Những cơn giận dữ và máu ăn thua đã tạo nên Alex Ferguson vĩ đại (Phần 2)
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lần ấn bản thứ hai cuốn tự truyện (2013), Ferguson kể quán rượu giúp ông hiểu con người hơn, những ước mơ và nỗi thất vọng của họ. Những điều đó tỏ ra có ích ở East Stirlingshire. Đội hình của ông là vài chục cầu thủ cũng chỉ chơi bán thời gian, và không có thủ môn đích thực nào. Sân bóng có sức chứa 25.000, nhưng mỗi trận chỉ có khoảng 3.000 người tới. Ngân sách chuyển nhượng là 2.000 bảng. Không hề có kinh nghiệm hay bằng cấp HLV, Ferguson đã bắt đằng bằng cách dốc túi khoản ngân quỹ chuyển nhượng cho một tiền đạo tên là Billy Hulston.
- Man United ra sao nếu giờ này Alex Ferguson 60 tuổi?
- Xử Costa, Conte đã áp dụng triệt để 'thuyết cai trị' của Sir Alex Ferguson
- Sir Alex Ferguson đợi Ronaldo ở phòng thay đồ, chúc mừng 'con trai' đi vào lịch sử
Theo United We Stand, Hulston đã chuẩn bị gia nhập Stenhousemuir, nhưng Ferguson gửi điện tín cho anh và đòi gặp mặt, thuyết phục an gia nhập East Stirlingshire. Khi Hulston nói muốn gọi một cuộc cuối cho Stenhousemuir, Ferguson nói: “Nếu cậu muốn thêm tiền, tôi sẽ trả cậu 50 bảng nữa tiền túi của mình”, và móc tiền ra đặt trên bàn. Hulston ký hợp đồng ngay lập tức.
Ferguson đã làm việc cật lực để đưa đội bóng tiến lên. McCulley nói ông thậm chí không đeo đồng hồ, mà chỉ làm cho xong việc. Báo trước lòng nhiệt huyết của ông trong đào tạo trẻ, ở CLB, Ferguson sử dụng toàn những người trẻ. Ông cũng chi ra 40 bảng để trả tiền xe buýt cho một nhóm học trò từ Glasgow tới chơi thử, và sau đó đóng sầm cửa phòng họp của ban quản trị khi bị vặn vẹo về khoản tiền đó. Các cầu thủ phải có mặt đúng giờ và sẵn sàng, nếu không thì họ chết với ông. “Ai cũng sợ ông ấy”, McCulley nói. “Tôi chưa từng sợ ai trước kia, nhưng ngay từ đầu ông ấy đã làm tôi phát khiếp”.
Ferguson không ngần ngại một phương tiện nào. Ông nói với các cầu thủ rằng báo chí địa phương thich đội Falkirk hơn, dù tờ duy nhất trong thị trấn là Falkirk Herald, với lượng phát hành khoảng 4.000 tờ. Trong một trận ở Cowdenbeath, ông quên kiểm tra thời tiết và tới đó mới thấy sân cứng như đá. Đáp lại, ông chạy xuống thị trấn mua 11 đôi giày chơi bóng chày. (Cũng trong trận đó, theo lời Ferguson, HLV đối thủ Frank Connor phản ứng với quyết định của trọng tài bằng cách ném băng ghế dự bị xuống sân). Những đôi giày bóng chày không giúp được gì, nhưng Ferguson gặp may hơn khi gặp đội bóng cũ của ông Falkirk. “Tôi nói với các cầu thủ của mình rằng họ thật vô dụng”, ông kể. Ông còn chuẩn bị cho trận đấu bằng cách nhốt cả đội trong khách sạn, rồi nói với đầu bếp chỉ phục vụ hai miếng cá, bánh mì, và mật ong cho mỗi người. Đầu bếp nói họ sẽ chết đói mất. “Tốt”, Ferguson đáp. Họ đánh bại Falkirk 2-0.
