Nhớ nhà thơ Dương Tường: Nhà 'khủng-long-chữ-nghĩa' đi về miền cách tân

Tối 24/2/2023, một nhà thơ trẻ cùng quê Xứ Đoài với tôi, nhắn tin: "Nhà thơ, dịch giả Dương Tường vừa mất anh ạ! Thế là bác "khủng-long-chữ-nghĩa" cuối cùng của thế hệ các tên tuổi lớn: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm đã ra đi ở tuổi 92".
27/02/2023 08:10
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Tối 24/2/2023, một nhà thơ trẻ cùng quê Xứ Đoài với tôi, nhắn tin: "Nhà thơ, dịch giả Dương Tường vừa mất anh ạ! Thế là bác "khủng-long-chữ-nghĩa" cuối cùng của thế hệ các tên tuổi lớn: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm đã ra đi ở tuổi 92". Tôi nghĩ nhà thơ trẻ liên tưởng không sai, vì trong bốn chục năm, Dương Tường đã dịch sang tiếng Việt hơn 50 tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng ở nhiều nước nhưAnh, Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Áo, Hy Lạp, Brazil, Nam Phi, Nhật Bản…

Tính trung bình, năm nào Dương Tường cũng dịch hơn một đầu sách và nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới đã thành cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong những năm chiến tranh và cả thời hậu chiến.

Ví dụ như Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Cội rễ, Người dưng, Alexis Zorba, Bức thư của người đàn bà không quen, Con đường xứ Flandres, Cái trống thiếc, Kafka trên bờ biển, Chết chịu, Lolita…

Cho đến trước khi công bố một số tập thơ, Dương Tường đã là một dịch giả văn học rất nổi tiếng. Ông bước vào làng thơ và lập tức gây ra những tranh cãi về một thứ thơ còn xa lạ với dòng thơ chính thống.Nhưng đọc kỹ thơ Dương Tường, mới thấy ông đã chủ động xây dựng một ngữ- hệ- mới trong thi pháp Dương Tuờng nhằm mục đích tối thượng là cách tân trong sáng tạo ngôn ngữ thơ mà bài thơ Để ghi trên mộ chí sau nàycủa ông chỉ duy nhất có một câu "Tôi đứng về phe nước mắt" đã phần nào nói lên điều ấy.

Nhớ nhà thơ Dương Tường: Nhà 'khủng-long-chữ-nghĩa' đi về miền cách tân - Ảnh 1.

Nhà thơ Dương Tường

Ông thơ già "chịu chơi"

Có thể nói, trong nhiều năm, căn nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ đầu phố Phan Huy Chú của Dương Tường trở thành một "địa chỉ văn hóa", nơi gặp gỡ giao lưu của nhiều văn nghệ sĩ khắp cả nước và đặc biệt, ông rất liên tài khi cổ vũ những người viết trẻ, những họa sĩ trẻ.

Một buổi sáng, ông gọi điện thoại bảo tôi ra quán café trên phố Lý Thường Kiệt gần nhà ông. Ra đến nơi, tôi thấy ông đang ngồi với mấy nhà thơ trẻ khá nổi tiếng ở TP.HCM, nằm trong nhóm những cây bút mới có những cách tân khá quyết liệt trong thi ca.

Buổi trò chuyện diễn ra vui vẻ khi nhóm bạn thơ này coi Dương Tường là bậc sư phụ về thi ca cách tân. Ông kể cho họ nghe về những thể nghiệm thơ độc đáo cách đó hàng chục năm của nhóm các nhà thơ cùng thế hệ; về thơ thị giác và thơ ngoài lời trong thơ Trần Dần và thơ của ông.

Chúng tôi ngồi nhấm nháp chút café và thưởng thức nẻo đường nhạc lạ trong thơ Dương Tường như đang ngân vang một thứ nhạc tình tuyệt diệu như sau:

Chờ em đường dương cầm xanh
dậy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vằng ngực dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mọng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhụy lạch dương cầm xuân
Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc

xào xạc lòng tay khuya
anh về lối dương cầm lạnh.

