Thế nhưng, tôi đang sinh sống trong một căn nhà nhỏ gọn bên hông đường ray xe lửa, nơi ấy có cả người khá giả, trung lưu, lẫnngười lao động nghèo. Tôi không có một cơ ngơi to lớn trong khu dân cư cao cấp, sang trọng.
Tôi đi hát nhiều, tiền lương để tái đầu tư vào vai diễn, vì tuồng cổ chi phí cho phục trang, phụ kiện rất lớn. Tôi sống hết lòng với sân khấu và được tổ nghề thương, ban cho cuộc sống vừa đủ, bình an.
* Một câu hỏi hơi riêng tư, chị xinh đẹp, nổi tiếng, nhưng vì sao đến giờ vẫn đi về một mình?
- Tôi nghĩ mỗi người có một duyên số. Tình yêu và hôn nhân là điều rất khó có thể giải thích. Tôi đã từng thất bại, rồi từng nghĩ rằng người mới có thể mang đến một cuộc hôn nhân an toàn, nhưng dần dà tôi thấy sống độc thân cũng phù hợp với mình. Tôi đi về một mình đã lâu và thấy mọi thứ vẫn ổn. Nói vậy không có nghĩa là tôi quyết tâm đóng cửa trái tim, mà là tùy duyên vậy.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Vì sao trượt danh hiệu NSND? Tôi không có đủ huy chương theo quy định, nên tôi không nộp đơn xin xét duyệt. Nhưng rồi có nhiều đồng nghiệp cho tôi biết kỳ này linh động hơn, có bổ sung thêm yếu tố cống hiến. Tôi vào nghề năm 13 tuổi, với 40 năm miệt mài, tôi nghĩ mình có cống hiến, nên tôi nộp đơn. Khi danh sách công bố, tôi bị trượt, cũng chẳng thấy bức xúc hoặc phải bàn tán điều gì. Sau đó, có người kêu tôi làm đơn xin cứu xét, nhưng tôi không làm nữa. Ngay bây giờ, công việc tôi nhiều quá, không còn đủ năng lượng cho việc khác. Từ đây đến cuối năm, tôi tham gia hai vở diễn lớn vànhiều hoạt động với đoàn Huỳnh Long. Tôi rất khó tính trong công việc, nên khi nhận vai là đầu tư kỹ càng từ nội dung đến hình thức. Tôi luôn đúng giờ và ăn mặc nghiêm chỉnh ngay trong cả giờ tập, không để mình dính vào các thị phi. Ra sân khấu, tôi cống hiến hết sức. Có lẽ nhờ vậy mà được khán giả trong và ngoài nước yêu thương, đây cũng là một món quà quý giá nhất. Còn việc nộp đơn xin xét phong tặng trong đợt tới, thì tùy duyên vậy. |
Nguyễn Huy (thực hiện)