Vào tháng 10, Ferguson được St Mirren mời. Họ xếp thấp hơn East Stirlingshire trên bảng xếp hạng, nhưng nhiều triển vọng hơn, và dù ông rất yêu đội bóng khiêm tốn nhưng trung thành của mình, ông đã chấp nhận đề nghị đó. Khi ông nói với các cầu thủ ông sẽ ra đi, đầu tiên họ ngồi im lặng, tới khi tiền vệ cánh Tom Donnelly đứng lên quát: “Đồ khốn!” Vụ việc đó có liên quan tới Cunningham, người đã tiến cử Ferguson khi rời St Mirren. Hầu hết các cầu thủ là những người chơi bán thời gian, nhưng đòi hỏi của Ferguson thậm chí còn cao hơn. Khi ông tới, tờ báo địa phương Paisley Daily Express sắp xếp một buổi chụp hình cả đội. Khi tấm hình lên báo, Ferguson thấy đội trưởng của ông, Ian Reid, làm tai thỏ đằng sau ông. Ông gọi Reid lên và nói anh sẽ phải cuốn gói. “Tôi cần một đội trưởng chín chắn”, Ferguson nói. “Đó là một trò trẻ con. Cậu phải đi thôi”.
Tiêu chuẩn đã được thiết lập. Ferguson đòi hỏi kỷ luật và sự cam kết, và những kẻ chống đối sẽ phải ra đi lập tức. Một cầu thủ khác bị bán đi vì lái xe tới một trận sân khách khi mọi người khác đều đi trên xe buýt chở đội. Một người nữa vì khăng khăng nói anh ta không tới được buổi tập do cô bạn gái có hai tấm vé tới xem một buổi hòa nhạc. “Ông ấy chú ý vào từng chi tiết nhỏ nhất”, tiền vệ Billy Stark nói với Barclay. Ferguson cực ghét những kẻ lười biếng và say xỉn. Khi ông bắt gặp có người uống rượu bia trong phòng thay đồ, ông sẽ đập cái chai vào tường sao cho những vụn thủy tinh rơi lên đầu họ. Một lần, khi Stark tỏ ra lười nhác trong hiệp đầu, Ferguson đã ném giày vào anh ta trong giờ nghỉ. Một lần khác, Stark bị thay ra chỉ sau 7 phút.
“Tôi rất nóng tính, rất đam mê công việc của mình, và không chấp nhận để kẻ nào biến tôi thành một gã ngốc”, ông viết trong cuốn sách thứ 4 của ông, Leading. Có lẽ ông đã hơi tinh tướng vì thực ra trong năm đầu của ông, St Mirren có chuỗi 8 trận thắng liên tiếp và đang hạng nhì khi ông nói với báo chí rằng họ sẽ không thua thêm một trận nào nữa mùa đó. Nhưng rốt cuộc, họ chỉ thắng 1/5 trận còn lại, thua 2, và chung cuộc đứng hạng 6. Dẫu vậy, hạng 6 vẫn là đủ tốt với St Mirren, do giải hạng Nhì khi đó chia làm 2, 6 đội dẫn đầu ở lại hạng Nhì và 6 đội xếp cuối xuống chơi ở một hạng thấp hơn. Mùa tiếp theo, St Mirren lại về đích hạng 6.
Mùa Hè sau đấy, Ferguson dẫn đội bóng của ông tới Caribbe cho một chuyến du đấu 3 tuần, nơi họ gặp Barbados, Trinidad, Guyana và Surinam. Trong các trận đấu, ông mặc đồ của cầu thủ dự bị, chỉ cho vui. Nhưng mọi chuyện trở nên nghiêm túc khi họ gặp Guayana, đội đang đá rất quyết tâm để chuẩn bị cho vòng loại World Cup. Trung vệ của đội này liên tục đá xấu Robert Torrance, Ferguson kêu với trọng tài, nhưng vô ích. Khi Torrance lại bị đá nguội, Ferguson không còn bình tĩnh nữa. “Quá đủ rồi, tôi vào sân”, ông nói. “Gã khốn to con đó sẽ phải lãnh đủ”. Trong pha va chạm tiếp theo, ông trả đũa tay trung vệ khiến anh ta lăn xuống sân kêu la váng trời. Không lâu sau, Ferguson lại thúc một cú cùi chỏ nữa, và lần này thì trọng tài khong còn cách nào khác ngoài việc rút thẻ đỏ. Sau trận đấu, Ferguson cảnh cáo các cầu thủ không được kể lại chuyện đấy. Và đã không ai dám kể.
