Những chàng trai 8X và giấc mơ phục dựng cổ phục (kỳ 1): Đưa cổ phục Việt vào phim ảnh, giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát từ niềm “tự tôn và tự ái” dân tộc, những người Việt trẻ đã bắt tay vào nghiên cứu phục dựng, sản xuất và tìm cách đưa cổ phục đến với đời sống đương đại. Để rồi, họ đã có được những kết quả bước đầu…
1. Chúng ta đang nói đến câu chuyện của Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Văn Hiệu, những chàng trai đến từ công ty Ỷ Vân Hiên. Thời gian qua, cái tên ấy đang dần trở nên quen thuộc với khán giả, khi những bộ cổ phục của Ỷ Vân Hiên đã lần lượt xuất hiện trong phim Phượng khấu (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) và MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của ca sĩ Hòa Minzy.
Cụ thể, Ỷ Vân Hiên là đơn vị sản xuất hơn 300 bộ cổ phục trong Phượng khấu và toàn bộ trang phục cảnh đại hôn (hôn lễ lớn) giữa Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu trong MV của ca sĩ Hòa Minzy.
Công ty được thành lập được thành lập từ 2018. Như lời Giám đốc Nguyễn Đức Lộc, anh và Nguyễn Văn Hiệu - hiện đang là chuyên viên nghiên cứu của Ỷ Vân Hiên - đã thai nghén giấc mơ về nó từ lâu.
“Thật sự mọi thứ xuất phát từ niềm tự tôn và tự ái dân tộc của tôi mỗi khi đi ra quốc tế. Nhìn những luồng văn hóa ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam, tôi càng thấy xót xa về sự yếu, thiếu, kém hiểu biết văn hóa truyền thống cha ông của những người Việt trẻ ngày nay” - Lộc nói. “Chính vì thế tôi muốn dành toàn bộ tâm lực của mình, góp một phần vào việc phục hưng các giá trị truyền thống, đặc biệt là cổ phục”.
Đáng nói, ở độ tuổi 9X, những người như Lộc và Hiệu cũng không hề ảo tưởng hay quá viển vông với công việc của mình. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Ỷ Vân Hiên được xác định rất rõ ngay từ những ngày đầu thành lập: Ỷ Vân Hiên sẽ là nơi tập trung nghiên cứu cổ phục để tái hiện và đưa kết quả ra với công chúng qua những sản phẩm nhìn thấy được, sờ thấy được. Có nghĩa, những sản phẩm ấy cần được thương mại hóa bằng cách thổi vào nó một hơi thở mới qua những hình thức mới, công cụ mới dể xuất hiện trong sân khấu, điện ảnh và cả các sản phẩm giải trí, du lịch…
“Nhiều năm làm về văn hóa truyền thống trước đó, tôi hiểu rất rõ: Văn hóa truyền thống muốn phát triển được phải song hành cùng kinh tế. Văn hóa có kinh tế mới thăng hoa được. Kinh tế cũng phải có văn hóa mới đạt được một tầm vóc khác” - Lộc nói thêm. “Đó không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà còn của thế giới, nhất là các nước phát triển, họ đã trải qua việc đó rồi. Tự thân các cổ phục, các giá trị mà chúng tôi nghiên cứu phải sống, phải nuôi sống chính nó để phát triển và đi một con đường dài chứ không phải chỉ là một phong trào nhất thời”.
2. Tất nhiên, việc bước vào một lĩnh vực như vậy không hề đơn giản. Như tổng kết của Hiệu, trong thời gian đầu hoạt động Ỷ Vân Hiên, niềm vui rất nhiều, nỗi buồn và sự hối tiếc cũng không ít.