Tôi thầm nghĩ, đến với thi ca, Dương Tường là một ông thơ già "chịu chơi". Có nhiều lúc ông bày trò "nghịch ngợm" chữ nghĩa làm bọn hậu sinh rối cả mắt, họ muốn học đòi kiểu chơi của ông nhưng không theo kịp, bởi Dương Tường có những "chiêu thức" bất ngờ đến quái lạ trong trò chơi con chữ - con âm. Ông thơ già này rất chịu khó "tân trang" hình thức với những bài thơ được sắp xếp theo kiểu sắp đặt một cách có chủ ý nhằm tiến đến một sự… chơi thơ "cao ngạo" trong thi ca.

Nhớ nhà thơ Dương Tường: Nhà 'khủng-long-chữ-nghĩa' đi về miền cách tân - Ảnh 2.

Kiểu như: "Thời gian như một cái nhìn vàng/ vẫn lạc lối hoài trong một im lặng trầm/ đa giác// Cái dằm khổ vẫn mắc trong lìm lịm ba/ mươi hai lớp thịt tháng năm// Tôi đến em/ tôi ái tình từ đầu móng tay/ chân sợi tóc/ tôi/ luỹ thừa yêu/ luỹ thừa nhớ/ luỹ thừa đau/ xin nhập hộ không đăng ký đuôi mắt dài/ phố sao em bối rối".

Sở dĩ tôi mạn phép gọi là sự chơi thơ "cao ngạo" bởi cái mới trong thơ cũng có dăm bảy đường, nhưng riêng Dương Tuờng một mình một lối. Ông biết rõ cái kiểu "làm mới chữ nghĩa " này nếu chơi non tay một chút là sẽ bị ma trận chữ nuốt hồn luôn. Vì vậy, ông chủ động chơi "thể nghiệm" tới độ có thể làm biến nghĩa một vài con âm - con chữ, coi chúng như một thứ vật liệu để xây cất ngôi-nhà-thơ:

những bản thảo jà chín tháng
mười ngày
còn bị nạo thai

cho
cái cột đèn sàm sỡ đêm nào
cũng zòm zèm cửa sô chỉ điểm

phòng xép đôi vợ chồng mới
cưới
cho
lênh láng đường Bà Triệu mùi
hoa sữa hiện sinh hễ
trở heo may lại rơm rớm đùi
zài mini-jupe và
công khai đồng tính luyến ái
với chùm zạ lan quá mùa
vẫn vị thành niên
ấy đấy
để
trả lãi bằng
án sống

hàng zẫy phố mưa tưa zậu sắt
hình như giọng kim soprano vì
khe vú hở ra rất trắng

chi chi chành chành
tôi khóc ngồi
lặng tròn vơi.

Và một liệu pháp bất ngờ là sau kiểu chơi thơ "cao ngạo" này, những câu thơ của Dương Tường lại mang trong mình một ẩn nghĩa ngôn ngữ khá sống động của nhiều dạng tâm trạng đời sống đương đại. Dưới con âm - con chữ ấy, nhà thơ là một khách thể tồn tại có lý do và vô lý do để nâng cao những suy tưởng vì sự-cứu-rỗi-cái-đẹp.

Ở đây tất cả đều tủn mủn
Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng

Thôi chào tovaritch Thế kỷ
Giờ lũ hồng rồi
Tôi chẳng còn thì giờ dặn dò cái chậu giặt

Kìa một con chim xứ rét đã về
ngậm một nhành IM  hoá thạch

tôi đi
hành tinh hoang.

Ta hãy chú ý trong kiểu - chơi - thơ nói trên của Dương Tường, cách sắp xếp những câu thơ theo một bố cục hình hoạ cho thấy, có vẻ như được nhà thơ  đã tính toán khá kỹ. Và trong một bức tranh thơ như vậy, đường nét cảm xúc nào đặt cạnh hình khối tư duy nào dường như không phải chỉ là một sự ngẫu hứng tuỳ tiện của tác giả. Qua đấy, mới biết, với thế mạnh của một dịch giả, Dương Tường đã triển khai việc Tây-hoá hình thức thơ Việt theo một kiểu chơi khá công phu. Và phải chăng đây là một phát hiện, một đóng góp của ông cho nền thơ đương đại đang mở ra nhiều hướng cách tân của chúng ta?

Bao giờ
về

thượng nguồn thơ
nghe

U  ơ 

jó bờ đau
xạc xào
trang cát chữ

cung cầm lạc rưng rưng khói mặt
người sập sẹ nắm hột khuya rắc
vào bến lạ

ghe ghe buồm
gai chiều mù
u mộng trắng

 phải
lọt lòng
tôi dị chứng mang

một khối U thơ.