Trở lại St Mirren, Ferguson lên một lịch làm việc cực kỳ khắc nghiệt. Mỗi ngày ông sẽ ở sân nhà Love Street tới 11 giờ sáng, rồi sang coi sóc quán rượu tới 2g30 chiều, trở lại Love Street để chỉ đạo việc luyện tập, rồi quán rượu, rồi về nhà. Cũng cần nhắc rằng lúc đó ông chẳng hề có một đội ngũ giúp việc như ở Man United. Ở Love Street, ông phải tự mình làm mọi chuyện từ mua dụng cụ lau dọn tới đặt thức ăn cho những ngày diễn ra trận đấu. Khi ông thấy có CĐV nhảy qua hàng rào, ông đã phải gọi người sửa lại hàng rào, tất cả những chuyện lặt vặt như thế đều tới tay ông. “Ông ấy hiện diện ở khắp nơi”, Stark nói với Barclay. “Luôn có cảm giác bị ông ấy theo dõi, ở mọi chỗ trong CLB”.
Một điều đặc biệt làm Ferguson khó chịu là số lượng CĐV quá ít ỏi, “chỉ lớn hơn dàn đồng ca nhà thờ chút xíu”. St Mirren đóng quân ở Paisley, một thị trấn nghèo bị Glasgow phủ bóng, và mỗi cuối tuần người ta lại đổ xô đi xem Celtic hay Rangers. Ferguson cảm thấy nơi đấy như mắc chứng phức cảm kẻ yếu thế. Vì thế vào một cuối tuần, một tay thợ điện đã lắp một bộ loa công suất lớn lên nóc xe tải, và trong chiếc xe đó, Ferguson lái khắp Paisley, micro trong tay, nói về đội bóng của ông và kêu gọi mọi người tới Love Street. Vậy mà hiệu quả. Đám đông đã tăng từ gần 1.000 lên 20.000 và với tinh thần lên cao, St Mirren thăng hạng vào năm 1977.
Đó là chiến tích lớn đầu tiên của Ferguson trong nghề HLV. Ông giờ nói tới việc xây dựng một đội bóng sẽ vượt qua Celtic và Rangers. Nhưng ở hạng đấu cao nhất, sự căng thẳng của việc làm hai việc một lúc là rất lớn. Trong trận gặp Clydebank, ông đã đuổi theo tay trọng tài biên dọc theo đường biên dọc, và chỉ HLV đối thủ mới cản được ông lại. Khi gặp Motherwell, ông chửi trọng tài thậm tệ tới mức LĐBĐ Scotland đã ban hành một án phạt kỳ lạ: cấm ông nói chuyện với các trọng tài khi trận đấu diễn ra trong 2 năm. Ông cũng cáu bẳn với những người ở Love Street, bao gồm chủ tịch Willie Todd, và dù giúp đội bóng trụ hạng, ông bị sa thải vì vi phạm hợp đồng.
Aberdeen thực sự là chiếc ghế nóng. Họ về nhì ở giải VĐQG các năm 1971 và 1972, nhưng suýt rớt hạng năm 1976, điều khiến họ bổ nhiệm Ally MacLeod. Ông giúp đội bóng về hạng 3 và giành League Cup, thành tích đủ để ông được trao quyền dẫn dắt ĐT Scotland trong nỗ lực giành quyền dự World Cup 1978. Aberdeen thuê Billy McNeill để thay thế. Billy là đội trưởng đội hình “Những chú sư tử Lisbon” từng giúp Celtic giành Cúp C1 năm 1967 trước Inter vĩ đại của Helenio Herrera, và ông giúp Aberdeen về nhì, cũng như vào chung kết Cúp QG. Những gì diễn ra sau đó là một vụ domino các HLV sẽ ảnh hưởng tới bóng đá Scotland trong nhiều thập niên.