“Tôi vẫn thường chế vui một câu trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Khi Khôi huyện quân không một mống” thành “Khi tháng 3 lương hết mấy tuần. Khi ngày 8 người không một mống” để nói về tình cảnh của Ỷ Vân Hiên vào một số thời điểm” - Hiệu nói. “Thật sự có những lúc rất khó khăn với chúng tôi về mặt tài chính, nhân sự. Riêng ở công việc nghiên cứu của tôi thì khó khăn lớn hơn gấp bội. Chúng tôi xây dựng mọi thứ từ một nền tảng không có gì. Tôi hay nói đùa với Lộc: Các lĩnh vực khác có thể đứng trên vai người khổng lồ. Còn chúng ta một là trở thành những người khổng lồ, hai là không làm gì được cả”.
Đến giờ sau 2 năm cố gắng, dù gặp rất nhiều khó khăn vất vả, Ỷ Vân Hiên đã có một số thành công nhất định và khẳng định được một chút thương hiệu của mình.
Điển hình, cảnh đại hôn hoành tráng trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy khiến rất nhiều khán giả ngỡ ngàng bởi những bộ phục trang được đầu tư kỹ lưỡng của Ỷ Vân Hiên. Ít người biết, đúng hôm nhóm của Ỷ Vân Hiên bay vào Huế thì thời tiết biến động. Họ lỡ chuyến, gần 12h đêm máy bay vẫn còn ở Đà Nẵng. Tất cả đều lo lắng, phía ê-kíp của Hòa Minzy cũng lo lắng không biết ngày mai trang phục có vào kịp để đảm bảo tiến trình quay hay không? Vào đến nơi, tất cả chỉ được nghỉ ngơi 3 tiếng thì đến giờ quay.
Còn phim Phượng khấu lại có số lượng trang phục rất lớn, hơn 300 bộ, chưa kể phục sức và trang sức trong phim cũng do Ỷ Vân Hiên tự làm. Số lượng trang phục rất lớn nhưng không bộ nào giống nhau, không bị trùng lặp nhau về màu sắc, chất liệu cũng như hoa văn họa tiết trên trang phục. Bộ nào cũng được họ đầu tư rất kỹ. Có những bộ được thêu tay rất tinh xảo, tỉ mỉ. Chất liệu sử dụng cũng đều là những chất liệu cổ truyền của người Việt do các làng nghề sản xuất như lụa Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Mã Châu (Quảng Nam)… được ứng dụng vào trang phục trong phim. Tất cả hết sức công phu từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm, chế tác, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
Trang sức trong phim cũng vậy. Với tinh thần cố gắng làm thật nhất có thể, Ỷ Vân Hiên sử dụng chất liệu bạc, vàng thật, được đặt riêng những thợ kim hoàn cao tay chế tác. Những viên đá đính trên cúc phượng, trâm cài cũng đều là những loại đá tự nhiên cao cấp.
Mũ mão trong phim cũng kỳ công không kém. Lộc và Hiệu may mắn nhận được sự tư vấn của nghệ nhân phục dựng mũ mão triều Nguyễn là chú Kim Lộc. Chú gửi tư liệu, gửi phom dáng để họ có thể làm lại những chiếc mũ đó đạt mức độ tinh xảo nhất.
“Khi chúng tôi đặt thợ làm, những mẻ đầu chưa đạt yêu cầu, phải hủy toàn bộ và làm lại mẻ khác. Không bàn đến sự tiêu hao tiền bạc, vì chúng tôi không đặt nặng chuyện đó, nhưng thật sự nó là sự cố gắng của ê-kíp Ỷ Vân Hiên với dự án này” - Lộc kể. “Nhìn chung, khi làm trang phục cho những dự án đó, chúng tôi có được niềm vui, niềm tự hào với công việc mình đang làm. Bởi chúng tôi là những người đã đưa được những bộ cổ phục của người Việt lên truyền hình, giải trí”.
“Không dám nói đã phục dựng chuẩn, nhưng đó đều là những bộ cổ phục được làm hết sức chỉn chu, công phu. Những bộ long bào triều phục, phượng bào… với hoa văn họa tiết triều Nguyễn được xuất hiện một cách rất chuẩn mực và được quay tại chính Đại Nội Huế - nơi nó được khai sinh ra” - Đức Lộc nói thêm.
(Còn tiếp)
Yên Khương