Bài thơ gửi nhà thơ Đặng Đình Hưng nói trên của nhà thơ Dương Tường như một tuyên-ngôn-tự-thú lặng lẽ của ông, nó hàm chứa nỗi đau của kẻ sáng tạo khi biết mình suốt đời mang một khối u-thơ dị chứng khốn khổ vì cái đẹp. Bởi thế, những người như Dương Tường luôn luôn khác người, luôn luôn đi tìm những dị bản thơ khác thơ.

Nhớ nhà thơ Dương Tường: Nhà 'khủng-long-chữ-nghĩa' đi về miền cách tân - Ảnh 3.

Dương Tường với bạn thân, cũng là thầy thơ - nhà thơ Lê Đạt

Kiên trì viết

Vào thời gian những năm cuối 60 và đầu 70 của thế kỷ trước, những thử nghiệm về thi ca của 5 nhà thơ: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tườngkhông nơi nào in cả. Nhưng họ vẫn mê mải viết, kiên trì thử nghiệm rồi… chỉ đút vào ngăn kéo, và chỉ khi nào vui thì đưa ra đọc cho anh em bạn bè thân quen nghe trong những lúc "trà dư tửu hậu".

Trong một lần trò chuyện với tôi về nhóm 5 nhà thơ nói trên, nhà thơ Hoàng Cầm cho biết: "5 người chúng tôi không chỉ là một nhóm thơ cùng chí hướng mà còn là tình bạn gắn bó lắm. Tất cả những bài thơ mới viết, chúng tôi đều đọc cho nhau nghe, không ai giấu ai cái gì, tất cả đều vì thơ ca. Vì là bạn thân nên chúng tôi hiểu được những điều muốn nói của nhau trong thơ, cái mà người khác có khi không hiểu được".

"Trong nhóm 5 người, Trần Dần là số 1, ông ấy lù lù như một núi Thái Sơn về cách tân thơ và có rất nhiều đóng góp cho thơ hiện đại. Trần Dần chủ định đổi mới thơ và tìm tòi, cân nhắc trong từng câu chữ. Trần Dần lặng lẽ kiên trì đổi mới thơ sao cho bài sau phải khác bài trước theo một cách làm khác người. Trần Dần đổi mới ngay từ trong kháng chiến khi viết bài thơ dài Việt Bắc. Ông Trần Dần quyết định "chôn" Thơ mới, Tiền chiến. Thật ra Thơ mới,Tiền chiến cũng có đóng góp lớn cho nền thơ Việt Nam, nhưng nếu chúng ta cứ nhai đi nhai lại mãi thì cũng nhàm chán. Do vậy, Trần Dần phải cách tân" - Hoàng Cầm cho biết.

Nhận định nói trên của nhà thơ Hoàng Cầm cũng trùng với tâm sự của nhà thơ Dương Tường: "Thơ tôi gần với thơ Trần Dần và tôi chịu ảnh hưởng của ông. Nếu nói thơ tôi có khác với Trần Dần thì đúng là có cái khác vì tôi vừa là bạn vừa là học trò của Trần Dần" - Dương Tường thừa nhận - "Những cuộc trao đổi về thi ca với Trần Dần đã mở cho tôi hướng đi mới. Ví dụ như ở thời điểm chúng tôi cùng trao đổi với nhau về thơ thị giác, thơ ngoài lời thì những cách tân của Apollinaire (nhà thơ Pháp), của George Herbert (nhà thơ Anh)… về loại thơ này cũng đang được bàn tới trong thi ca thế giới. Lúc đó, tuy chưa tiếp cận được văn bản thơ thị giác, thơ không lời của các nhà thơ này, nhưng Trần Dần và tôi đã mở một cuộc chơi "Thơ vô ngôn". Đến sau này, khi có được bản in thơ không lời của họ, tôi mới thấy các thể nghiệm thơ vô ngôn của Trần Dần và tôi cũng có những nét tương đồng. Vì thơ không chỉ có một cách biểu hiện bằng ngôn ngữ mà còn bằng ký tự và khi nó đến, nó có thể được kết hợp bằng cả hình ảnh và âm thanh, bởi nó là một dạng siêu ngôn ngữ".

Năm 2012, ở độ tuổi 81, bản dịch tiểu thuyết Lolita hơn 400 trang của nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov của Dương Tường lại gây xôn xao dư luận, ông đã mất 2 năm ròng mới hoàn thành việc dịch tác phẩm này.