Đầu tiên ĐT Scotland sa thải MacLeod, rồi chiêu mộ Stein. Celtic tới lượt họ có McNeill, khiến Aberdeen giờ không có HLV. Thời điểm đó là lý tưởng cho Ferguson. Nhiều người vẫn còn e dè về ông: ông mới 36 tuổi, và nổi tiếng là khó chịu, nóng tính, và bạo lực, ông từng bị đuổi khỏi sân khi còn chơi cho Dunfermline trong chính trận gặp Aberdeen. Người ta cũng nhớ những rắc rối của ông ở St Mirren, đội bóng đã bị ông kiện ra tòa trong một vụ liên quan tới cắt hợp đồng. Nhưng ban lãnh đạo Aberdeen thích cách ông đào tạo các cầu thủ trẻ. Đổi lại, Ferguson thấy đội bóng có một đội hình triển vọng, những ông chủ khôn ngoan, và thành phố Aberdeen không tệ chút nào. “Tôi có linh cảm rằng tôi sẽ làm tốt ở đó”, ông viết.
Tới lúc này dự án quán rượu của Ferguson đã chuyển sang một quán khác tên là Shaw, nhưng việc làm ăn không thuận lợi. Quá mệt mỏi với việc ngày nào cũng về nhà trong tình trạng kiệt sức, ông bán quán rượu. Điều đó mở đường cho những ngày làm việc 14 tiếng ở sân Pittodrie, mà sau đó khi đã về nhà Ferguson vẫn tiếp tục gọi cho các tay tuyển mộ và cầu thủ. Từ căn hộ tạm bợ của ông ở trung tâm thành phố, ông đã làm nên một chiến tích kỳ vĩ, ngay cả với tiêu chuẩn ngày nay: phá vỡ thế thống trị của Celtic và Rangers với bóng đá Scotland.
Đó gần như là điều không tưởng. Hai đội đó giành 13 danh hiệu VĐQG gần nhất, tất cả những gì các đội khác có thể hy vọng là thỉnh thoảng giành một chiếc cúp quốc nội. Tất cả những đội còn lại đều mắc chứng phức cảm kẻ yếu thế mà Aberdeen trải nghiệm vài tháng sau đó, khi họ đối mặt Rangers ở chung kết Cúp QG. Ferguson biết ông trước tiên phải phá bỏ rào cản tâm lý, và đã tập trung trước hết vào việc nâng cao tinh thần cho cầu thủ. “Điều khiến tôi đã bực dọc cả đời là việc tất cả đều chấp nhận để Rangers và Celtic chiến thắng, rằng họ không hề muốn nỗ lực, rằng chẳng ai muốn đánh bại họ”, ông viết. “Tôi nhìn quanh mình và có thể thấy thành công ở khắp nơi. Điều duy nhất quan trọng là trong tâm trí các cầu thủ phải có lòng tin”.
Dẫu vậy, trước khi thuyết phục được CĐV, ông phải thuyết phục được cầu thủ đã. Nhiều người vẫn còn nhớ MacLeod và McNeill, và họ không thích cách Ferguson cư xử ở St Mirren. Các hậu vệ có phần chậm chạp như Kennedy và Willie Miller không thích phong cách đẩy cao đội hình của ông. Tệ hơn, một số người công khai nghi ngờ chiến thuật của ông. Một trong số đó là tiền đạo ngôi sao Joe Harper, một người lười tập mà Ferguson tuyên bố đã không qua nổi một bài trắc nghiệm chạy vào đầu mùa. Harper lúc đầu sống sót, nhưng những kẻ nổi loạn khác bị đẩy xuống đội dự bị, nơi họ chơi những trận vào giữa tuần trên sân bóng không người. Một cầu thủ như thế, Dom Sullivan, có quyền thấy rằng anh bị đối xử bất công vì chuyện cá nhân: nhiều năm trước, anh từng mất hai cái răng vì một pha thúc cùi chỏ của Ferguson!
Dần dần, các cầu thủ nhận ra họ không thể kiếm chuyện với Ferguson. Hầu hết các cầu thủ không bao giờ thấy cảm mến ông, nhưng ông thuyết phục được những người nhiều ảnh hưởng nhất, như Kennedy, Miller và thủ thành dày dạn kinh nghiệm Bobby Clark. Dẫu vậy, tâm lý cần thời gian mới thay đổi. Tới tháng 9, sau trận hòa 1-1 ở Rangers, Ferguson công khai thì nói ông hài lòng, nhưng đã lại điên tiết trong phòng thay đồ vì Aberdeen lùi quá sâu, để lãng phí thời gian và không dứt điểm được trận đấu. Dù là ở Ibrox, ông vẫn muốn tấn công và muốn chiến thắng.
Những sự xao nhãng như thế từ cầu thủ chắc chắn khiến họ khốn khổ hơn nhiều nếu như Ferguson không quá bị phân tâm trong năm đầu. Gia đình ông vẫn sống gần Glasgow, và chuỗi ngày ở St Mirren cộng với phiên tòa phần nào làm ông mệt mỏi. Tệ hơn, cha ông ốm nặng. Khi Ferguson thua kiện trong năm đó - “một đòn đau” - tình trạng của cha ông cũng trở nên tệ hơn. (Trong những cuốn sách của mình, Ferguson có vẻ đã liên hệ hai điều đó với nhau). Vào tháng 2, Aberdeen tới làm khách ở Love Street, và đang dẫn 2-0 khi trọng tài đuổi Miller và tiền vệ cánh Ian Scanlon, khiến Aberdeen chỉ còn 9 người, tạo cơ hội cho St Mirren gỡ 2-2. Vốn đã rất căng thẳng, Ferguson lại chửi trọng tài, và ông này đã báo cáo anh với LĐBĐ Scotland. Không lâu sau đó, tay thợ điện ở St Mirren, người Ferguson biết rõ, gọi ông vào một phòng riêng và báo với ông rằng cha ông vừa qua đời. “Tôi hoàn toàn sụp đổ”, Ferguson viết. Đám tang diễn ra ở Glasgow thứ Tư tới, buổi chiều hôm đó, và trên đường lái xe về từ Aberdeen, Ferguson đã dừng lại giữa đường để khóc cho hết nước mắt.
Mùa giải đầu tiên quá khó khăn, tới mức Ferguson chỉ muốn nó qua cho nhanh. Aberdeen về đích hạng 4, dù chơi khá hứa hẹn ở các giải cúp. Tại Cúp QG, họ đánh bại Celtic ở tứ kết sau hai lượt, và Ferguson đặc biệt hài lòng về thái độ của các cầu thủ ở Parkhead, nơi họ không hề chùn chân trước bầu không khí thù địch. Chai nước nằm khắp sân, ẩu đả diễn ra trong đường hầm, nên với Ferguson, chiến thắng 2-1 đó cho thấy các cầu thủ của ông đã sẵn sàng cho những điều lớn lao.
Aberdeen sau đó thua trận bán kết dưới tay Hibs, nhưng vào chung kết League Cup, nơi họ có cơ hội phục thù trước Rangers. Họ dẫn 1-0 khi chỉ còn lại ít phút và Ferguson làm một chuyện khác thường: ông cầu nguyện. “Không phải cầu nguyện đâu, anh bạn, chúng ta sẽ thắng”, trợ lý của ông nói với ông. Nhưng rồi Rangers gỡ hòa. Kịch tính thật sự diễn ra trong hiệp phụ. Hậu vệ khổng lồ của Aberdeen Doug Rougvie bị đuổi khỏi sân vì một sự cố không có bóng với Derek Johnstone, và Rangers đã thắng. Rougvie và cả đội Aberdeen phản đối trọng tài, trong khi Rangers bảo vệ ông. Vụ cãi cọ sau đó rất căng, và Ferguson đã chỉ trích dữ dội Johnstone trên báo, nhưng thời đó chưa có máy quay khắp nơi như bây giờ và tới tận ngày nay những gì diễn ra vẫn là một bí ẩn.
Dẫu thế nào, Ferguson đã kết thúc mùa giải đầu tiên trắng tay. Báo chí nghi ngờ ông. Một số cầu thủ không thích ông. Không lâu sau đó, ngài chủ tịch CLB gọi ông lên văn phòng.
Trần Trọng
Dịch từ Time on the ball