Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 9): Chuyên gia âm nhạc Kat Ha đặt nền móng cho nhạc kịch từ tuổi mầm non
Mấy năm gần đây, chuyên gia âm nhạc Kat Ha (Hà Thị Thư) đã quyết định xây dựng một sân khấu nhạc kịch dành cho tuổi mầm non, mang tên Sân khấu nhạc kịch Lấp lánh. Với chị, nuôi dưỡng tình yêu nhạc kịch ngay từ nhỏ chính là cách tạo nên những kết nối bền vững cho tương lai.
Kat Ha có nhiều năm giảng dạy về cảm thụ âm nhạc, từng tham gia biên soạn sách giáo khoa âm nhạc tiểu học và là giám đốc Trung tâm nghệ thuật Cremusic.
* Đầu tiên, chị có đánh giá như thế nào về sự phát triển của nhạc kịch tại Việt Nam trong những năm gần đây?
- Trong khoảng 2, 3 năm gần đây, khá nhiều đơn vị hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam đã nhìn nhận nhạc kịch là một xu hướng trình diễn có thể tích hợp nhiều loại hình, vừa mang tính giải trí, vừa mang tính nghệ thuật, nên đã đầu tư khá mạnh mẽ trong cả tổ chức sản xuất và truyền thông. Điển hình có The Youniverse, Sân khấu nhạc kịch Lấp lánh, Rose Media, Nhà hát Tuổi trẻ, Arttown…
Từ đó nhạc kịch tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, mà điều nhìn thấy được rõ nhất là số lượng các vở, các suất biểu diễn tăng lên, khán giả đến rạp đông hơn. Từ đó kéo theo các khóa đào tạo hoặc lớp học nhạc kịch cũng gia tăng để đáp ứng việc cung cấp các diễn viên.
Nội dung thông điệp của các vở nhạc kịch phong phú, dàn dựng hấp dẫn và đáp ứng được với nhiều nhóm tuổi. Từ những em bé 2 tuổi đến người lớn đều có thể tìm được những vở nhạc kịch phù hợp với mình.
Ngoài các vở nhạc kịch kinh điển được mua bản quyền, thì có nhiều vở được viết lên và sản xuất bởi chính con người Việt Nam.
* Với riêng chị, quá trình xây dựng những vở nhạc kịch cho thiếu nhi đã diễn ra như thế nào?
Năm 2013, khi công tác ở Vinschool, tôi có cơ duyên được gặp gỡ và làm việc cùng NSƯT Đặng Châu Anh. Chị chính là người đã khai sáng cho tôi về nhạc kịch cho trẻ mầm non. Trên nền tảng đó, sau này khi triển khai chương trình cảm thụ âm nhạc Cremusic, tôi đã lựa chọn nhạc kịch là hình thức trình diễn để học sinh báo cáo kết quả sau một kỳ học hoặc một năm học tới phụ huynh.
Những nhạc kịchđầu tiên như Lạc vào xứ sở thần tiên (2017), Dưới đáy biển sâu (2018), Vương quốc bánh kẹo (2019)…dù hình thức vô cùng đơn sơ, lại không truyền thông, nhưng vẫn được phụ huynh dành cho nhiều lời khen và được học sinh yêu thích. Bởi tại thời điểm đó, giữa các chương trình văn nghệ với từng tiết mục đơn lẻ do MC mời lên biểu diễn thì đâu đó những nhạc kịch của Cremusic là một luồng gió mới lạ.
Sau Covid-19, tôi bắt đầu sáng tác riêng các bài hát cho các màn, cảnh và nhân vật của các vở Voi học múa ba-lê (2022), Chuyện mùa trăng (2022), Đồng cỏ hòa ca (2023)... Tuy chưa hẳn là những nhạc kịch thực thụ, nhưng chất lượng của các vở từ nội dung cho đến hình thức được nâng cao lên rất nhiều so với trước đây. Bởi tôi đã tìm được 2 viên ngọc quý, 2 cộng sự đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Trọng Duy và tác giả Nguyễn Chiều Xuân.