Bởi Vladimir Nabokov, một nhà văn khác thường, và cũng là một trong những cây bút kiệt xuất nhất thế kỷ XX. Cuốn tiểu thuyết Lolita đã được dịch và xuất bản tại gần 40 quốc gia, đứng trong Top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại, Top 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Dương Tường cho biết, khi dịch cuốn sách này, ông đã phải soạn tới 500 chú thích để giúp bạn đọc hiểu được những ẩn nghĩa sâu xa của tác giả trên mỗi trang sách và công việc này chiếm một nửa thời gian biên dịch của ông. Và để ghi nhận sự đóng góp của ông cho nền dịch thuật đương đại, Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải thưởng năm 2012 cho bản dịch Lolita, một giải thưởng xứng đáng.

Mười một năm sau của giải thưởng văn học đáng ghi nhớ này, Dương Tường-"người đứng về phe nước mắt" đã ra đi vào một ngày xuân giá lạnh, sau hơn nửa thế kỷ cầm bút đầy sáng tạo. Và Dương Tường, nhà "khủng-long-chữ-nghĩa" đã đi về miền thượng nguồn của thơ cách tân để gặp các bạn bè chí cốt một thời của mình như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên…

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"

Khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"

Sáng 20/12/2024, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm "Xứng danh bộ đội Cụ Hồ".

Nhìn lại năm 2024: Ngành Văn hóa về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng

Nhìn lại năm 2024: Ngành Văn hóa về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng

Năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp vào bức tranh thành tựu chung của đất nước, góp phần tạo nên sức bật vươn xa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lần đầu tiên một Festival Guitar quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng

Lần đầu tiên một Festival Guitar quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng

Sau những Guitar concert được tổ chức định kỳ vào dịp cuối năm tại thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua, vào năm 2024 này, Danang International Guitar Concert trở lại với một diện mạo mới

Nguyễn Đình Thi - nhà văn hoá lớn, "cây đại thụ" của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Nguyễn Đình Thi - nhà văn hoá lớn, "cây đại thụ" của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến một nhà văn hoá lớn, một tài năng lớn, "cây đại thụ" của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 3): Hợp tác công tư để tạo đột phá

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 3): Hợp tác công tư để tạo đột phá

Hợp tác công tư (Tiếng Anh là Public-Private Partnership, viết tắt là PPP) là các thỏa thuận hợp tác lâu dài được thiết lập giữa các đối tác công và tư nhằm mục đích lập kế hoạch, thiết kế, cấp vốn, xây dựng và quản lý các dự án.

80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam: Khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024

80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam: Khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024

Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024 với chủ đề "Âm nhạc kết nối tình hữu nghị".

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 2): Cần thực tế và thực tâm

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 2): Cần thực tế và thực tâm

Những năm qua, đã có rất nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp văn hóa của từng địa phương cũng như cả nước.

5 yếu tố quen thuộc trong câu chuyện Giáng sinh không xuất hiện trong kinh Thánh

5 yếu tố quen thuộc trong câu chuyện Giáng sinh không xuất hiện trong kinh Thánh

Mỗi mùa Giáng sinh, hàng triệu trẻ em trên khắp toàn cầu hồ hởi tham gia vào vở kịch Giáng sinh tại trường học. Vở kịch này - thường được biết đến như câu chuyện Giáng sinh - nhằm tái hiện sự ra đời của Chúa Jesus Christ.

Tin mới nhất

Chuyến tàu The first luxury train in Vietnam - Sjourney

Chuyến tàu The first luxury train in Vietnam - Sjourney

Chuyến tàu The first luxury train in Vietnam - Sjourney, chính thức đón đoàn khách nước ngoài đầu tiên vào lúc 16:30 ngày 18/12/2024 tại ga Sài Gòn.

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Chào mừng lễ Giáng sinh và năm mới 2025, các đơn vị du lịch, lưu trú, điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có nhiều hoạt động, chương trình độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan Ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc”.

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước) nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng Đông Nam được ví như "tiểu sa mạc Sahara" với cảnh quan và địa hình độc đáo.

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Ngày 12/12/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airline tổ chức sự kiện “Phở và Nem: Đường đến với ẩm thực Việt Nam - Bay thẳng Việt Nam - Italy từ tháng 7/2025” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.