Nhạc Việt 2017: Những xu hướng mới, những tín hiệu vui
(Thethaovanhoa.vn) - Đã có những ý kiến cho rằng, làng nhạc Việt 2017 không có nhiều thành tựu, ngoài những tranh cãi vô bổ.
- Mỹ Tâm tiếp tục 'công phá' thị trường nhạc Việt với hai show diễn 'khủng'
- Noo Phước Thịnh mang ca khúc mới nhất vào Gala Nhạc Việt 10
- Có gì thú vị khi Tùng Dương hát chung với 4 diva nhạc Việt?
Tuy nhiên, gạt bỏ đi những ồn ào đôi khi là phù phiếm ấy, showbiz Việt cũng có những tín hiệu vui và xu hướng mới.
Thị trường băng đĩa “hồi sinh” sau hiện tượng Mỹ Tâm?
Có thể nói, sự kiện Album Tâm 9 của Mỹ Tâm lọt top những băng đĩa bán chạy nhất thế giới trên trang bán nhạc trực tuyến Amazon dịp cuối năm khiến cho người ngạc nhiên và thích thú. Lần đầu tiên trong lịch sử, một ca sỹ Vpop có thể sánh vai với những ngôi sao hàng đầu thế giới xét ở góc độ tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù chỉ xuất hiện vị trí thứ 3 trong vòng ít giờ và sau đó rớt xuống thứ 9, nhưng đây thực sự là niềm tự hào không chỉ cho Mỹ Tâm, mà còn là hi vọng cho sự “hồi sinh” của thị trường băng đĩa vốn èo uột những năm gần đây.
Khán giả ngày nay có quá nhiều hình thức nghe nhạc, đặc biệt là Online, vì thế, lâu nay băng đĩa gần như bị rơi vào quên lãng. Rất ít nghệ sỹ chọn cách ra CD truyền thống, thay vào đó, họ chọn hình thức phát hành Online, thậm chí trước đây nhiều ca sỹ kỳ công làm DVD thì nay cũng chuyển qua phát hành MV trên mạng, đó là xu hướng không thể cưỡng lại được khi nền kỹ thuật công nghệ phát triển như vũ bão tác động đến xu hướng nghe nhạc của công chúng cũng thay đổi.
Vì thế, việc CD Tâm 9 của Mỹ Tâm lọt top bán chạy nhất thế giới trên Amazon là điều khiến những nhà sản xuất và ca sỹ cần phải nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi. Vẫn là Tâm 9, ngoài việc bất ngờ lọt top trên Amazone, tại thị trường Việt Nam, ngay trong buổi ra mắt cô đã bán được hơn 5 ngàn đĩa, điều này cho thấy, không phải CD đã hết thời, mà quan trọng là cách tiếp cận khán giả như thế nào, phối hợp giữa truyền thông và marketing ra sao để tạo nên sức hút cho sản phẩm.
MV lyric và “phim ca nhạc” chiếm ưu thế
Trong năm 2017, xu hướng làm MV lyric nở rộ như một trào lưu mới, bên cạnh những MV được đầu tư “khủng” bằng nội dung được dàn dựng như một bộ phim ngắn.
Nếu như những năm trước, các ca sỹ ra MV đa số đều quay hình minh hoạ cho nội dung thì trong năm 2017, rất nhiều ca sỹ đã chọn hình thức MV lyric để giới thiệu sản phẩm của mình đến với công chúng. MV lyric được thiết kế đồ hoạ bằng ảnh và chữ trên nền bản audio rất phù hợp với những ca sỹ trẻ chưa có nguồn lực tài chính mạnh mẽ, đã vậy lại nhanh và không tốn kém về nhân lực cũng như các công việc cồng kềnh của một sản phẩm truyền hình.