Nguyễn Trọng Duy là nhạc sĩ trẻ tài năng, có khả năng tạo ra những không gian âm nhạc cổ tích để giai điệu của các bài hát thiếu nhi được bay bổng. Nguyễn Chiều Xuân là CEO của Công ty phát hành sách Lionbooks và là tác giả của rất nhiều đầu sách thiếu nhi thuần Việt được cộng đồng các cha mẹ có con trong độ tuổi mầm non đánh giá cao về chất lượng.
Chính các nguồn lực về nhân sự, tài chính, thiết kế và truyền thông cho các vở nhạc kịch được tăng cường, các khâu tổ chức trở nên chuyên nghiệp hơn.
Trung Thu 2023, tôi chuyển thể cuốn sách Treo đèn đón trăng lên của tác giả Nguyễn Chiều Xuân thành vở nhạc kịch cùng tên. Tôi coi đây là vở diễn đánh dấu cho một vở nhạc kịch thực thụ do tôi xây dựng, với toàn bộ phần âm nhạc được sáng tác đo ni đóng giày cho từng màn cảnh, nhân vật; kịch trong nhạc và nhạc trong kịch được gắn kết để truyền đạt trọn vẹn những thông điệp, ý nghĩa. Đây cũng là vở nhạc kịch đánh dấu cho sự ra đời của Sân khấu nhạc kịch Lấp lánh. Sau đó là các vở Chiếc ổ rơm ấm áp (2023), Một chuyến rong chơi (2024), Ai chờ trăng tới (2024)...
* Xây dựng Sân khấu nhạc kịch Lấp lánh, chị mong muốn điều gì?
- Tôi mong muốn mang đến một sân khấu nhạc kịch dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên - lứa tuổi mà rất ít sân khấu tạo điều kiện để các con được bước vào. Sân khấu đó sẽ kể những câu chuyện bằng âm nhạc một cách dễ hiểu và có các nhân vật gần gũi với lứa tuổi. Sân khấu đó giữ nguyên sự hồn nhiên, ngây thơ của các diễn viên.
Sân khấu đó cũng cho phép các khán giả không cần ngồi im để theo dõi. Các con được khuyến khích để đứng lên hát ca, nhún nhảy theo từng giai điệu, nhịp điệu của âm nhạc, hoặc chuyển động của các diễn viên cùng lứa tuổi. Đó cũng là sân khấu giúp cha mẹ của các con được trở về tuổi thơ, từ đó gắn kết với con cái của mình bền chặt hơn.
* Còn cách chị đào tạo nhạc kịch dành cho các em nhỏ?
- Tôi tạo ra một môi trường không tuyển chọn, để bất cứ em bé nào cũng có thể bước vào trải nghiệm.
Ở lứa tuổi mầm non, hầu hết năng lực nghệ thuật của các con mới đang bắt đầu hình thành, nên chưa bộc lộ một cách rõ ràng. Vì vậy, khi tham gia nhạc kịch, các con không ngay lập tức đi vào tập luyện tiết mục chỉ nhằm mục đích biểu diễn. Mà sẽ tham gia một hành trình học tập giúp các con khám phá bản thân mình thông qua các hoạt động như vận động, ca hát, chơi nhạc cụ, lắng nghe, kể chuyện…Trong hành trình đó, năng lực nghệ thuật của các con dần bộc lộ rõ ràng và với mỗi năng lực đặc thù của bản thân sẽ được giao nhiệm vụ phù hợp trong tiết mục trình diễn của nhóm mình.
Các con sẽ hoạt động như một diễn viên thực thụ, từ việc tuân thủ các quy định về lịch tập luyện, tổng duyệt, biểu diễn hoặc kiên trì chờ đợi đến lượt biểu diễn của mình. Các con học cách trở thành một phần nhỏ bé để tạo thành một tổng thể lớn. Các con vượt qua chính mình khi tự tin đứng trên sân khấu với đầy những thứ mới mẻ, thú vị mà vẫn tập trung cho phần biểu diễn của mình.
Và nếu như con chưa sẵn sàng thì bố mẹ và thầy cô sẽ luôn sẵn sàng dang tay ôm con vào lòng động viên, mọi người luôn ở bên yêu thương và tôn trọng con. Với tôi, nghệ thuật là một món quà mà em bé nào cũng xứng đáng được nhận. Vì vậy, nhạc kịch là bộ môn nghệ thuật dành cho mọi em bé.
* Cảm ơn chị!
(Còn tiếp)