Nỗi tự ti của người Hà Nội
Những nỗi đau gần đây vẫn chưa “liền sẹo” với người dân Thủ đô: Sân bay Nội Bài đứng thứ 5 trong tổng số 10 sân bay tệ nhất châu Á (theo đánh giá của trang mạng Sleepinginairports). Hay một chuyên gia môi trường thế giới cũng đánh giá Hà Nội là một trong những thành phố “bẩn nhất châu Á”...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nhận nhiều đánh giá tích cực từ các trang mạng thế giới như: top 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa (do trang mạng Lifehack xếp hạng); đứng thứ 3 trong top những điểm đến “mới nổi” của thế giới (cũng theo TripAdvisor), xếp hạng 5 về ẩm thực đường phố ngon nhất châu Á (theo trang Asian Inspiration)...
Bối cảnh “loạn” xếp hạng là “thuốc thử” với lòng người. Trên thực tế, những xếp hạng tích cực bị coi là phù phiếm còn những xếp hạng tiêu cực là tâm điểm than vãn của cộng đồng (cho dù đôi khi những đánh giá ấy từ cùng một nguồn tin như trường hợp trang mạng TripAdvisor vừa xếp hạng Hà Nội là thành phố mới nổi, vừa xếp hạng Hà Nội top đầu thế giới về móc túi). Chưa bàn đến năng lực đánh giá thực sự của TripAdvisor nhưng rõ ràng, thái độ của trang mạng này là sòng phẳng với Hà Nội. Điều gì họ thấy tốt, họ tôn vinh, họ thấy chưa được, họ góp ý. Nó khác xa tâm thế kém cỏi mà người Hà Nội ứng xử với đất mẹ.
Kể cả cách buồn của người Hà Nội cũng thật không... đúng kiểu. Bởi dù gì đi nữa nỗi hổ thẹn cũng đáng trân quý. “Còn biết xấu hổ là còn hy vọng” (lời Giáo sư Nhật Bản Gomi Masanobu trao đổi với người viết trước việc nước này xuất hiện những biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt). Song nỗi buồn tủi chỉ có giá trị khi nó được chuyển hóa thành hành động cụ thể, bằng việc làm thiết thực chứ không phải để sự cay đắng ê chề trôi dài trên bàn phím.
2. Có lẽ, nỗi xấu hổ “kiểu mẫu”, nỗi hổ thẹn “điển hình” rất cần lan tỏa với người Hà Nội trong bối cảnh này là trường hợp ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ hưu trí, 72 tuổi trú ở Thanh Xuân (Hà Nội). Hơn 10 năm nay, ngày 2 lần, ông đi dọc con phố để nhặt rác và bóc biển quảng cáo, rao vặt trên bờ tường, gốc cây để dọn sạch nơi mình sống.
Việc làm này xuất phát từ một chi tiết trên phóng sự truyền hình năm 2002. Khi ấy, một người nước ngoài phát biểu: họ rất thích Hà Nội song rác từ lòng đường tới bờ tường khiến họ ngán ngẩm.
“Tôi nghe mà đau, mà nhục! Hà Nội yên ả thanh sạch, niềm tự hào của tôi nay đã bị coi là mớ hổ lốn. Và lời nhận định của người du khách nước ngoài ấy là đúng” - ông Minh kể với người viết.
“Nỗi nhục” của ông chuyển hóa thành hành trình hơn 10 năm ròng, đi đoạn đường 12km quanh khu phố mỗi ngày (tính nhẩm ra là hơn 4 vạn km) để chống “quảng cáo tặc”. Và bây giờ nếu ai đi qua đường Nguyễn Trãi, con phố đã rất khác: từ bờ tường, gốc cây, từ cột điện bên đường tới cách phát tờ rơi ở cổng các trường đại học... Sự thay đổi theo hướng tốt đẹp này đã xuất phát chỉ từ hành động của một người, từ nỗi đau của một người.
Hãy tưởng tượng, từ những bảng xếp hạng có lý và vô lý kia, thay vì tự ti tới bất lực, 7 triệu người cùng hành động, Thành phố sẽ như thế nào?
Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa