Nhớ Thành Nam...
(Thethaovanhoa.vn) - Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ thành đồng ruộng, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò. (Sông Lấp - Trần Tế Xương)
Nói tới Nam Định, người ta thường nhắc tới “non Côi - sông Vị”, cũng như “núi Thuý - sông Vân” của Ninh Bình, “núi Đọi - sông Châu” của Hà Nam, “núi Nùng - sông Nhị” của Hà Nội...
Ở ta nhiều con sông đã bị lấp, do người hoặc do phù sa. Sông Vị Hoàng cũng vậy, nay chỉ còn là huyền sử.
Năm 2003, lần đầu đến thành Nam đưa tin SEA Games tổ chức ở Việt Nam, mỗi chiều Đông buốt lạnh rảo bộ từ SVĐ Chùa Cuối (nay là Thiên Trường), nơi trước đây có con ngòi đổ vào sông Vị làm ranh giới làng Đông Mặc với làng Vị Hoàng, về khách sạn, người viết càng thấm thía cái hay của 4 câu thơ xuất thần. Những xúc cảm do trải nghiệm thực tế, khác nhiều với những buổi nghe bình giảng thời ngồi ghế nhà trường. Sông lấp, nó là tiếng lòng không gì riêng thi sĩ, người Nam Định, mà nói hộ nhiều tâm sự, và còn chuyển tải cả những đổi dời của lòng người, thời cuộc.
20 ngày thật đáng nhớ ở thành Nam, lần đầu tiên đi viết SEA Games ở trong nước, lại ở tỉnh lẻ, nên kỷ niệm đó rất ngọt ngào. Tôi hết sức ngạc nhiên khi người Nam Định cực kỳ mê bóng chuyền. Sau này đi cũng nhiều, chưa thấy tỉnh nào fan bóng chuyện nhiệt như thành Nam.
Bóng đá Nam Định thời đó đang ở giai đoạn đỉnh cao, gắn với bộ đôi nổi tiếng: HLV Ninh Văn Bảo - Đỗ Thanh Xuân (nguyên Giám đốc Sở TDTT Nam Định). Ông Xuân hói đặc biệt cá tính, còn "tướng" Bảo đầy lão luyện, sâu sắc, lang bạt nhiều và có duyên với bóng đá miền Trung. Lứa sau này như HLV Ngọc Hảo, Bùi Hữu Nam, Văn Dũng, Văn Sỹ chưa thể sánh uy danh của ông Bảo.
Trở lại thời hưng thịnh của Nam Định, ngay khi giải chuyên nghiệp vừa ra đời (2000-2001), trận đấu cuối cùng mùa giải, Nam Định dẫn đầu với 34 điểm, gặp Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất. SLNA - 33 điểm tiếp CA.TPHCM ở Vinh. Kết quả Nam Định thua, SLNA thắng vô địch với kịch bản thế nào mọi người đều rõ.
Năm 2003, Nam Định đoạt HCĐ V-League vẫn với lối đá rất "quái". Cũng trong năm này, xuất hiện trận cầu lịch sử HAGL - Nam Định, mà mấy hôm nay báo chí rùm beng.
Cho đến mùa giải 2004, lúc HAGL và ĐTLA rất mạnh thì Nam Định vẫn kịp giành ngôi á quân V-Legue trước khi chìm nghỉm ở giải cao nhất đến tận hôm nay.
Từ một đội bóng giàu truyền thống, từng vô địch giải VĐQG (1985) để rồi vẫn rất mạnh ở buổi đầu bóng đá nước nhà lên chuyên, Nam Định đã phải thoái trào như nhiều đội bóng tỉnh lẻ khác. Cho nên, 25 nghìn khán giả đổ đến sân Thiên Trường cuối tuần qua một phần vì đội bóng họ đang chơi tốt, đối thủ - cố nhân 2003 là HAGL, mà vì ký ức đẹp đẽ, oai hùng.
Một đồng nghiệp chúng tôi rất tinh tế khi phát hiện trong nhiều bức ảnh chụp trên các khán đài, rất nhiều... cụ ông tóc đã trắng xoá. Họ là nhân chứng của bóng đá thành Nam từ thời xa lắc đầu hào khí. Cộng thêm báo chí "thổi" rất nhiệt tình, đột nhiên 2 trở thành "trung tâm vũ trụ" vòng 19.
Nhu cầu tìm về dĩ vãng với nhiều giá trị đẹp đẽ của bóng đá Việt đang rất bức thiết. Đấy là những khán đài rực lửa, nêm kín khán giả. Đấy là những đội bóng có lượng fan thuỷ chung lớn. Cần thêm nhiều ngọn lửa như sân Thiên Trường, để hâm nóng bầu không khí V.League vốn nguội nhạt.
Nhiều đồng nghiệp phương xa tuần qua đã bày tỏ niềm vui được về lại Thiên Trường. Còn tôi, chỉ được "vẳng nghe" những âm thanh xao xuyến của thành Nam 16 năm trước, lúc mới vào nghề đầy bỡ ngỡ và ngây thơ.
Hữu Quý