Nhức nhối nạn bắt nạt học đường ở Australia
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một báo cáo mới đây của Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Australia (ACER) cho thấy tỷ lệ học sinh Australia bị bắt nạt tại trường học cao thứ hai trong số 24/38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ sau Latvia ở khu vực Đông Bắc Âu. Báo cáo cho thấy học sinh ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Ba Lan ít bị bắt nạt nhất.
ACER đã công bố bản phân tích kết quả của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2022 của OECD, làm sáng tỏ nhiều yếu tố trong lớp học ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. ACER đã so sánh tình trạng của Australia với kết quả của 23 quốc gia có thành tích cao khác trong số 81 quốc gia tham gia PISA, qua đó ACER kết luận rằng việc học sinh bị bắt nạt sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Bắt nạt được đo lường qua 6 thước đo gồm: bị cô lập, bị chế nhạo, bị đe dọa, bị lấy hoặc phá hoại đồ dùng học tập, bị đánh hoặc xô đẩy, bị tung tin đồn ác ý. Gần 20% trong số 13.430 thanh thiếu niên Australia được khảo sát cho biết các em bị bạn cùng trường hoặc cùng lớp chế nhạo.
Cuộc khảo sát được tiến hành đối với học sinh 15 tuổi từ hơn 700 trường học trên toàn quốc cho thấy 10% cảm thấy bị cô lập hoặc có những tin đồn ác ý về mình, trong khi 5% bị đe dọa.
Nhóm học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là các học sinh nam, các học sinh sinh trưởng trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc những học sinh theo học tại các trường ở nông thôn. Theo báo cáo, các học sinh ở bang Tasmania phải đối mặt với tỷ lệ bắt nạt cao nhất trên toàn quốc, có thể là mỗi tháng một lần hoặc vài lần một tuần. 24% thanh thiếu niên bang Tasmania cho biết họ bị chế giễu vài lần mỗi tháng, cao hơn 10% so với các bạn cùng lứa ở bang Victoria, nơi có tỷ lệ bắt nạt thấp nhất. Tỷ lệ học sinh ở bang Tasmania bị đe dọa, bị lấy hoặc bị phá hoại đồ dùng học tập cao gần gấp đôi so với tỷ lệ trên toàn quốc.
Bà Lisa De Bortoli, nhà nghiên cứu cấp cao của ACER, thừa nhận tình trạng bắt nạt đã giảm trong khoảng thời gian 2018-2022, nhưng một phần là vì trong thời gian đó học sinh học trực tuyến do đại dịch COVID-19. Theo bà, giáo dục có tính "đa diện" và có một số khía cạnh giúp học sinh có thành tích học tập tốt, gồm mối quan hệ chặt chẽ hơn với giáo viên, cảm giác thân thuộc và an toàn khi ở trường.