Hình thức này được nhiều ca sỹ trẻ thực hiện để giới thiệu ca khúc mới, bên cạnh đó, những ngôi sao lớn cũng sử dụng hình thức này để quảng bá cho các sản phẩm CD hoặc MV chính thức, nằm trong kế hoạch truyền thông của họ.Những MV Lyric này thậm chí cũng đạt được lượt xem “khủng” trên youtube như Điều buồn tênh (Quang Vinh), Phía sau một cô gái (Soobin Hoàng Sơn), Em ơi (Vũ Cát Tường), Đừng rời xa anh (Mr Siro), Người con gái ta thương (Hà Anh Tuấn),...
Nếu như MV lyric là một xu thế được nhiều ca sỹ trẻ sử dụng, thì MV dạng “phim ngắn” lại được các ngôi sao lựa chọn để giới thiệu sản phẩm của mình. Hàng loạt những cái tên như Mỹ Tâm với Đừng hỏi anh, Hồ Ngọc Hà (Cả một trời thương nhớ), Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh, Em gái mưa (Hương Tràm),... đều sử dụng dạng phim ngắn để thể hiện trong MV. Đây là những MV được đầu tư nội dung có cốt truyện, diễn xuất và hình ảnh được quay như các bộ phim tạo được ấn tượng rất mạnh. Đặc biệt trong số đó phải kể đến MV Đừng hỏi em của Mỹ Tâm và Em gái mưa của Hương Tràm, đây là hai MV có cốt truyện rõ ràng, kịch tính và mang lại cảm xúc cho người xem.
Có thể nói, nếu MV lyric là xu hướng của những ca sỹ trẻ chưa thực sự nổi tiếng, hoặc là sản phẩm “nhá hàng” của các ngôi sao thì MV dạng “phim ngắn” chính là xu hướng mà nhiều ca sỹ sẽ tiếp tục theo đuổi, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả lớn khi được khán giả đón nhận, mà nó còn thể hiện được sự sáng tạo của các nghệ sỹ.
Showcase và “fanmeating” trở thành “bảo bối” của ngôi sao
Thị trường biểu diễn năm 2017 cũng không có nhiều biến động, khá bình lặng và bão hoà. Nếu như 2016 là năm bùng nổ của bolero thì sang đến 2017, thể loại này đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại vì “người người hát bolero, nhà nhà làm bolero”. Các show bolero vẫn được tổ chức đều đặn ở mức độ khá dày, tuy nhiên sức hút của nó đã không còn mạnh mẽ như trước đây. Điều này khá dễ hiểu vì cái gì “quá” cũng mất hay. Các show ca nhạc cũng không nhiều mới mẻ, những show diễn có thương hiệu vẫn giữ được phong độ, đó là điều đáng trân quý.
Trong năm 2017, hình thức fanmeating cũng mang lại hiệu quả cho nhiều ca sỹ. Với định dạng họp fan kết hợp với biểu diễn đã tạo nên những thành công bất ngờ mà một trong những người tiên phong hình thức này là Sơn Tùng M-TP, thậm chí anh còn sang cả Hàn Quốc để thực hiện fanmeating tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng người hâm mộ. Những ca sỹ như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi hay gần đây là ChiPu cũng đã từng sử dụng hình thức này và nó tạo thành một xu hướng, thay vì chỉ họp fan bình thường và lên hát giao lưu như trước nay các ca sỹ vẫn làm.
Ngoài fanmeating, showcase cũng là hình thức đáng chú ý của giới nghệ sỹ, điển hình là Mỹ Tâm. Đây là hình thức không mới ở nước ngoài nhưng khá hiếm tại Việt Nam. Để quảng bá album Tâm 9, Mỹ Tâm đã tổ chức 3 showcase tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng tạo nên “cơn sốt” chưa từng có về hiệu ứng truyền thông. Đây được coi là “bảo bối” của không chỉ Mỹ Tâm mà chắc chắn sẽ có nhiều ca sỹ học tập trong năm tới.
Việt Tùng